Làm rõ việc phóng sinh 10 tấn cá xuống sông Hồng

Tuấn Việt 10/02/2017 08:15

Liệu 10 tấn cá phóng sinh xuống sông Hồng (địa phận Bát Tràng, Hà Nội) có phải là loại cá ngoại lai xâm hại? Hôm nay, 10/2, các cơ quan có liên quan sẽ cùng các chuyên gia về môi trường làm rõ.

Hàng ngàn người dự lễ phóng sinh 10 tấn cá xuống Sông Hồng.

Trước đó, ngày 5/2, Thượng tọa Thích Chân Quang đã chủ trì Lễ phóng sinh tại cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), khoảng 10 tấn cá đã được phóng sinh ở đoạn chảy sông Hồng trên.

Ngay sau đó, có nhiều ý kiến cho rằng, trong 10 tấn cá trên có loài cá Colossoma Brachypomum, một loài cá ăn thịt đáng sợ trong họ cá hổ Characidae du nhập từ Nam Mỹ vào Việt Nam.

Theo bảng biểu loài ngoại lai xâm hại, đây là loại cá thích săn mồi theo đàn, tạp ăn, khá hung dữ, ăn động vật không xương sống. Với số lượng cá lớn như vậy, cá chim trắng Colossoma Brachypomum sẽ ăn các loài cá khác, thậm chí ăn thịt loài khác, một hiểm họa cho không chỉ sông Hồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT, ngày 26/9/2013, Quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam, thì loài cá chim trắng toàn thân có tên khoa học là Piaractus Brachypomum mới là loài ngoại lai xâm hại. Còn loài cá chim trắng Colossoma Brachypomum lại là loài nằm trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất và kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Đức Tuân – Giám đốc Trung tâm Đa dạng nguồn lợi thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho biết, để xác định được loại cá đã được phóng sinh xuống sông Hồng là Piaractus hay Colossoma, cần phải đo thân cá, xác định màu sắc, sắc tố, vảy của loài cá ấy. Nếu chỉ nhìn qua hình ảnh sẽ không thể có nhận định chính xác.

Chính vì vậy, chỉ cần xác định thuộc tên gọi nào, mọi vấn đề sẽ sáng tỏ. “Colossoma Brachypomum không phải là loài cá ngoại lai xâm hại như một số đơn vị truyền thông đã đăng tải. Điều này có thể khẳng định bằng những văn bản đã thông qua”, Ông Nguyễn Đức Tuân nhấn mạnh.

Liên quan đến tên gọi của hai loài cá này, trước đây, ngày 4-7-2003, ông David Murphy, chuyên gia Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đã gửi thư cho bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam, để giải thích sự nhầm lẫn giữa cá chim trắng và cá hổ, khi cho rằng cá nuôi tại Vườn Quốc gia Cát Tiên là cá hổ. Bản thân việc xác định giống loài trên khó phân biệt bằng mắt thường.

10 tấn cá phóng sinh muốn xác định là chủng loại nào cần được trục vớt hoặc phát hiện có hiện tượng bất thường ở đoạn sông hay khúc sông nào đó.

GS TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam cho biết, chắc chắn môi trường dưới nước sẽ bị ảnh hưởng nếu xác định đây là loài cá Piaractus Brachypomum.

Với số lượng lớn như vậy, loài cá này sẽ tấn công các loài cá nhỏ, cướp mất phần thức ăn các loài cá lớn, thậm chí gây ra nguy cơ các loại bệnh cho loài bản địa. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, phải xác định 10 tấn cá trên là loài nào để có hướng khắc phục và xử lý.

Được biết, hôm nay, 10/2, Tổng cục Môi trường, Sở TNMT Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội và các ban ngành liên quan, cùng các chuyên gia sẽ tiếp tục làm rõ loài của 10 tấn cá phóng sinh.

Các thông số về số lượng, nguồn gốc cá sẽ là cơ sở để các Bộ, ban có hướng giải quyết, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm rõ việc phóng sinh 10 tấn cá xuống sông Hồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO