Lại mượn không muốn trả

Lê Anh Đức 23/04/2020 07:30

Bộ Xây dựng vừa công bố danh sách 12 người nguyên là lãnh đạo cấp tổng cục và thứ trưởng trở lên không chịu trả nhà công vụ (tòa CT1-CT2, Yên Hòa) sau khi nghỉ hưu.

Trả lời truyền thông, nhiều người trong số đó khẳng định không có ý chây ì, mà do chưa kịp dọn đến nhà mới, không thấy Bộ Xây dựng nhắc gì nên chưa trả... Đây là sự biện minh thiếu thuyết phục, bởi nếu thực sự có ý định trả nhà công vụ thì ngay sau khi có quyết định nghỉ hưu, họ đã làm thủ tục trả nhà cho Nhà nước.

Trước tiên phải khẳng định ngay rằng, chủ trương cấp nhà công vụ cho lãnh đạo các cơ quan Trung ương chưa có nhà ở, để đảm bảo cán bộ yên tâm công tác là hoàn toàn đúng đắn, hợp lý. Song, lâu nay do các quy định về quản lý nhà công vụ còn lỏng lẻo nên nhiều người sau khi thôi giữ cương vị lãnh đạo vẫn chây ì không chịu trả nhà để cấp cho người khác. 12 cán bộ hàm thứ trưởng vừa được nêu tên không phải là trường hợp đầu tiên, cũng chưa phải là trường hợp cuối cùng chây ì không trả nhà công vụ.

Còn nhớ, cuối năm 2014, sau 8 năm “đòi” nhà vất vả của UBND TP Hà Nội, báo chí và cả cộng đồng xã hội, ông Hoàng Văn Nghiên (nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội) mới chịu trả lại biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi thôi giữ chức vụ, ông Hoàng Văn Nghiên cố tình chây ì tới gần chục năm không chịu trả nhà công vụ khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Đáng nói, UBND TP Hà Nội cũng không có cách nào lấy lại nhà, cho tới khi ông Nghiên tự trả lại nhà năm 2014.

Trở lại câu chuyện của 12 quan chức đang có ý định chây ì không trả nhà công vụ khi Bộ Xây dựng ra thông báo thu hồi. Vị cán bộ nguyên là lãnh đạo một cơ quan Trung ương lấy lý do: Nhà mới vừa hoàn thiện nội thất, lại đang đại dịch Covid-19 nên chưa chuyển về nhà mới được dẫn đến chậm trả nhà công vụ. Vị cán bộ này nói rằng bao giờ hết Covid-19 sẽ làm thủ tục trả lại nhà công vụ.

Còn nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam về hưu từ đầu năm 2019 (tức là đã gần một năm rưỡi) và đã chuyển vào Nam sinh sống rồi nhưng vẫn cố tình không trả lại nhà công vụ mà giữ lại cho các cháu họ đến ở. Biện minh cho việc chây ì không chịu trả lại nhà công vụ, nữ cán bộ này khẳng định những thông báo đòi nhà trước đây của Bộ Xây dựng không đến tay, mới đây mới nhận được thông báo nên chưa kịp trả lại nhà công vụ, chứ không phải là chây ì như báo chí nói.

Còn một vị nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì cho rằng, không chỉ có mình ông giữ lại nhà công vụ chưa trả sau khi nghỉ hưu, mà cũng có nhiều người khác như vậy (!). Một số người khác thì “thật thà” hơn, khẳng định chưa trả nhà công vụ là để chờ Nhà nước bán hóa giá thì mua luôn. Sở dĩ vậy là do cũng đã có thông tin từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) “bật mí” rằng đang có đề án trình Chính phủ phê duyệt bán hóa giá nhà ở công vụ cho cán bộ hưu trí. Chưa biết thông tin trên là thật hay giả, nhưng kể cả có như vậy thì những cán bộ này cũng vẫn phải tự giác trả nhà công vụ rồi khi có cơ chế, chính sách sẽ làm đơn mua sau.

Trăm hoa đua nở, mỗi người đều có lý do riêng của mình để biện minh cho hành vi chây ì cố tình giữ lại nhà công vụ làm của riêng. Song, tất cả những lý do mà những cán bộ nêu trên đưa ra đều khó có thể thuyết phục được dư luận xã hội. Dư luận cho rằng, lý do duy nhất khiến nhiều người dù đã thôi giữ cương vị lãnh đạo vẫn cố tình chây ì không muốn trả nhà công vụ, đó là do hành lang pháp lý có khe hở, thiếu chế tài nên không có gì phải sợ nếu cứ giữ nhà công vụ làm của riêng.

Từng là những người giữ trọng trách tại các cơ quan Trung ương, lẽ ra họ phải hiểu hơn ai hết là tài sản nhà nước thì không thể biến thành tài sản tư nhân. Là cán bộ cao cấp thì rất cần phải có trách nhiệm nêu gương theo theo Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương., không chỉ khi đang làm việc mà ngay cả khi đã nghỉ hưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lại mượn không muốn trả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO