Lai Châu: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Việt Hoàng 24/12/2018 08:00

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đời sống người dân, nhất là ở các xã nghèo trong tỉnh Lai Châu từng bước được nâng lên, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu nơi vùng khó khăn.

Lai Châu: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Người dân được hỗ trợ về giống cây trồng và cách chăm sóc.

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp để người dân có thể sống bằng nghề rừng và sản phẩm khai thác từ rừng thông qua công tác khoán, bảo vệ rừng.

Từ năm 2016 - 2018, tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ 53.000 lượt hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng; hỗ trợ trên 72.000 lượt hộ nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ trên 296 nghìn lượt ha rừng. Thực hiện hỗ trợ khai hoang 32,3 ha; nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố... Ngoài ra, đã có 36 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, từ đó nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Thực hiện Nghị quyết 02, UBND tỉnh tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, các xã biên giới, các dân tộc đặc biệt khó khăn. Địa phương đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút, động viên sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện giảm nghèo, hỗ trợ giúp đỡ người nghèo.

Theo ông Giàng A Tính, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đối tượng hỗ trợ lớn trong khi ngân sách hỗ trợ hạn hẹp (chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế) là: Số hộ nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó là việc thiếu đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, lao động không có việc làm...

Nhằm giải quyết việc làm, tỉnh Lai Châu chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hình thức tăng cường liên kết các đơn vị, tổ chức đào tạo nhiều ngành, nghề như: Trồng trọt, cắt may, chăn nuôi, hàn, điện dân dụng, dệt thổ cẩm… Ngoài ra, tỉnh quan tâm hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn để giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đến cuối tháng 11/2018, tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 21 nghìn lao động, xuất khẩu lao động 276 người.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ở các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, giải quyết các thiếu hụt về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho hộ nghèo. Trong đó, đầu tư, sửa chữa nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, cơ sở vật chất trường lớp học, trạm y tế, xây dựng nhà văn hóa.

Tính từ năm 2016, tỉnh Lai Châu có đến 6/8 huyện, thành phố thuộc huyện nghèo, 75 xã và 617 bản đặc biệt khó khăn; trên 36.094 hộ nghèo, 8.982 hộ cận nghèo. Một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 90% như: Bum Tở 94,8%, Pa Vệ Sủ 94% của huyện Mường Tè. Số hộ nghèo khu vực thành thị chiếm tỷ lệ 9,68% như: Thị trấn Tân Uyên 34,38%, thị trấn Nậm Nhùn 15,18%, thị trấn Sìn Hồ 14%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lai Châu: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO