Làm nghiêm từ trên xuống

Mai Loan 01/08/2018 10:00

Thông qua hoạt động của Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy có thể thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng lâu nay đã chưa bao giờ nguội lạnh. Nhiều vụ việc nổi cộm đã dần dần được lôi ra ánh sáng.

Làm nghiêm từ trên xuống

Minh họa: shutterstock.

1. Nửa đầu năm, 408 vụ việc được các Ban Nội chính tỉnh ủy đôn đốc, chỉ đạo. Con số đó được nêu trong báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động của các ban nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Ban Nội chính Trung ương tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác nội chính diễn ra mới đây.

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết như thế tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng các ban nội chính. Theo đó, các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là khiếu kiện đông người, các hoạt động chống phá của các tổ chức phản động. Đặc biệt, các ban đã chỉ đạo đối phó thận trọng, kịp thời và xử lý kiên quyết các hoạt động gây rối và mất an ninh trật tự thông qua hoạt động biểu tình, bạo động phản đối một số dự án luật trong thời gian gần đây.

Các cơ quan này cũng đã nghiên cứu, lựa chọn các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tham nhũng, kinh tế được dư luận quan tâm; các vụ án có đơn, thư phản ánh oan, sai; các vụ án còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để tham mưu đưa 408 vụ việc, vụ án vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành uỷ theo dõi, chỉ đạo, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2017.

Một số ban nội chính các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai, Ninh Thuận, Trà Vinh… đưa được nhiều vụ việc, vụ án vào danh sách tham mưu, chỉ đạo. Cụ thể, tính đến thời điểm này, các ban nội chính tỉnh ủy đã tham mưu giúp cấp ủy địa phương chỉ đạo, xử lý xong 108/408 vụ việc, vụ án.

Báo cáo về tình hình kết quả công tác nửa đầu năm 2018 của Ban Nội chính Trung ương nêu rõ việc Ban đã chủ động xây dựng, tích cực, khẩn trương tham mưu để triển khai các hiệu quả chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, chuẩn bị tốt các phiên họp quan trọng của 2 Ban chỉ đạo này cũng như theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo.

Trước đó ít hôm, tại hội nghị sơ kết 6 tháng của Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc điểm lại cụ thể các vụ việc như vụ án PVN góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank, vụ án Phạm Công Danh giai đoạn II, vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương, vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG…

Ban cũng đề xuất đưa 4 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi chỉ đạo; tham mưu, chỉ đạo xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 9 vụ án đúng yêu cầu kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Trưởng Ban Nội chính yêu cầu, các bộ phận bám sát để xử lý các khó khăn vướng mắc để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 21 vụ án, vụ việc, kết thúc xác minh xử lý 21 vụ việc khác trong năm 2018 theo kế hoạch. Trọng tâm là hoàn thành xét xử sơ thẩm giai đoạn I các vụ án: vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ, vụ án Út “trọc”, Vũ “nhôm”, vụ án xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á, các vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Dương Thanh Cường, Vũ Quốc Hảo và các vụ án, vụ việc xảy ra tại PVC, PVN.

Ông Trạc lưu ý, Ban Nội chính cần phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để theo dõi, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán làm rõ đúng, sai, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận quan tâm; như việc thanh tra việc quản lý, sử dụng 2.200 tỷ PVN trả nợ cho Vinashin và số tiền 4.190 tỷ Chính phủ tạm ứng cho Vinashin tái cơ cấu; thanh tra các dự án có liên quan đến Út “trọc”.

2. Thông qua hoạt động của Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy có thể thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng lâu nay đã chưa bao giờ nguội lạnh. Nhiều vụ việc nổi cộm đã dần dần được lôi ra ánh sáng. Và, quan trọng là, trong cuộc chiến ấy lực lượng phòng chống tham nhũng đã được “mở đường” để không phải e ngại có vùng cấm nào đó khiến họ chùn tay. Trái lại, quan điểm của Đảng ta là rất rõ ràng. “Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm. Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Một mặt, trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng nhưng mặt khác, cần có chính sách khoan hồng đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác, tạo môi trường xã hội tích cực nhằm ngăn chặn tham nhũng.”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như thế tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng cách đây 4 năm. Và, tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng lần thứ 2 diễn ra cách đây tròn 1 tháng, quan điểm ấy vẫn được Tổng Bí thư nhắc lại: “Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng xuống đến cả đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị.”

Bởi, Đảng hiểu, người đứng đầu Đảng biết rõ, quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách…

3. Trong thời gian tới đây, nhiều vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo sẽ được đưa ra xét xử như vụ án Vũ “nhôm”, Út “trọc” hay vụ án đánh bạc qua mạng. Nhiều cán bộ được Đảng dày công đào tạo đã phạm sai lầm rất lớn khi tiếp tay cho các đối tượng tội phạm bòn rút tiền của của nhân dân sẽ buộc phải đứng trước vành móng ngựa. Đây là điều đau xót. Nhưng mặt khác, việc bóc gỡ những đường dây rất lớn ấy cho thấy nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng của Đảng ta. Bởi vì, sự chằng chịt giữa các mối quan hệ hay “lợi ích nhóm” không dễ gì lộ diện và nó cũng khiến cuộc đấu tranh chống tham nhũng luôn luôn gian nan, vất vả. Nhưng, chỉ có đấu tranh kiên quyết trước tệ nạn tham nhũng chúng ta mới giữ được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Chỉ có thẳng tay trừng trị tham nhũng chúng ta mới góp phần giữ vững được những thành quả về phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua- những thành quả được đóng góp bằng mồ hôi của mỗi người dân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm nghiêm từ trên xuống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO