Lạc quan để chiến thắng Covid-19

Đức Trân 11/09/2021 07:00

Đại dịch Covid-19 là một cơn bão lớn thổi quét toàn thế giới. Ngoài những thiệt hại nặng nề về tính mạng người dân, kinh tế xã hội, nó còn để lại những hậu quả nặng nề lên tâm lý người dân nói chung và những bệnh nhân mắc Covid-19 nói riêng.

“Lo lắng lắm chứ, sao mà không lo lắng được” - chị Đỗ Thị Quỳnh H. (28 tuổi, bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà ở TP HCM) chia sẻ: “Tôi lo lắng cho gia đình mình, những người xung quanh và cả chính bản thân mình nữa. Mỗi khi nhắm mắt, những suy nghĩ như nếu bệnh trở nặng mình sẽ thế nào, rồi áp lực khi ở trong nhà quá lâu khiến tôi mất ngủ”.

Chị H. không phải là trường hợp duy nhất có những vấn đề về tâm lý như vậy. Theo thông tin được ThS. BS Lê Thành Tân - Bộ môn Tâm thần, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 42% bệnh nhân mắc Covid-19 có biểu hiện mất ngủ; 38% suy giảm sự tập trung 38%; 36% người mắc bệnh có tâm lý lo âu, giảm trí nhớ.

“Một số nghiên cứu hồi cứu gợi ý rằng Covid-19 đã ảnh hưởng đến não bộ: 25% bệnh nhân nhập viện có biểu hiện triệu chứng thần kinh trung ương (choáng váng, nhức đầu, giảm ý thức) bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có những biểu hiện kích động” - BS Tân cho hay.

BSCKII Phạm Đăng Trọng Tường, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 12 chia sẻ: Ngay trong những giai đoạn đầu tiên, bệnh nhân Covid-19 được điều trị và theo dõi không chỉ sức khỏe về thể chất mà cả tinh thần. Khoảng 80% mắc Covid-19 có các triệu chứng nhẹ và sau đó sẽ hồi phục. Nhưng 20% bệnh nhân cần chăm sóc tích cực hơn. Khi bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, cảm giác khó thở, ngộp thở càng khiến bệnh nhân hoảng loạn.

“Trong những tình huống như vậy, việc giúp bệnh nhân hiểu và lấy lại bình tĩnh cũng như hợp tác với y bác sĩ trong điều trị, cung cấp oxy hỗ trợ hô hấp rất quan trọng. Nếu bệnh nhân vẫn ở trong tâm trạng hoảng loạn, ngoài việc cơ thể tăng cường sử dụng oxy, bệnh nhân sẽ phải tăng cường và huy động các cơ quan khác để đối phó với stress. Nên thời điểm đó, điều trị tâm lý giúp bệnh nhân vượt qua ổn định tinh thần, hợp tác với bác sĩ để thở tốt nhất” - BS Tường nói.

BS Tường cũng khẳng định, nhiều trường hợp mắc Covid-19 đã được điều trị tâm lý giai đoạn sớm, vượt qua giai đoạn khủng hoảng và hồi phục tốt. Với vai trò quan trọng giúp bệnh nhân nhanh vượt qua được căn bệnh, sức khỏe tinh thần người bệnh cần được các y bác sĩ quan tâm hơn nữa trong vấn đề điều trị, nhưng hơn hết, bản thân người bệnh cũng cần tự chăm sóc, điều chỉnh và nâng cao ý thức của mình để vượt qua đại dịch.

ThS. BS Lê Thành Tân cũng khuyến cáo, để giảm căng thẳng, lo lắng trong khi điều trị, góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục, bệnh nhân Covid-19 và người thân nên thực hiện một số biện pháp như tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch Covid-19, nhất là trên các mạng xã hội: zalo, Facebook, Youtube, Tik Tok,... Chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân, cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng. Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp. Tăng cường giao tiếp kết nối với những người khác, tâm sự về những lo lắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạc quan để chiến thắng Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO