Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm?

T.Hằng 05/09/2020 07:15

Nếu tính theo quy luật, thời điểm này các doanh nghiệp sẽ tăng hoạt động sản xuất kinh doanh, tín dụng cuối năm dự báo tăng mạnh. Nhưng năm nay dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới cộng đồng doanh nghiệp, tới cả nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giảm lãi suất cho vay, liệu có đủ kích tín dụng lên?

Ngân hàng cũng muốn kích cầu tín dụng.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chủ một doanh nghiệp khách sạn tư nhân ở Thừa Thiên - Huế nói, dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp này không có cơ hội hồi phục. Bao nhiêu công và của dồn vào xây khách sạn, mới đi vào hoạt động được 1 năm thì xảy ra dịch, nên giờ mất sạch. Cũng theo lời chủ khách sạn, may còn không dính vào vay nặng lãi. Nhiều người bạn của ông đã phải bán cả xe, nhà, rồi vay nặng lãi để trả lãi ngân hàng.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, để tồn tại qua giai đoạn khó khăn chưa từng có này, doanh nghiệp đang rất cần được tiếp sức, đặc biệt là về vốn, gồm cả việc hạ sâu lãi suất cho vay hiện hữu lẫn lãi suất cho vay mới. Việc giảm lãi, giãn nợ vừa qua của các ngân hàng chưa đủ sức giúp doanh nghiệp vực dậy khỏi khó khăn.

Được biết, không có doanh thu, nhưng mỗi tháng Công ty này vẫn phải trả gần 7 tỷ đồng tiền lãi (gồm lãi vay ngân hàng và trả lãi trái phiếu doanh nghiệp).

Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng không thiếu, vấn đề của DN là thiếu thị trường, cầu thấp quá, nên việc hạ lãi suất chỉ là một phần trong tổng thể bài toán kích tín dụng cuối năm. Song chính việc hạ lãi suất sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cung ứng đủ nguồn vốn ra thị trường, tạo tiền đề cho sự phục hồi trong thời gian tới. Tính đến thời điểm này 60% doanh nghiệp gần như không thể cầm cự và đang bên bờ vực phá sản.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất mạnh hơn cho doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là cần thiết, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có nhiều lao động, hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, không chỉ cần sự tham gia tự nguyện của các ngân hàng thương mại như thời gian qua, mà nhất thiết phải sử dụng nguồn từ ngân sách. Theo đó, ngân sách có thể cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp này vay khoảng 4%/năm.

Bộ phận phân tích của chứng khoán KB (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay kì vọng tiếp tục giảm trong thời gian tới với 3 yếu tố chính: Kì vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa trong 6 tháng cuối năm và NHNN dự kiến sẽ cho phép giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giúp giải tỏa áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lần thứ ba yêu cầu phải tiếp tục nới lỏng có kiểm soát chính sách tiền tệ và tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng đánh giá cao chính sách gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất vừa qua của ngành ngân hàng, song cũng yêu cầu phải làm mạnh hơn nữa, đồng thời nhắc lại, các ngân hàng không nên đặt vấn đề lợi nhuận trong năm nay, mà phải là phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Phần lớn các quan điểm cho rằng bức tranh tín dụng tỏ ra thiếu tích cực khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng mạnh trong khi tín dụng tăng không nhiều. Lượng tiền trong hệ thống ngân hàng dồi dào đang khiến cho lãi suất tiền gửi và cho vay có thể giảm thêm trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO