Lạm thu tiền trường: Ai chịu trách nhiệm?

Bảo Thoa 18/09/2017 08:05

Đã bước sang tuần thứ 3 sau lễ khai giảng năm học mới 2017- 2018, nhưng câu chuyện lạm thu tiền trường vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Cũng bởi hiện tượng lạm thu, kiểu “tự nguyện” đổ đầu học sinh diễn ra ở nhiều địa phương.

Câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn nạn này? Liệu những công văn siết lạm thu đầu năm của Bộ GD&ĐT có thực sự phát huy tác dụng?

Tranh minh họa.

Ban phụ huynh nên hoạt động đúng chức năng

Sau những ồn ào về khoản thu gần 10 triệu đồng/ học sinh (HS) ở Hải Phòng, 16 triệu đồng/học sinh ở Đồng Tháp…, mới đây phụ huynh một trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội lại “tố” nhà trường lạm thu hàng chục khoản tiền ngoài quy định, bất hợp lý. Bao gồm: học kỹ năng sống hè: 100.000đ/HS; học văn hóa hè: 525.000đ/HS; quần áo đồng phục: 670.000đ/HS; cơ sở vật chất bán trú: 100.000đ/HS/năm; mua máy chiếu: 800.000đ/HS...

Có một điều đáng nói là những khoản thu ngoài quy định đều được mang tên “tự nguyện”. Thậm chí không phải khoản “tự nguyện” nào cũng được liệt kê thành văn bản, mà chỉ được đọc để các phụ huynh ghi chép trong buổi họp phụ huynh đầu năm, được lý giải là các khoản thu xã hội hóa để HS được học tập trong những điều kiện tốt hơn.

Đại diện các nhà trường lý giải, có những khoản tự nguyện do Ban đại diện cha mẹ HS đề xuất, thu góp để hỗ trợ nhà trường. Sau đó nhà trường sẽ phải có ý kiến để ban đại diện phải làm đúng quy trình. Trước hết là phải thống nhất chủ trương. Thống nhất chủ trương xong thì đưa ra hội đồng trường, rồi hội đồng trường thống nhất kế hoạch, sau đó báo cáo các cấp, được phê duyệt rồi thì mới triển khai…

Trước sức “nóng” của vấn nạn lạm thu, nhiều ý kiến cho rằng cần chấn chỉnh lại hoạt động của Hội cha mẹ HS; cần tuyên truyền cho cha mẹ HS, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên để họ hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện cho tốt.

Lại những ý kiến quyết liệt hơn, rằng có thể không cần Ban đại Hội cha mẹ HS, bởi trên thực tế ban này hiện tại nhiều nơi đang bị biến tướng, không làm đúng chức năng của mình, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” của trường trong việc vận động phụ huynh để thu các khoản xã hội hóa.

Theo PGS TS Trần Xuân Nhĩ- phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vấn đề các khoản thu thỏa thuận nếu phụ huynh không biết lên tiếng tự bảo vệ “hầu bao” của mình thì mãi mãi chịu vòng luẩn quẩn: Cứ đóng tiền rồi về nhà bức xúc kêu than. Nhất là đối với ban đại điện cha mẹ HS, cần làm rõ ban này có trách nhiệm, nghĩa vụ gì, nếu chỉ để thu tiền thì không cần thiết.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu nhà trường

Trước thềm năm học mới 2017- 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo “siết” những khoản thu đầu năm học. Tại công văn số 3936/BGDĐT-TTr về việc Hướng dẫn công tác thanh tra năm học 2017-2018, Bộ đề nghị trước mắt, cần tập trung thanh tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

Trong đó, đặc biệt quan tâm thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm.

Và cũng ngay trong những ngày đầu năm học mới, để giúp cho HS, phụ huynh và người dân có thể kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi sai quy định, trong dịp đầu năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố 30 số điện thoại đường dây nóng của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Theo đó, nếu phát hiện có hiện tượng thu chi không đúng quy định, người dân có thể lập tức gọi đến số điện thoại đường dây nóng của quận, huyện mình để phản ánh.

Dẫu thế, hiện tượng lạm thu quá sức đóng góp của phụ huynh nói chung và đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn vẫn là nỗi bức xúc kéo dài từ nhiều năm nay.

Mới đây, ông Trần Tú Khánh- vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, để xảy ra tình trạng lạm thu hiện nay là do người đứng đầu ngành giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, đồng thời chưa giám sát, kiểm tra tới nơi tới chốn...

Theo đó, cần kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm lạm thu. Về phía phụ huynh và hội cha mẹ HS, do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS nên đã để xảy ra hiện tượng lạm thu qua hội.

Trong khi Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS đã quy định rõ những khoản không được thu là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS, bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường…

Về các khoản thu xã hội hóa, thu hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động giáo dục, tài trợ học bổng trợ cấp cho người học, Bộ GD&ĐT đã quy định, hướng dẫn rất rõ tại các Thông tư.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là do cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học nên các địa phương đã vận dụng xã hội hóa để thu; một số nơi chưa xây dựng danh mục xã hội hóa để trình HĐND tỉnh thông qua và trình chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện nên dẫn tới có tình trạng thu chưa đúng quy định.

Dù Bộ GD&ĐT đã có những văn bản hướng dẫn về tài chính, thu chi trong các cơ sở giáo dục; Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường hoạt động thanh kiểm tra tại các địa phương để kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những sai phạm.

Song theo ông Khánh, trách nhiệm xử lý là của địa phương, phải mạnh dạn kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm lạm thu thi việc xử lý mới có thể dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạm thu tiền trường: Ai chịu trách nhiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO