Làm đường, sao cứ phải chặt cây?

Thu Hương 16/01/2016 09:15

Đó là câu hỏi của KTS Trần Huy Ánh trước thông tin Hà Nội sắp đánh chuyển hoặc chặt hạ hơn 20 cây xà cừ lớn ở đường Kim Mã để phục vụ thi công nhà ga của tuyến metro đầu tiên của Hà Nội.

Hàng cây xà cừ dự kiến sẽ bị chặt hạ trên đường Cầu Giấy. Ảnh: Minh Minh.

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, để thi công nhà ga S6 đường Xuân Thủy (cạnh ĐHQG Hà Nội) theo hướng về Cầu Giấy có 40 cây xanh chủ yếu là muồng, keo, sưa đỏ... sẽ bị chặt hạ, đánh chuyển và cắt tỉa. Tại nhà ga S7 trên đường Cầu Giấy (đoạn chùa Hà) đến Ô Cầu Giấy có 24 cây bị chặt, chuyển đi nơi khác, hoặc cắt tỉa. Điều đáng nói là trong số những cây xanh dự kiến bị chặt hạ, chuyển đi có 24 cây xà cừ cỡ lớn, có tuổi đời từ 60-70 năm.

Mặc dù Ban quản lý dự án Nhổn – Ga Hà Nội đã thông báo phương án dự kiến sau khi hoàn thành dự án vào đầu 2019, đơn vị sẽ trồng lại toàn bộ số cây trên vỉa hè và cây hoa cảnh, cỏ tại dải phân cách giữa để tạo cảnh quan. Riêng tại khu Depot ở Nhổn để tạo điểm nhấn sẽ trồng 183 cây lim cao 7 m, 53 cây hoa sữa, 73 cây ngâu và cọ cao 7 m cùng hàng nghìn cây hoa các loại.

Tuy nhiên, theo KTS Trần Huy Ánh, cần cân nhắc việc hy sinh những hàng cây cổ thụ để làm đường: “Hàng cây xà cừ dự kiến bị chặt, chuyển đi là một hình ảnh rất đặc trưng của con đường Hà Nội từ những năm 60. Việc chặt hàng cây này phục vụ cho làm đường là một điều rất đáng buồn bởi Hà Nội đâu chỉ cần giao thông mà cần cả môi trường sống.

Đáng lẽ ngay từ khi hình thành phương án đã phải cân nhắc đến việc thiết kế giao thông phải đi cùng với việc nâng cao cảnh quan. Thay vì bộ phận nào làm chỉ biết việc của người ấy thôi thì cần sự cân nhắc cả hai phía, làm sao vừa đảm bảo hạ tầng xã hội, đảm bảo cảnh quan kiến trúc và cây xanh đường phố. Bởi hàng cây xanh có giá trị không kém gì con đường cả. Để làm được cái này không nên để hy sinh cái khác”.

Cũng rất xót xa khi nghe tin Hà Nội định sẽ chặt cây để làm đường, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng khi lên phương án sửa đổi bất cứ cái gì dù ở trong nội thành Hà Nội hay không cũng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực để tránh cái nhìn phiến diện. Với việc chặt cây để làm đường, nếu có thể nên tìm con đường khác thì nên cân nhắc. Còn nếu “đặng chẳng đừng” phải chặt thì cũng nên rút kinh nghiệm ở những công trình khác.

“Đây là bài học quý giá, một kinh nghiệm đau xót. Trong tương lai chúng ta còn nhiều công trình nữa, cần soạn thảo lên phương án một cách tổng hợp chứ không phiến diện để tránh những sự đau lòng như vừa qua”, KTS Trần Huy Ánh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm đường, sao cứ phải chặt cây?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO