Lạm quyền - nỗi lo chưa bao giờ 'nhỏ xíu'!

Lam Sơn 03/05/2016 12:59

Vụ án “người bán phở”- chủ quán cà phê Xin Chào - Nguyễn Văn Tấn đã “kết thúc có hậu”, khi ngày 24/4, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh đã trao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can; hủy lệnh cấm đi khỏi cư trú, khôi phục lại toàn bộ các quyền lợi hợp pháp cho ông Tấn. Vụ việc “nhỏ xíu như cái móng tay” giờ trở thành một vụ án oan đáng nhớ không chỉ của các cơ quan tiến hành tố tụng TP Hồ Chí Minh.

Lạm quyền - nỗi lo chưa bao giờ 'nhỏ xíu'!

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Cà phê Xin Chào
đã được khôi phục quyền lợi hợp pháp.

Không cần phải đợi đến hôm nay, khi các quyết định tố tụng cuối cùng- đình chỉ điều tra, phục hồi- minh oan cho ông Tấn…người dân mới thấy niềm tin nơi công lý. Ngay từ những ngày đầu tiên, khi thông tin về vụ án này được phân tích công khai trên công luận, những người ít lạc quan nhất cũng hiểu rằng, những mảng tối, những góc khuất, sự mập mờ, thiếu thuyết phục trong việc áp dụng pháp luật…đang lộ sáng. Và khi sự thật được phơi bày, công lý không có lý gì không được thực thi.

Nhìn lại quá trình tiến hành tố tụng vụ án này các chuyên gia pháp luật không khỏi giật mình. Họ giật mình không chỉ bởi việc tiến hành tố tụng được tiến hành một cách “vội vàng”, “cứng nhắc” như cái cách mà lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh đã thừa nhận mà còn bởi cách tạo dựng chứng cứ, đánh giá chứng cứ, áp hành vi vào tội kinh doanh trái phép- một tội danh mà chính sách pháp luật hình sự đã đánh giá là không còn nguy hiểm cho xã hội. Bộ Luật hình sự sửa đổi đã bỏ hẳn tội danh này.

Họ giật mình bởi vụ án xảy ra ngay tại TP Hồ Chí Minh- đầu tầu kinh tế của đất nước và càng giật mình hơn khi vụ án đã quá xôn xao trong dư luận, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng đã phải chỉ đạo làm rõ thì Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh- Thiếu tướng Phan Anh Minh vẫn khẳng định công khai tại họp báo: “vụ án này nhỏ xíu như cái móng tay”; là việc khởi tố, đề nghị truy tố “có căn cứ, đúng quy trình”.

Vị Phó giám đốc Công an thành phố này còn cho rằng: “Vụ án này không đáng tốn nhiều công sức, không đáng tốn nhiều giấy mực” của báo chí, rằng “ không nên suy diễn, không nên làm tổn thương nhau”.

Với địa bàn rộng lớn và phức tạp như TP Hồ Chí Minh, mỗi năm cơ quan công an phải khởi tố, điều tra hàng chục ngàn vụ án thì “vụ người bán phở”- nhìn dưới góc độ tố tụng hình sự- vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan cấp huyện quả thực là vụ ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, cái cách nhìn kiểu “ nhỏ xíu như cái móng tay” của vị tướng- Thủ trưởng Cơ quan CSĐT lại khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp lo ngại thực sự.

Họ lo ngại thực sự bởi việc “nhỏ xíu như cái móng tay” cũng phải bị khởi tố, truy tố và việc với ông Tấn hôm nay, rất có thể sẽ đến với bất cứ ai trong tương lai. Cái mà vị thiếu tướng đề nghị báo chí “không nên suy diễn, không làm tổn thương nhau” (tổn thương lực lượng điều tra- PV) là những căn cứ xác thực về sự lạm quyền, một vụ án oan điển hình mà nếu công luận không lên tiếng, các cơ quan trung ương không vào cuộc quyết liệt, chưa biết đến khi nào người vô tội mới được khôi phục quyền lợi hợp pháp, được minh oan.

Đáp lại sự lo ngại ấy, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh xem xét vụ án này. Khái niệm “ hình sự hóa” vụ người bán phở được người đứng đầu Chính phủ dùng ngay trong chỉ đạo quyết liệt ban đầu, khi mà các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa báo cáo hết về vụ án. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà trong thông điệp phát đi tại cuộc họp báo sau đó còn quả quyết: “Nếu chủ quán cà phê Xin Chào thua, mọi doanh nghiệp đều có thể đi tù”.

Không phải là chuyên gia luật học, nhưng từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Hà hiểu rõ điều kiện kinh doanh, danh mục giấy phép mà các doanh nghiệp cần phải có ở thành phố này. Ông hiểu giấy chứng nhận an toàn vệ sinh không phải là giấy phép kinh doanh nên việc khởi tố trên không đúng chính sách pháp luật hình sự, không khép được vào tội kinh doanh trái phép… chứ chưa nói đến việc tạo môi trường thuận lợi để người dân mưu sinh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển.

Và ngày 23/4, sau cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo VKSND tối cao, các thủ trưởng các đơn vị của VKSND tối cao với lãnh đạo VKSND TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh. Sau khi nghe báo cáo về vụ án ông Nguyễn Văn Tấn- chủ quán Cà phê Xin Chào bị khởi tố, truy tố về tội kinh doanh trái phép, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đã nhanh chóng kết luận: Chủ quán Cà phê Xin Chào không phạm tội kinh doanh trái phép. Yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TP HCM chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn, đồng thời tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho ông Tấn(nếu có).

Qua vụ án này, Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện KSND TP HCM tổng hợp vi phạm, thiếu sót trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong vụ việc trên để kiến nghị UBND TP HCM có biện pháp khắc phục và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Ông Lê Minh Trí giao Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) có thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành kiểm sát về những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án trên.

Ngay sau đó, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với một Phó Viện trưởng và một kiểm sát viên VKSND huyện Bình Chánh.

Cho đến bây giờ khi hồ sơ vụ án được công khai, khi các cơ quan chức năng trung ương vào cuộc kiểm tra, xử lý, vụ án đã kết thúc “có hậu” thì người dân vẫn chưa thể hiểu được vì sao các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương lại quá quyết tâm hình sự hóa sự việc trên. Có nhiều nghi vấn, nhưng có một điều dễ lý giải đó chính là cách nhìn sự việc kiểu “nhỏ xíu như cái móng tay”.

Có lẽ vì coi việc khởi tố, điều tra đó là việc “nhỏ xíu” nên các cơ quan tiến hành tố tụng ngoài việc chưa đánh khách quan, toàn diện và đầy đủ các chứng cứ buộc tội, xem xét đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, họ còn không đánh giá tác động của vụ án đối xã hội, với môi trường đầu tư, kinh doanh. Và thật trớ trêu trong các lý do phòng ngừa, ngăn chặn- mục tiêu mà việc khởi tố tội “kinh doanh trái phép” đối với chủ quán Cà phê Xin Chào lại được chính Trưởng Công an huyện Bình Chánh giải thích là để tránh quán này trở thành tụ điểm tụ tập “tiêu cực, chạy án”. Vì quán nằm ngay trước Trụ sở Công an huyện. Những giải thích đó dù được lãnh đạo Công an thành phố khẳng định là đã “phê bình” thì nó cũng cho thấy cả sự ấu trĩ trong tư duy pháp luật mà hậu quả của nó là những quyết định lạm quyền, không đúng pháp luật gây oan sai.

Sau các quyết định khởi tố, truy tố, sau “vụ án nhỏ xíu như cái móng tay” đó thân phận một con người; là cơ nghiệp, là tiền đồ kinh doanh; là những quyền năng cơ bản, những giá trị pháp lý bảo vệ quyền con người bị xâm hại. Sau vụ án đó còn là những thông điệp xấu ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo cho người dân mưu sinh, lập nghiệp. Sau “vụ án nhỏ xíu như cái móng tay” đó còn là niềm tin của người dân đối với công lý bị suy giảm.

Sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và việc xử lý nhanh chóng của lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương cho thấy tính chất đặc biệt của vụ án này. Sự quyết liệt, kịp thời đó không chỉ góp phần bảo vệ, minh oan cho một con người mà còn củng cố niềm tin trong nhân dân vào công lý và công bằng xã hội.

Nhiều bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra sau vụ án này. Nhưng có một bài học mãi thời sự đó là bài học về sự lắng nghe ý kiến của người dân, của công luận và dư luận. Thực thi quyền lực tác động tới con người, quyền con người đó không bao giờ là chuyện nhỏ, lại càng không bao giờ được coi là “nhỏ xíu như cái móng tay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạm quyền - nỗi lo chưa bao giờ 'nhỏ xíu'!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO