Làm thế nào để thu hút học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm Y tế?

Xuân Thảo - Khanh Lê 03/08/2019 08:00

Sau 27 năm tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT), nhiều người đánh giá BHYT như phao cứu sinh để giúp người dân thoát khỏi bẫy nghèo y tế. Tuy đây là một chính sách đem lại lợi ích cao nhất đối với người dân, nhưng hiện vẫn còn khoảng gần 1 triệu học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT.

Làm thế nào để thu hút học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm Y tế?

Việc đóng BHYT học sinh, sinh viên được linh hoạt với nhiều phương thức đóng.

Đánh giá về tình hình BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) trong thời gian qua, ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, nếu như năm 2016 có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT (khoảng 92,5%), năm 2017 có trên 16 triệu HSSV, chiếm trên 93% thì đến tháng 4/2019 đã có trên 17 triệu HSSV tham gia BHYT, chiếm hơn 94%. Như vậy là còn khoảng 6% nhóm đối tượng HSSV chưa tham gia BHYT, chiếm gần một triệu HSSV. Đáng chú ý, quá trình tham gia BHYT của HSSV cũng giống như hộ gia đình, nó chuyển đổi từ BHYT tự nguyện sang BHYT bắt buộc và HSSV có đặc thù là các em có thể tham gia tại nhà trường hoặc có thể tham gia theo hộ gia đình, có thể là học sinh do cha mẹ đóng nhưng cũng có thể là nhóm đối tượng là người trong hộ gia đình cận nghèo, là người nghèo… HSSV là một trong các nhóm đối tượng mà mục tiêu phấn đấu của BHYT là phải đạt nhanh, đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ đến 100% theo chỉ đạo Chính phủ cũng như theo mong muốn, quyết tâm chính trị của cả hệ thống.

Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thứ nhất là do chúng ta chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc và theo hộ gia đình. HSSV chưa tham gia vì chính sách của chúng ta chưa cởi mở. Ví dụ, HSSV tham gia theo mô hình hộ gia đình thì hãy cho HSSV tham gia để được đảm bảo yêu cầu là từ hộ khẩu thứ ba trở đi là được giảm, và đến thứ tư, thứ năm là hoàn toàn có thể được miễn giảm. Đây là chính sách tốt, nhưng chúng ta chưa thực hiện tốt chính sách này. Thứ hai, do trong hệ thống giáo dục của chúng ta, trong nhà trường của chúng ta công tác tuyên truyền giáo dục vận động và làm rõ cho HSSV biết được mục đích ý nghĩa quan trọng của tham gia BHYT, để chăm lo sức khỏe cho các cháu. “Đã có những HSSV đi chữa bệnh mà Nhà nước, BHYT chi trả đến hàng tỷ đồng. Điều này rất quan trọng, khi chúng ta đóng thì rất thấp mà hưởng quyền lợi rất cao. Cho nên giáo dục tuyên truyền để cho HSSV của chúng ta làm chuyển biến nhận thức là những điều hết sức quan trọng và đây không phải là trách nhiệm cá nhân mà còn phải thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng”- ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lợi, vấn đề cuối cùng là rõ ràng trong cách thức tổ chức triển khai thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam với nhà trường, với ngành giáo dục đào tạo, không nên để cho bất kỳ một HSSV nào không tham gia vào một hệ thống an sinh xã hội tốt đẹp như BHYT.

Từ thực tế trên, theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, để nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV có 2 yếu tố cần quan tâm là làm sao để nâng cao nhận thức của HSSV lên trong việc tham gia vào BHYT trong xã hội hiện nay. Trước hết là tâm lý là cậy sức khỏe với tuổi trẻ nên chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng những người xung quanh mình. Không thực hiện các nguyên tắc của nguyên lý là bảo hiểm khi khỏe, bảo hiểm khi trẻ để hưởng thụ khi mà đã có tuổi và khi mà ốm đau bệnh tật. Vấn đề thứ hai là truyền thông làm sao để có một sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng hơn giữa cơ quan BHXH là tổ chức thực hiện với các cơ sở giáo dục.

Mới đây BHXH Việt Nam cũng đã có công văn yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2019-2020. Theo đó, để triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2019-2020 đạt hiệu quả, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo công tác BHYT HSSV, phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT, coi đây là một trong những nhiệm vụ của nhà trường và việc chấp hành pháp luật của HSSV. Đặc biệt là đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT cho HSSV ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, vận động các DN, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện công văn của BHXH Việt Nam, BHXH tại nhiều địa phương đã có những giải pháp linh hoạt các mức đóng nhằm giúp giảm tải gánh nặng cho phụ huynh dịp đầu năm. Điển hình như mới đây BHXH TPHCM có Thông báo số 1562/TB-BHXH về mức đóng BHYT HSSV cho năm học 2019-2020, gửi các ngành chức năng và các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, trong niên học, các em HSSV có thể lựa chọn phương thức đóng như sau: Đóng BHYT cho 3 tháng sẽ là 201.150 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 60.345 đồng, HSSV chỉ phải đóng 140.805 đồng; đóng BHYT cho 6 tháng sẽ là 402.300 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 120.690 đồng, HSSV chỉ phải đóng 281.610 đồng; đóng BHYT cho 9 tháng sẽ là 603.450 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 181.035 đồng, HSSV chỉ phải đóng 422.415 đồng; đóng BHYT cho 12 tháng sẽ là 804.600 đồng (được Nhà nước hỗ trợ 241.380 đồng, HSSV chỉ phải đóng 563.220 đồng). Mức đóng trên áp dụng kể từ ngày 1/7/2019.

Đại diện BHXH TPHCM cho biết, trường hợp các em HSSV năm đầu cấp học hoặc đã tham gia BHYT gián đoạn cho năm học trước, thì có thể tham gia BHYT ngay từ đầu niên học. Khi đã tham gia BHYT cho cả năm học 2019-2020 (tham gia 12 tháng), nếu Nhà nước có điều chỉnh mức cơ sở, thì HSSV và NSNN sẽ không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở đối với thời gian đã đóng BHYT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm thế nào để thu hút học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm Y tế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO