Làm thủy điện trong khu bảo tồn: UBND tỉnh Gia Lai phản đối quyết liệt

Phạm Hưởng- Trọng Minh 30/06/2016 11:11

Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 được phê duyệt nằm trong Khu bảo tồn Kon Chư Răng, huyện Kbang (Gia Lai) nếu được triển khai sẽ “nuốt” 265 ha rừng đặc dụng, nguyên sinh, gây ra nhiều hệ lụy không tốt, tác động lâu dài đến môi trường, hệ sinh thái và đời sống nhân dân. Đề nghị trên của Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã được UBND tỉnh Gia Lai phản đối quyết liệt bằng công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ngừng triển khai Dự án. Ngược lại, chủ đầu tư thì cố gắ

Làm thủy điện trong khu bảo tồn: UBND tỉnh Gia Lai phản đối quyết liệt

Thác K50 thuộc suối Say Khu bảo tồn Kon Chư Răng trước nguy cơ bị phá vỡ.

Tỉnh kiến nghị Thủ tướng dừng Dự án

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang (Gia Lai) là khu bảo tồn quý hiếm với độ che phủ rừng lên đến 98,5%, sở hữu nhiều thảm thực vật phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, hơn 10 năm qua đã có 4 doanh nghiệp nhăm nhe xin lập Dự án thủy điện, trong đó có Công ty (Cty) CP thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đã quyết tâm theo đuổi Dự án này cả chục năm nay.

Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 (thuộc Cty CP điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt từ năm 2006 có công suất lắp máy 80MW nằm ở hai tỉnh Gia Lai và Bình Định và dự kiến đưa vào vận hành năm 2013.

Theo thiết kế, Dự án có hồ chứa Suối Say (trên Suối Say - nhánh cấp 1 của sông Côn, thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chuyển nước sang hồ Đắk Kron Bung (trên sông Côn thuộc xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) để điều tiết phát điện.

Sau 10 năm chờ đợi và hiệu chỉnh thì ngày 21/4/2016 chủ đầu tư “bất ngờ” đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương để tái khởi động lại Dự án nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía chính quyền địa phương lẫn dư luận xã hội.

Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhìn nhận, thủy điện An Khê – Ka Nak đã là một bài học quý giá về tác động tiêu cực tới môi trường, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân trong tỉnh. Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2, cũng chuyển dòng nước sang sông Côn làm ảnh hưởng đến hạ lưu của sông Ba nên tỉnh Gia Lai không đồng ý. “Việc chuyển dòng sẽ gây hệ lụy đến sau này nên tỉnh kiên quyết không đồng ý”- ông Thuyên nói.

Xét thấy Dự án thủy điện này nếu triển khai sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt, tác động lâu dài đến môi trường, hệ sinh thái và đời sống nhân dân, UBND tỉnh Gia Lai đã phát đi văn bản số 2497/UBND-CNXD kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương, Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn không cho phép Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 được triển khai.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, Dự án này khi đầu tư xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ 265 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, thuộc rừng đặc dụng nguyên sinh cần phải bảo vệ nghiêm ngặt; đồng thời sẽ chuyển nước từ suối Say của tỉnh Gia Lai sang hồ Đắk Kron Bung của tỉnh Bình Định làm cạn kiệt 10 km dòng suối Say trong mùa khô.

Mặt khác, việc xây dựng đường hầm chuyển nước suối Say sang hồ Đak Kron Bung sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường-sinh thái, động thực vật của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng nói riêng và cả khu vực đầu nguồn sông Côn thuộc tỉnh Gia Lai nói chung.

Chủ đầu tư biện hộ, quyết lấy Dự án!

Ông Huỳnh An - Phó Ban quản lý Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2, Cty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho rằng, Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 nếu xây dựng thì công trình này chỉ làm ảnh hưởng đến 16 ha, trong đó có 9ha thuộc khu bảo tồn Kon Chư Răng, còn lại là sông suối.

“Việc UBND tỉnh Gia Lai nói thủy điện xây dựng sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm ha rừng là không đúng. Toàn bộ diện tích này đã được xác định cụ thể và được tính toán giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại. Việc dẫn nước cũng được thực hiện thông qua đường hầm”- ông An nói.

Ông An cho biết, Dự án trên của phía Công ty đã được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng được Bộ TN&MT phê duyệt, phía UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, do quá trình lập dự án đầu tư đã không thỏa thuận được với UBND tỉnh Gia Lai, nên dù phía Công ty đã có kế hoạch xây dựng từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Ông An cho biết thêm, việc Công ty CP Thủy điện Vình Sơn - Sông Hinh (VSH) cố gắng theo đuổi dự án là “vì lợi quốc gia”. Còn việc UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Thủ tướng, ông biết được thông tin từ Văn phòng Chính phủ. Hiện tại phía Công ty đang đợi văn bản chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ, rồi sẽ có kế hoạch làm việc với Bộ TN&MT, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT, cùng 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Theo nhận định của giới chuyên gia, các công trình thủy điện đã vắt kiệt các dòng sông, làm chia cắt, manh mún hệ thống sinh thái, thủy văn. Vì vậy khi làm thủy điện, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm và hết sức thận trọng, không thể đánh đổi bằng mọi giá. Việc UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư nên xem xét kỹ mặt lợi và hại của Dự án.

Đồng quan điểm với tỉnh Gia Lai, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ phân tích, đã là rừng bảo tồn thì không tác động dưới mọi hình thức, không cho phép chuyển đổi một cái gì cả. Nếu xây dựng thủy điện không chỉ cắt đứt sinh cảnh trong khu bảo tồn mà còn vi phạm Luật bảo vệ rừng. Việc xây dựng thủy điện sẽ làm mất rừng vĩnh viễn chứ không có khả năng tái tạo được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm thủy điện trong khu bảo tồn: UBND tỉnh Gia Lai phản đối quyết liệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO