Làm sao thoát khỏi 'lao động giá rẻ'?

Khanh Lê 10/02/2022 08:21

Chuyển đổi nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất lao động là câu chuyện được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, tìm lời giải cho bài toán này không hề dễ dàng.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - chìa khóa để khôi phục kinh tế.

Nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng

Theo các chuyên gia, năm 2022 sẽ là bước ngoặt trong lĩnh vực tuyển dụng lao động có tay nghề, chuyên môn cao, nhằm thay thế dần cho lao động phổ thông. Đây cũng là năm để các doanh nghiệp (DN) áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh một cách mạnh mẽ để giảm thiểu rủi ro về nhân lực khi gặp sự cố như đại dịch Covid-19 gây ra.

Cụ thể những ngành nghề có thu nhập cao vẫn là những ngành kinh tế mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, Digital marketing, xây dựng, y tế, điện - cơ khí. Mức thu nhập của những lĩnh vực trên dao động từ 50 -100 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và chuyên môn của người lao động.

Khảo sát của Navigos Search - Tập đoàn tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam cũng cho biết, trong năm 2022 ghi nhận nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao, có kỹ năng của DN tại Việt Nam không ngừng gia tăng, mở rộng đa ngành nghề, trong đó có các lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng - bán lẻ, tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin...

Theo Navigos Search, công nghệ thông tin và viễn thông vẫn là ngành sôi động trên thị trường tuyển dụng, những ngành này không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nên các DN vẫn tiếp tục tuyển dụng. Navigos Search từng tiến hành phân tích thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin trong một thập niên (2010-2020), kết quả cho thấy, nhu cầu tuyển dụng ngành này tại Việt Nam tăng gấp 4 lần.

Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, những ngành nghề dự kiến sẽ có xu hướng tuyển dụng rõ nét trong thời gian tới là nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến năm 2022 một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn như thương mại điện tử, logistics, vận tải, kho bãi, một số nhóm ngành nghề về phân tích dữ liệu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, nhóm ngành về thương mại quốc tế cũng sẽ tăng tuyển dụng qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, riêng các nhóm ngành nghề truyền thống năm qua có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, dự báo vẫn tiếp tục xu hướng này như bán hàng, thương mại, văn phòng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Lao động giá rẻ trước nguy cơ bị đào thải

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhiều loại hình công việc trong suốt 2 năm bùng dịch.

“DN đang có xu hướng đầu tư máy móc tự động hóa để dần thay thế con người hoặc tuyển dụng và trả lương người lao động theo sản phẩm, không nhất thiết phải theo mô hình ký giao kết hợp đồng lao động” - TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội đưa ra nhận định.

Thực tế hiện nay lao động giản đơn không có nhiều lựa chọn và rất dễ bị đào thải rơi vào tình trạng thiếu việc làm thường xuyên và thất nghiệp.

Đồng quan điểm, TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH cho biết, dịch bệnh đã khiến thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, khiến hàng triệu lao động bị thiếu việc làm, bị cắt giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong trạng thái bình thường mới, nếu các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, mà còn tăng trưởng theo chiều sâu.

Khi nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng, trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm, thị trường lao động và việc làm sẽ ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp, lương thấp và kỹ năng cao, lương cao. Hậu quả là những lao động “giá rẻ” sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp và bị đào thải.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch cao hàng chục tỷ USD nhưng thâm dụng lao động lớn như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Trong chuỗi giá trị xuất khẩu ấy, Việt Nam phụ thuộc nguồn linh phụ kiện, nguyên liệu nhập khẩu, đầu ra cũng không chủ động được do phần lớn là gia công cho các thương hiệu quốc tế.

“Chúng ta có thể giải quyết được vấn đề việc làm, lao động nhưng lại đối diện với bẫy lao động giá rẻ do tham gia vào khâu có giá trị thấp nhất chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu” – bà Lan nói.

Đề cập đến chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra một thực tế, hiện chúng ta có 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ. Để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển đất nước thì đào tạo nghề chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Vì thế, từ năm 2022 trở đi phải tập trung xây dựng nền móng để đào tạo nghề chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao thoát khỏi 'lao động giá rẻ'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO