Làm phim chỉ cốt… an toàn?

Hoàng Minh 02/07/2015 10:09

Điện ảnh Việt được biết đến ở các giải thưởng quốc tế cũng bởi những thước phim tài liệu giá trị như: Nước về Bắc Hưng Hải, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm khùng, Chốn quê, Những cô gái Ngư Thủy, Trở lại Ngư Thủy… Dù kỹ thuật làm phim ngày càng phát triển, nhưng có một thực tế là phim tài liệu Việt Nam đang ngày càng… lạc hậu.

Cảnh trong phim tài liệu “Tội ác rừng xanh” đề cập thẳng thắn tới vấn đề bảo vệ môi trường

Bó hẹp về đề tài

Chia sẻ về điều này, đạo diễn Đào Thanh Tùng, Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (TL&KH TƯ) cho hay: nguyên nhân thành công của những bộ phim tài liệu thuộc thế hệ “vàng” trước đó phần lớn xoay quanh nội dung về thời hậu chiến. Còn hiện nay, những nhà làm phim tài liệu đang gặp khó về đề tài. Trong khi đề tài của cuộc sống ngày càng đa dạng, phong phú thì hầu hết các bộ phim tài liệu đều có chủ đề, nội dung na ná nhau, như về truyền thống cách mạng, về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người vùng biên giới, biển đảo và dân tộc miền núi… Còn các đề tài sự bứt phá mang tính dấu ấn và những vấn đề “nóng” mà xã hội, thời đại đang quan tâm thì hoàn toàn chưa chạm tới.

Vậy đâu là nguyên nhân? Theo ông Tùng, trước nhiều vấn đề xã hội lẽ ra phải “xắn tay” vào thì những nhà làm phim đang phải lảng tránh, đi đường vòng, đôi khi là lờ đi như thể không biết. Đơn cử như vấn đề đồng tính, chuyển giới, với Hãng phim TL&KH TƯ là hoàn toàn cấm kị. Song với những dòng phim khác hoặc với các nhà làm phim độc lập, họ lại được thoải mái sáng tác. Điều dễ dàng nhận thấy là phim tài liệu Việt Nam hiện nay còn nặng yếu tố tuyên truyền, ngại va chạm với những vấn đề “nóng” của xã hội như sự suy thoái đạo đức, lối sống; khoảng cách giàu nghèo; sự tham ô, cửa quyền… Như vậy, nghĩa là làm phim cốt sao cho “an toàn” trước tiên. Điều đó cũng khiến cho phim tài liệu ngày càng mất đi sự hẫp dẫn.

Với tư cách là một nhà quản lý, ông Tùng cũng nhận định việc làm phim tài liệu của các hãng phim Nhà nước hiện vẫn theo cơ chế làm phim/ làm công … ăn lương. Vì thế mà các nhà đạo diễn chỉ có được một nửa tính nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Đây cũng là nguyên nhân mà những người làm phim kiểu làm công ăn lương đã và đang phải né tránh trong những sáng tạo của mình. Theo ông Tùng, để phim tài liệu đủ sức hấp dẫn khán giả, tầm nhìn của những người làm quản lý văn hóa cũng cần phải sớm thay đổi.

Nỗi buồn phim tài liệu

Hãng phim TL&KH TƯ vừa tổ chức LHP tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 7, với sự tham gia của nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Trong đó, với tư cách chủ nhà - Việt Nam có 10 bộ phim được lựa chọn tham dự. Trong suốt 10 ngày công chiếu các tác phẩm điện ảnh tham dự Liên hoan, các bộ phim tài liệu Việt Nam đã được khán giả đón nhận và đánh giá rất cao. Việc các phòng chiếu luôn chật kín khán giả cho thấy rằng phim tài liệu Việt Nam không thiếu khán giả, mà chỉ là khâu quảng bá và tiếp cận công chúng ra sao.
Thực tế, ngoài việc phát trên các kênh truyền hình, lâu nay việc đưa phim tài liệu ra rạp có thể đếm được trên đầu ngón tay. Và có chăng, việc chiếu phim tài liệu cũng chỉ là “ăn theo” với các LHP. Chúng tôi cũng đã đề cập vấn đề này trong một bài viết gần đây. Rằng nếu không phải một cuộc liên hoan thì khán giả ít có cơ hội thưởng thức những tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc trong nước.

Trong khi phim tài liệu dùng tiền từ ngân sách bị bó hẹp đề tài, sản xuất rồi chỉ lưu kho, thì đáng mừng, một số bộ phim do các nhà sản xuất phim độc lập đã thể hiện được rất nhiều vấn đề mà những giới làm phim “làm công ăn lương” phải né tránh. Như các bộ phim độc lập của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Trinh Thi… có thể “hiên ngang” lọt sâu vào các vòng thi ở các LHP quốc tế. Hoặc đơn cử như bộ phim tài liệu của những đạo diễn tay ngang như phim “Tội ác rừng xanh” - tác giả Lê Hoài Phương (Bình Thuận) từng đoạt giải “Việt Nam xanh” – giải thưởng cao nhất của LHP Môi trường toàn quốc lần thứ 4 năm 2010, phản ánh nạn săn bắt động vật quý hiếm, qua cảnh người thợ săn đặt hàng trăm chiếc bẫy bằng dây thép, treo bắp ngô để bẫy khỉ...

Rồi cũng thật đáng mừng là các nhà làm phim độc lập (kể cả phim tài liệu lẫn phim truyện nhựa) lâu nay đều “độc lập” luôn cả khâu phát hành. Vậy mà thật đáng buồn, giờ đây đã là Công ty TNHH MTV Hãng phim TL&KH TƯ nhưng đơn vị này vẫn coi việc làm phim độc lập với việc phát hành phim. Theo như ông Đào Thanh Tùng, việc quảng bá phim hiện nay thuộc công việc và trách nhiệm của Công ty phát hành phim Việt Nam hoặc Cục Đối ngoại và Hợp tác quốc tế của Bộ VHTT&DL. Còn lại như Hãng phim TL&KH TƯ chỉ có chức năng sản xuất phim chứ không có chức năng phát hành phim… (!)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm phim chỉ cốt… an toàn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO