“Làm giá” bất động sản, ai quản?

Lê Anh Đức 23/07/2015 08:30

Không chỉ là vấn đề đầu cơ khiến thị trường bất động sản “mong manh dễ vỡ”, thời gian qua còn xuất hiện hiện tượng chủ đầu tư cấu kết với các sàn giao dịch bất động sản “làm giá”.

“Làm giá” bất động sản, ai quản?

Ảnh minh họa

Sau một thời gian dài bị “đóng băng”, từ giữa năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục và ấm dần lên. Đây lẽ ra là điều đáng mừng cho nền kinh tế đất nước, song dư luận không khỏi nghi ngại bởi nếu không quản tốt thì thị trường bất động sản lại như bong bóng vài năm về trước. Sự lo lắng của dư luận không phải là vô cớ, bởi trên thực tế vẫn rất nhiều người có nhu cầu thực thì không mua được nhà, trong khi có nhiều chủ đầu cơ lại sở hữu quá nhiều căn hộ. Không chỉ là vấn đề đầu cơ khiến thị trường bất động sản “mong manh dễ vỡ”, thời gian qua còn xuất hiện hiện tượng chủ đầu tư cấu kết với các sàn giao dịch bất động sản “làm giá”.

Thật đáng buồn khi mà ở nhiều lĩnh vực đều có “suất ngoại giao”. Từ xin cho con học trường điểm, trái tuyến, tuyển công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, cho đến giao dịch bất động sản... đều có “suất ngoại giao”. Tới nay, người ta đã quen với cái từ vốn vô nghĩa lại trở thành từ phổ thông: “Suất ngoại giao”! Và thế là nhiều đối tượng trong giới kinh doanh bất động sản đã lợi dụng vào cái sự quen thuộc đó để lừa người tiêu dùng.

Hầu hết ở các dự án bất động sản đều có giao bán các “suất ngoại giao” với giá thành rẻ hẳn so với mặt bằng giá chủ đầu tư đưa ra. Đó là trên mạng của các sàn giao dịch bất động sản rao thế, còn thực chất nó có phải là “suất ngoại giao” thật hay không thì đố ai biết được. Từ cuối năm 2014, những căn hộ “suất ngoại giao” lại xuất hiện nhan nhản trên nhiều website nhà đất, với mức giá rẻ hơn chủ đầu tư 2,5-3 triệu đồng/m2. Theo đó, mỗi căn hộ chung cư đã chênh nhau giữa “suất ngoại giao” và giá chủ đầu tư đưa ra hàng trăm triệu đồng. Tự nhiên mua nhà được rẻ tới cả trăm triệu, thậm chí không ở chỉ buôn nước bọt sang tay lại ngay cũng có tiền thì tội gì mà không mua ngay. Tâm lý đó của người tiêu dùng đã bị không ít đối tượng kinh doanh bất động sản lợi dụng triệt để và cho vào bẫy.

Sự xuất hiện của các suất ngoại giao với mức giá chênh lệch từ 100 triệu đồng/ căn hộ đến vài trăm triệu đồng/ căn hộ khiến dư luận hoài nghi, đặt ra câu hỏi là: Liệu có việc sàn bất động sản “bắt tay” với chủ đầu tư đẩy giá căn hộ lên cao hay không? Điều này đã được vài “người trong cuộc” thừa nhận là có sự “hữu nghị” giữa chủ đầu và sàn giao dịch bất động sản để “làm giá”.

Ví dụ, có chỉ mới cuối tháng 6 vừa qua thôi, có khá nhiều người môi giới bất động sản đăng thông tin trên mạng xã hội facebook: “Từ ngày 1/7 sẽ áp dụng chính sách mới, chủ đầu tư phải gửi tiền vào ngân hàng để cam kết về tiến độ, vì thế giá nhà dự kiến sẽ tăng cỡ 2%. Theo những người môi giới bất động sản, sau thời điểm ngày 1/7, khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chính thức có hiệu lực thi hành, giá nhà sẽ tăng thêm vài chục cho tới vài trăm triệu đồng/căn hộ. Do đó, để tránh “thiệt thòi”, dân môi giới khuyên những người có nhu cầu thực nên ký hợp đồng mua bán hoặc đặt cọc mua nhà trước thời điểm đó.

Điều này đã được chứng minh rõ ràng khi hai dự án sát cạnh nhau tại quận Hà Đông, có điều kiện cơ sở vật chất như nhau nhưng lại có giá chênh nhau tới hơn 10 triệu đồng/m2. Điều lạ lùng là trong khi một dự án chỉ có giá 18-19 triệu đồng/m2, đồng thời gần như đã hoàn thành chỉ còn chờ bàn giao căn hộ thì bán nhà hết sức chật vật, vậy mà dự án cạnh nó chỉ mới là cái móng và giá thành thì cao hơn tới hàng chục triệu đồng/m2 lại đã bán hết veo. Tìm hiểu thì mới hay rằng, đội ngũ “cò” của dự án này đông như quân Nguyên, luôn “quây” khách hàng với mọi chiêu trò để đưa họ vào bẫy.

Theo một số chuyên gia kinh tế và bất động sản thì việc chủ đầu tư “bắt tay” với các sàn giao dịch để “làm giá” là cách làm tiêu cực, thiếu chuyên nghiệp và không bền vững. Song vì lợi ích của mình, không ít chủ đầu tư đã không ngần ngại bỏ qua sự chuyên nghiệp, ăn sổi ở thì, cấu kết với sàn giao dịch để đẩy giá bất động sản. Các chuyên gia cũng khẳng định sở dĩ một số chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản có thể cấu kết với nhau đẩy giá, “làm giá” bất động sản là bởi vì vẫn có đất để múa võ.

Đó là không ít người tiêu dùng ngoài sự nhẹ dạ cả tin, còn bị hội chứng đám đông, nghĩa là dự án nào đông người mua thì nhao vào. Nếu người tiêu dùng tỉnh táo, nếu các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực kinh doanh bất động sản thực sự “sắn tay áo” vào cuộc quản thật chặt, tin rằng người tiêu dùng sẽ không bị lừa dễ dàng như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Làm giá” bất động sản, ai quản?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO