Lại bàn về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Trần Bảo Hưng 27/09/2017 07:50

Ngày 28/9, trận chung kết lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sẽ được tổ chức. Bộ VHTT&DL đã đồng ý cho Hải Phòng tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn sau tọa đàm ngày 7/9 nhận được nhiều ý kiến nên tổ chức lại lễ hội.

Rút kinh nghiệm từ sự cố trâu húc chết chủ, công tác an ninh sẽ được siết chặt hơn. Để hiểu thêm về lễ hội, báo Đại Đoàn Kết đăng bài viết về ý nghĩa của lễ hội chọi trâu này.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tiếp tục được tổ chức.

Sở dĩ Bộ VHTT&DL có quyết định này sau những “lùm xùm” ở vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là do Bộ VHTT&DL cho rằng đây là di sản văn hóa cấp quốc gia và là truyền thống lâu đời, niềm tự hào của người dân Đồ Sơn.

Đây là niềm vui của người dân Hải Phòng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, bởi từ lâu mỗi người dân Việt đều thuộc câu ca dao nổi tiếng: “Dù ai buôn đâu, bán đâu; Mồng 9 tháng 8 chọi trâu thì về;Dù ai buôn bán trăm nghề; Mồng 9 tháng 8 cũng về chọi trâu”.

Tất nhiên ai cũng hiểu khi phục dựng một lễ hội truyền thống (mà ở đây là hội chọi trâu) phải lược bỏ những nội dung không phù hợp (nếu có) và đề cao tính nhân văn, nhân bản của một lễ hội văn hóa.

Ban tổ chức lễ hội chọi trâu hôm nay đã không hiểu hết ý nghĩa cao đẹp của lễ hội và đã đưa vào nhiều nội dung phản cảm, thậm chí thương mại hóa lễ hội một cách nặng nề.

Người ta nói đến tinh thần thượng võ, tính chất thể thao… của hội chọi trâu, chứng tỏ họ không hiểu gì về một lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời.

Bao nhiêu năm qua, lễ hội chọi trâu là sinh hoạt văn hóa tinh thần hồn nhiên và cao đẹp của nhân dân Đồ Sơn. Hàng năm các phường, giáp của Đồ Sơn chọn những con trâu to khỏe của người dân bản địa có bố mẹ song toàn, cần cù chịu khó trong làm ăn, có uy tín với nhân đân địa phương, vào xới chọi.

Trâu thắng, trâu thua cũng đều được làm thịt để cúng thành hoàng làng và chia cho nhân dân địa phương. Phần thưởng của chủ trâu thắng cuộc hầu như không có giá trị vật chất, phần thưởng cho họ, cho phường, giáp của họ chính là niềm kính trọng, quý mến của người dân khắp vùng và họ tin rằng năm ấy làm ăn sẽ tấn tới.

Thực ra từ xa xưa lễ hội chọi trâu có liên quan mật thiết đến tục hiến tế và sự coi trọng con trâu của cư dân nông nghiệp “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Không phải ngẫu nhiên mà cách nay hàng nghìn năm vua Lê Hoàn đã tiến hành cày tịch điền trang trọng vào đầu Xuân. Và trong ngày Tết Nguyên đán con trâu cũng có một ngày tết riêng của mình.

Vì yêu quý con trâu mà trẻ chăn trâu – người chăm sóc và “cai quản” trâu cũng được đề cao. Ở nhiều địa phương trước đây, trong những dịp cúng tế, trẻ chăn trâu được mời ăn cỗ trước, sau đó mới đến lượt các cụ. Và cũng không phải ngẫu nhiên, người mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc là vua Đinh Tiên Hoàng lại xuất thân từ trẻ chăn trâu!

Có thể nói lễ hội chọi trâu đầu tiên xuất phát từ lòng biết ơn và biểu dương sức mạnh của một con vật hiền lành, chịu thương chịu khó của cư dân nông nghiệp.

Ở Đồ Sơn bên cạnh làm nông nghiệp còn có ngư nghiệp, cho nên lễ hội chọi trâu còn gắn với người dân mong thần biển giúp rập cho người dân đi khơi về lộng được an toàn và đánh bắt được nhiều cá tôm.

Xuất phát điểm là như vậy, nhưng các lễ hội lại luôn có xu hướng gắn với những sự kiện nổi bật, với những nhân vật lịch sử tầm cỡ của địa phương – điều đó giúp nó tồn tại lâu bền và có tính chất thiêng liêng với nhân dân.

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn cũng vậy. Nó đã tồn tại từ trước, nhưng khi khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu – một nông dân đứng lên chống lại triều đình phong kiến, thì lễ hội chọi trâu lại gắn với cuộc khởi nghĩa này.

Truyền thuyết kể rằng: Trước khi khởi nghĩa, một buổi tối, Nguyễn Hữu Cầu dạo chơi bên bờ biển, ông thấy hai con trâu đang húc nhau. Sợ chúng bị thương, ông nắm lấy sừng hai con trâu, rẽ chúng ra. Hai con trâu sợ hãi, nhảy tùm xuống biển. Sợ chúng chết đuối Nguyễn Hữu Cầu vội nắm lấy đuôi kéo chúng lên.

Nhưng hai con trâu đã lặn xuống biển, Nguyễn Hữu Cầu biết chúng là trâu biển. Hai tay của Nguyễn Hữu Cầu còn một túm lông đuôi của trâu biển, ông bèn cho vào miệng nuốt.

Từ đó Nguyễn Hữu Cần bơi lặn rất giỏi, nên ông còn có tên là Quân He (bởi lặn giỏi như cá he). Sau này cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu thất bại, sợ triều đình đàn áp, người dân hàng năm tổ chức lễ hội chọi trâu để tưởng nhớ tới ông một cách kín đáo.

Lễ hội chọi trâu là cách người dân diễn lại cảnh ông đã gặp trâu húc nhau thuở nào. Thế là lễ hội chọi trâu có thêm ý nghĩa mới và càng thêm thiêng liêng trong mắt người dân.

Khoác tấm áo văn hóa và huyền thoại như vậy, cho nên trước đây lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn hoàn toàn không có yếu tố thương mại không có chuyện vót nhọn sừng, móng để trâu húc nhau đến chết. Lại càng không có chuyện trâu húc chết chủ và thịt trâu chọi được xẻ thịt bán với giá cao ngất ngưởng.

Do vậy cùng với việc cho phép tổ chức lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, thiết nghĩ Bộ VHTT&DL cần tìm ra nguyên nhân và xử lý triệt để nguyên nhân khiến lễ hội chọi trâu vốn là một lễ hội văn hóa trở thành một lễ hội bạo lực và thương mại.

Hãy trả lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cho những chủ nhân đích thực đã sinh ra và nuôi dưỡng lễ hội. Nhà nước chỉ nên đứng ra quản lý và “thổi còi” nếu lễ hội đi chệch khỏi những nội dung tốt đẹp của nó.

Nếu các địa phương còn trực tiếp đứng ra tổ chức và coi các lễ hội như “con gà đẻ trứng vàng” thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn nói riêng và các lễ hội văn hóa nói chung vẫn tiếp tục biến tướng và mất dần những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng vốn tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lại bàn về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO