Làm sao để nhà đầu tư chọn Long An làm điểm đến?

Thành Luân 17/10/2016 14:31

Đó là một trong những câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các lãnh đạo tỉnh Long An nghiên cứu thật nghiêm túc, thông qua các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng của địa phương; cũng như xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ giỏi chuyên môn, liêm chính, thấu hiểu để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Làm sao để nhà đầu tư chọn Long An làm điểm đến?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Long An năm 2016. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngày 17/10, tại Hội trường Thống Nhất, TP Tân An, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2016 với chủ đề “Hợp tác - Phát triển bền vững”. Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành lân cận; cùng đại diện gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài địa phương.

Long An “trải thảm đỏ” kêu gọi nhà đầu tư

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Cần, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh, với các lợi thế về địa kinh tế và vai trò quan trọng của cả hai khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, mà TP HCM là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất nước và vùng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An đang có chiến lược dài hạn để tận dụng các lợi thế này để nâng cao hơn tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Cần cho biết, hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng của Long An đã và đang được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện, trong đó có 4 quốc lộ lớn đi qua, 1 đường cao tốc. Dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ được Trung ương đầu tư thêm 2 tuyến đường xe lửa, tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP HCM chạy qua địa bàn, tuyến xe bus tần suất nhanh Tân An - Bến Lức - TP HCM.

Nguồn lao động của tỉnh Long An cũng là thế mạnh được nhắc đến, với gần 1 triệu lao động, trong đó có gần 900.000 người đang làm việc trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, chiếm đến gần 70% dân số của tỉnh. Nguồn nhân lực nêu trên có đến hơn 60% số lao động đã qua đào tạo, đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH.

Với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định với các nhà đầu tư rằng, Long An sẽ tạo mọi hành lang tốt nhất về thủ tục, môi trường đầu tư để thu hút của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Long An.

Làm sao để nhà đầu tư chọn Long An làm điểm đến? - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một mô hình
rau sạch được tỉnh Long An khuyến khích đầu tư sản xuất. (Ảnh: Hồng Phúc).

Tại Hội nghị, Giáo sư Võ Tòng Xuân – chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp nhìn nhận: Long An chiếm đến 2/3 diện tích của khu vực Đồng Tháp Mười, do đó có một lợi thế vô cùng lớn về phát triển ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, GS Xuân cho rằng sắp tới Long An nên nâng ngành này lên một nấc mới, bằng việc tạo ra cơ chế phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao.

Bởi vì, hiện nay thị trường TP HCM là một thị trường lớn, với gần 10 triệu dân với nhu cầu rất cao về các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

“Rõ ràng Long An cần có những mô hình để thuyết phục chủ đầu tư bằng các chính sách ưu đãi (đất đai, thuế, lãi suất vay,…), không phân biệt đối xử giữa các DN trong nước và quốc tế. Nhưng muốn làm được vậy, cần phải có đội ngũ lãnh đạo, cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở đủ năng lực, dám nghĩ dám làm, có đầu óc về kinh tế vĩ mô”, GS Võ Tòng Xuân gợi ý.

Còn theo TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về lâu dài tư duy phát triển của Long An phải chuyển từ tư duy kinh tế địa phương sang tư duy kinh tế vùng. Và, không có cách nào khác là phải giải quyết ngay kết nối vùng; giải quyết bài toàn về nguồn nhân lực và thị trường. Trong đó, bài toán khó nhất là quá trình chuyển đổi nông dân thành thị dân.

Cũng như GS Võ Tòng Xuân, TS Trần Du Lịch đề nghị các lãnh đạo tỉnh Long An cần chú trọng vào bộ máy hành chính phải thấu hiểu được những vướng mắc, khó khăn, nỗi khổ của DN.

Tham luận tại Hội nghị, GS.TS Võ Thanh Thu, Giảng viên cao cấp của ĐH Kinh tế TP HCM, Trọng tài viên Trọng tài quốc tế Việt Nam chỉ ra các lợi thế về phát triển kinh tế cửa khẩu của Long An (mà TP HCM không có); chính sách của Long An coi FDI là khu vực kinh tế quan trọng, được ưu tiên; vị trí địa kinh tế thuận lợi; vùng nông nghiệp quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng góp ý: Long An còn thiếu đường sắt và đường hàng không nhưng cũng không hẳn cần phải có sân bay vì vị trí tỉnh quá gần so với sân bay quốc tế Long Thành.

Thứ hai là dù ưu tiên khu vực FDI nhưng tỉnh cần chủ động cơ chế và đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh thì nên lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí không cấp giấy phép kinh doanh.

Làm sao để nhà đầu tư chọn Long An làm điểm đến? - 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các
Bộ Ban ngành Trung ương thăm quan các mô hình quy hoạch đô thị của tỉnh Long A bên lề Hội nghị. (ảnh: Hồng Phúc).

Cán bộ phải liêm chính, thấu hiểu doanh nghiệp

Biểu dương các thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Long An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi tinh thần dám nghĩ, dám làm của địa phương trong việc chủ động thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; sự cần cù, chịu khó, khắc phục khó khăn vươn lên của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đồng ý với các mục tiêu, cũng như chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra; đồng thời gợi ý tỉnh Long An nên chú trọng vào các nguồn lực lợi thế của mình về địa kinh tế; nguồn nhân lực đồi dào, đã qua đào tạo; có cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế; người dân cần cù và quỹ đất rộng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Làm sao để nhà đầu tư chọn Long An làm điểm đến? - 3

“Động lực nào để cán bộ, công chức liêm chính, thấu hiểu trước các vướng mắc, khó khăn của người dân, DN;… Và, phải trả lời cho được các câu hỏi về lợi thế thu hút đầu tư như các học giả, nhà nghiên cứu đã gợi ý. Làm sao phải lấy sự hài lòng của người dân và DN là thước đo cho các chính sách thu hút đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Từ đề nghị trên, Thủ tướng gợi ý Long An nghiên cứu một cơ chế nào đó phù hợp để đặt DN vào vị trí trung tâm, chẳng hạn như thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách với các nhà đầu tư để cải thiện về chính sách, môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von, người xưa có câu “đất lành chim đậu”, “tiếng lành đồn xa”, vì thế Long An cần phải có chiến lược dài hạn để phát triển các khu đô thị vệ tinh như các nhà nghiên cứu đã gợi ý, bên cạnh đó là phát triển các cụm khu công nghiệp để thu hút nguồn nhân lực, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương.

Trước đó, vào chiều 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thị sát và làm việc tại Cảng Quốc tế Long An. Đây là cảng nước sâu có quy mô tổng số vốn đầu tư trên 9.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và hoạt động hết công suất vào năm 2023. Cảng có thể tiếp nhận tàu tải trọng 30.000 DWT, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao để nhà đầu tư chọn Long An làm điểm đến?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO