Làm sao để nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ BHXH?

PV (theo VGP) 31/10/2017 15:41

Công ty của bà Kim Thị Luyến (Nam Định) do khó khăn nên chậm chốt sổ BHXH cho người lao động, dẫn đến người lao động khi chấm dứt hợp đồng không nhận được trợ cấp thất nghiệp. Bà Luyến hỏi, công ty có phải trả trợ cấp thất nghiệp không? Nếu không trả thì người lao động phải làm gì để nhận được trợ cấp thất nghiệp?

Luật sư Trần Văn Toàn (VP luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm, trường hợp người lao động nghỉ việc, công ty có trách nhiệm làm thủ tục xác nhận thời gian tham gia BHXH, BHTN (chốt sổ BHXH) và trả lại sổ BHXH cho người lao động hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng thời gian quy định.

Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

Điều 50 Luật Việc làm quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.

Đóng riêng cho trường hợp nợ BHXH khi chấm dứt HĐLĐ

Điểm a, Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ có quy định việc giải quyết quyền lợi của người lao động đối những đơn vị nợ BHXH. Cụ thể, đối với trường hợp chấm dứt HĐLĐ tại đơn vị nợ BHXH, thì người lao động và đơn vị sử dụng lao động được đóng bù BHXH riêng cho trường hợp đó để giải quyết quyền lợi BHXH, cũng như chuyển nơi tham gia BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngày 14/4/2017, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định 595/QĐ-BHXH (có hiệu lực từ 1/7/2017), trong đó có quy định việc xác nhận sổ BHXH thực hiện trên nguyên tắc người lao động đóng BHXH tới thời điểm nào, xác nhận vào sổ BHXH tới thời điểm đó và trả sổ cho người lao động giữ để tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau khi đơn vị sử dụng lao động đóng khoản tiền nợ BHXH, thì sẽ xác nhận bổ sung vào sổ BHXH.

Có thể yêu cầu bồi thường

Trường hợp bà Kim Thị Luyến phản ánh, Công ty do khó khăn, nợ BHXH, nên chậm chốt sổ BHXH cho người lao động dẫn đến việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động người lao động không nhận được trợ cấp thất nghiệp, do quá thời hạn hưởng trợ cấp.

Theo Khoản 3 Điều 45 Luật Việc làm, Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì thời gian người sử dụng lao động đóng BHTN cho người lao động được tính để miễn trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, viên chức.

Theo Điều 48 Bộ luật Lao động, hướng dẫn tại Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động có thời gian đóng BHTN cho người lao động thì được trừ đi thời gian tính trợ cấp thôi việc. Nếu không đóng, nợ BHTN thì thời gian không đóng, nợ BHTN Công ty phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động với mức mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Theo luật sư, mức hưởng trợ cấp thôi việc tính trên thời gian không đóng BHTN theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động thấp hơn mức hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 50 Luật Việc làm. Nếu người sử dụng lao động không đóng, nợ BHXH, BHTN cho người lao động, trả trợ cấp thôi việc cho thời gian không đóng, nợ BHXH, BHTN, thay cho việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thì quyền lợi người lao động khi chấm dứt HĐLĐ sẽ không được đảm bảo.

Hiện nay pháp luật về BHXH, BHTN quy định việc xác nhận sổ BHXH thực hiện trên nguyên tắc người lao động đóng BHXH tới thời điểm nào, xác nhận vào sổ BHXH tới thời điểm đó và trả sổ cho người lao động giữ để tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau khi đơn vị sử dụng lao động đóng khoản tiền nợ BHXH, thì sẽ xác nhận bổ sung vào sổ BHXH. Đơn vị sử dụng lao động có thể đóng bù riêng cho trường hợp nợ BHXH để giải quyết chế độ khi chấm dứt HĐLĐ.

Do đó, việc người sử dụng lao động không đóng, hay nợ BHXH, chậm chốt sổ BHXH khi chấm dứt HĐLĐ, dẫn đến việc người lao động không nhận được trợ cấp thất nghiệp là lỗi của Công ty. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bà Kim Thị Luyến có thể yêu cầu Công ty bồi thường khoản tiền trợ cấp BHTN theo mức, thời gian hưởng BHTN quy định tại Điều 50 Luật Việc làm.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chế độ BHTN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao để nhận trợ cấp thất nghiệp khi công ty nợ BHXH?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO