Làm doanh nghiệp khó lắm thay

Thúy Hằng 23/06/2015 14:20

Cuối tuần rồi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – TS Nguyễn Đình Cung đã đưa ra con số: có tới 3.299 điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền khiến doanh nghiệp “khựng lại” trước những nhu cầu đổi mới được cho là tất yếu. Phí chồng phí đè lên doanh nghiệp, nhiều điều kiện kinh doanh trái luật vẫn đang được vận hành cản không cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh. Ông Cung đã phải thốt lên “làm doanh nghiệp khó lắm!”.

Đơn giản thủ tục để doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất

Điều đáng nói là, thời gian này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng vừa kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 3.299 các loại điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, chủ yếu tập trung ở các Bộ: Tài chính, Công Thương và Y tế.

Nhiều chuyên gia đưa ra nhận xét trong khi cơ quan quản lý đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thì các bộ, ngành, địa phương vẫn chậm “vào cuộc”. TS. Lưu Bích Hồ nhận xét cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ rất quan trọng. Ở đâu lãnh đạo quản lý, sở, ngành quan tâm chỉ đạo trực tiếp và làm quyết liệt thì sẽ có sự thay đổi. Nhưng chỉ cần buông ra là cải cách sẽ trùng xuống” - ông Lưu Bích Hồ nói.

Chính phủ chính thức tuyên chiến, cắt đứt giấy phép con bằng việc cho ra đời Nghị quyết 19/2014 ngày 18-3-2014 và Nghị quyết 19/2015 ngày 12-3-2015 của Chính phủ (NQ 19) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, thúc ép các ban bộ ngành chức năng vào cuộc để đến năm 2016 môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 (trên các tiêu chí nộp thuế, tiếp cận điện năng, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu…)

Thêm vào đó từ ngày 1-7-2015, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. Hai Luật này được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá cao. Một trong những nội dung quan trọng và rất được quan tâm trong quá trình triển khai thi hành 2 Luật nói trên là các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Với 2 Luật mới này, điều kiện kinh doanh ở các Thông tư hiện còn tồn tại đương nhiên hết hiệu lực. Luật mới không cho phép bộ, ngành, địa phương được ban hành điều kiện kinh doanh. Nếu cố tình ban hành là sai quy định và văn bản bị vô hiệu hóa.

Nếu như câu chuyện về việc Bộ Tài chính lẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “đá” quả bóng trách nhiệm về việc bãi bỏ 14 loại phí trên 1 con gà đến nay vẫn chưa dứt dư âm thì nay, ông Nguyễn Đình Cung còn bổ sung thêm thông tin: Có quá nhiều loại phí vô lý. Phí thu đến 43 triệu đồng/lô hàng thì còn đâu lợi nhuận? Làm doanh nghiệp ở Việt Nam thật khó”! Các nước đặt hàng rào kỹ thuật để ngăn cản hàng nhập khẩu, còn ta thì đặt hàng rào để chặn hàng xuất khẩu.

Ông Phạm Thanh Bình- Chuyên gia về hải quan kể câu chuyện với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu, một số thị trường không yêu cầu phải kiểm dịch nhưng theo Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn yêu cầu phải kiểm dịch. “Các doanh nghiệp miền Trung phản ánh, phí kiểm dịch không được thu theo mẫu mà theo lô hàng. Cứ 1 lô là 500 tấn, 1 con tàu 40.000 tấn thì tính là 80 lô, tổng cộng mất 43 triệu đồng phí kiểm dịch”. Chưa kể, dăm gỗ rất dễ hút ẩm, phí kiểm dịch tăng lên rất nhiều. Doanh nghiệp cho biết họ chỉ nhận được biểu phí để áp dụng, vẻn vẹn 1 trang giấy, không biết phần đầu, phần cuối và trích ở văn bản nào.

Hay như về thủ tục cấp C/O, Bộ Công Thương đã thí điểm cấp C/O điện tử mẫu D, Tổng cục Hải quan không cấp tờ khai hải quan. Nhưng do căn cứ cấp C/O của Bộ Công Thương không đầy đủ, nên doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng được yêu cầu phải viết giấy cam kết. Bớt được tờ khai hải quan thì tăng lên tờ cam kết!

Cũng theo thống kê đến nay, 5 bộ ngành vẫn dẫn đầu về điều kiện kinh doanh là: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, Y tế và GTVT.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN khẳng định, từ ngày 11-7 có rất nhiều luật mới được áp dụng. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kinh phí để có ban pháp chế riêng. Doanh nghiệp hoang mang không biết điều khoản nào thay đổi, điều khoản nào giữ nguyên.

Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh rằng sợ nhất chính sách thay đổi thường xuyên mà doanh nghiệp khó thích nghi.

Trong suốt 10 năm qua, Chính phủ vẫn thường xuyên nhấn mạnh đơn giản hóa các thủ tục. Nhưng cũng trong chừng ấy năm điều kiện kinh doanh ngày càng phình to, do nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành. Và trong điều kiện hiện nay, việc bãi bỏ các quy định không hợp lý càng không đơn giản, “vì các bộ, ngành, địa phương đã có “độ trơ” hơn, phê bình, nhắc nhở chẳng ăn thua” - ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm doanh nghiệp khó lắm thay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO