Lâm tặc ở đâu?

Tấn Thành 23/07/2016 11:00

Máu rừng vẫn còn chảy thì rừng càng kiệt quệ, nhất là rừng tự nhiên. Mặc dù mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng, nhưng tại một số nơi máu rừng vẫn tiếp tục chảy, thậm chí còn vận chuyển, tàng trữ số gỗ lậu khủng và tàn phá rừng không thương tiếc. Phải chăng, tất cả đều do lâm tặc? Vậy lâm tặc là ai? Lâm tặc ở đâu?

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra vụ phá rừng tại hiện trường.

Để bảo vệ rừng, ở mỗi địa phương đều có hệ thống Kiểm lâm từ trên tỉnh đến tận xã. Thậm chí có cả cán bộ lâm nghiệp xã và Kiểm lâm viên địa bàn. Còn tại các khu vực rừng phòng hộ đều có Ban Quản lý rừng. Ngoài ra còn có các đơn vị bảo vệ từng khu vực và cả hệ thống chính quyền. Vậy lâm tặc ở đâu ra để tàn phá rừng? Và tại sao không ai thấy, ai biết, để lâm tặc ngày càng lộng hành?

Đó là chưa nói đến việc, từ vùng núi cao chỉ có vài con đường đi về các trung tâm tỉnh lỵ, thành phố, mà mỗi tuyến đường luôn có nhiều trạm Kiểm lâm canh gác và về nguyên tắc thì luôn có sự hoạt động của các cơ quan chức năng. Vậy “phép màu” nào giúp lâm tặc tập kết, vận chuyển gỗ lậu nhiều khi lên đến số lượng khủng về xuôi?

Ngày 23/6, Đoàn liên ngành giữa Cục Kiểm lâm và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74 thuộc Tổng cục Cảnh sát- Bộ Công an) đã tiến hành kiểm tra kho gỗ tại địa bàn xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi do một người tên Khoa (thường gọi là Khoa Quảng Nam) làm chủ. Qua kiểm tra, thấy có sự phá rừng. Còn hơn 10 ngày nay tại Quảng Nam xôn xao vụ tàn phá rừng Pơmu khủng tại tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717 (giáp ranh huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào).

Lâm tặc đã đốn hạ hơn 60 cây Pơmu có tuổi thọ hàng trăm năm, có đường kính đến vài người ôm. Số gỗ phát hiện lên đến ngày này đã hơn 600 phách, với 43,4m3. Lâm tặc ở đâu ra và tại sao có thể dễ dàng triệt hạ cả khu rừng quý. Đặc biệt bọn chúng dùng cưa máy mà theo người dân là dù có ở xa từ 5 đến 7 cây số cũng nghe tiếng nổ khi chúng hoạt động. Hơn nữa với sự tàn phá này thì phải cần số lượng đông người thực hiện, ăn ở hàng tháng trời.

Không chỉ có 2 vụ việc nói trên mới đây, mà xưa nay đã rất nhiều vụ việc lâm tặc tàn phá rừng, khiến rừng ngày càng kiệt quệ. Vụ phá rừng Pơmu ở Quảng Nam mới đây phải được xem là đặc biệt nghiêm trọng, đó là nhận định từ UBND tỉnh Quảng Nam cho đến các cơ quan chức năng. Nóng đến nỗi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm vụ việc. Bởi tính chất nghiêm trọng của vụ việc là rừng bị tàn phá ngay tại khu vực biên giới là nơi được giao cho lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Nam quản lý.

Càng đáng nói khi hàng trăm m3 gỗ Pơmu lại được phát hiện khi chỉ cách Trạm Biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc và trụ sở Chi cục Hải quan huyện Nam Giang từ 50 đến 500 mét. Tính đến nay ngoài số gỗ phát hiện tại hiện trường thì cơ quan chức năng cũng đã phát hiện đến 5 điểm tập kết, chôn giấu gỗ gần các cơ quan nói trên. Thậm chí khi phát hiện ra gỗ thì cũng thiếu sự phối hợp dẫn đến việc lâm tặc tẩu tán gỗ lậu.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phải thốt lên rằng: “Tại sao ngay hông cơ quan quản lý rừng vậy mà rừng Pơmu vẫn bị chặt là sao?” Ông Lê Trí Thanh nhận định: “Rừng Pơmu đã bị chặt phá với số lượng khá lớn, trong khi tại đây có đầy đủ các cơ quan quản lý và chủ rừng nhưng không hề hay biết. Do đó, có thể khẳng định, nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng nghiêm trọng này không loại trừ sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí có nghi vấn có tổ chức, cá nhân tiếp tay cho phá rừng”.

Đã có nhiều vụ phá rừng, trong đó không ít vụ báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, sau đó vụ án được khỏi tố, thế nhưng rồi không ít vụ lại chìm xuồng do không tìm được lâm tặc để khởi tố bị can. Vậy lâm tặc ở đâu? Lần phá rừng Pơmu này có tìm ra lâm tặc hay không? Đó là câu hỏi mà dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng cần sớm có câu trả lời.

Mới đây nhất, sáng ngày 22/7, UBND tỉnh Quảng Nam đã vừa có văn bản số 3441/UBND-NC, về việc xử lý vụ việc phá rừng Pơmu tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang thuộc tỉnh này. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Giám đốc Công an tỉnh lập chuyên án, xây dựng kế hoạch để huy động lực lượng, khẩn trương tổ chức điều tra, củng cố chứng cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm.

Giao Công an tỉnh Quảng Nam làm việc với Sở An ninh tỉnh Sê Kông (Lào) và các đơn vị chức năng để tổ chức phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm sớm kết luận, đưa ra truy cứu trách nhiệm pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương. Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh trong quá trình điều tra chủ động kiến nghị các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quản lý để phục vụ tốt nhất cho hoạt động điều tra, truy cứu trách nhiệm pháp lý và xử lý sai phạm.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng và chịu trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Công an tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cục Hải quan, Sở NN&PTNT và UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các tập thể, cá nhân liên quan báo cáo giải trình về trách nhiệm quản lý, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tạm thời đình chỉ công tác đối với các cá nhân có dấu hiệu sai phạm để chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng; đồng thời củng cố lại bộ máy tổ chức để tăng cường quản lý tốt địa bàn, trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực. Đương nhiên, lãnh đạo huyện Nam Giang (nơi để xảy ra vụ việc) phải có trách nhiệm lớn.

Rất hy vọng, vụ phá rừng Pơmu tại huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam sẽ sớm có kết luận rõ ràng, ai sai, sai đến đâu và đưa ra mức độ xử lý. Chỉ có như vậy rừng mới thôi chảy máu và câu hỏi “lâm tặc là ai? Lâm tặc ở đâu?” mới có được câu trả lời rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lâm tặc ở đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO