Làn gió mới ở Hàn Quốc sau kỳ bầu cử

Khánh Duy 10/05/2017 19:14

Tân Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in, đã tuyên thệ nhậm chức trong hôm 10/5 sau một chiến thắng cách biệt với các đối thủ và chắc chắn sẽ mang tới làn gió mới cho chính trường Hàn Quốc bởi quan điểm thúc đẩy mối quan hệ nồng ấm hơn với CHDCND Triều Tiên.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp gỡ người ủng hộ trong một sự kiện tại Seoul hôm 10/5. (Nguồn: Reuters).

Ông Moon Jae-in đến từ đảng Dân chủ Hàn Quốc đã tuyên bố chiến thắng từ đêm hôm 9-5 sau khi đảm bảo đủ số phiếu để giành chiến thắng. Tính đến ngày 10/5, ông giành được 41,1% tổng số phiếu bầu, trong khi người đuổi theo sát nút là ông Hong Joon-pyo chỉ giành được 21,4%.

“Kể từ ngày mai trở đi, tôi sẽ trở thành Tổng thống của các bạn” - ông Moon nói trước đám đông người ủng hộ tại Gwanghwamun Plaza, quảng trường trung tâm Seoul, nơi từng có hàng trăm nghìn người dân tổ chức biểu tình đòi phế truất người tiền nhiệm của ông, bà Park Geun-hye - “Tôi sẽ trở thành vị Tổng thống của người dân, của cả những người đã không ủng hộ tôi”.

Chiến thắng của ông Moon chấm dứt gần một thập kỷ đảng bảo thủ cầm quyền ở Hàn Quốc và hướng tiếp cận cứng rắn đối với Triều Tiên vốn đã đẩy họ sát cánh với chính quyền Washington.

Trong bối cảnh mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang kêu gọi gây sức ép “cực đại” đối với Triều Tiên, thì Hàn Quốc lại lựa chọn một vị Tổng thống từng cam kết sẽ nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng - trong đó mở cửa trở lại khu công nghiệp chung mà chính quyền trước đóng cửa vì cho rằng nó thu hút nguồn ngoại tệ cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ông Moon, 64 tuổi, một cựu luật sư nhân quyền, có thể sẽ kiềm chế hơn sau khi nhậm chức, giảm bớt quan ngại về viễn cảnh ông gây nên rạn nứt với chính quyền Washington.

“Chúng ta vẫn sẽ có khối đồng minh với Mỹ, và Triều Tiên vẫn sẽ có được vũ khí hạt nhân. Không có điều gì thay đổi cả” - James Kim, một chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Chính sách ở Seoul, nhận định về mối quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ - “Mối quan hệ này không thể bị phá bỏ chỉ bởi ông ấy muốn thế”.

Nguyện vọng của người dân xứ Hàn

Cuộc bầu cử sớm diễn ra hôm 9/5 được kêu gọi sau nhiều tháng biểu tình rầm rộ dẫn tới việc bà Park bị luận tội do bê bối tham nhũng. Bà Park hiện đã bị bắt giam và chịu 18 cáo buộc khác nhau, trong đó gồm nhận hối lộ, đe dọa, lạm quyền, sau khi bị phanh phui thông đồng với một người bạn thân nhận tiền hối lộ từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong đó có Samsung và Lotte.

Người dân Hàn Quốc rất mong muốn tình trạng bất ổn này sẽ chấm dứt. Kể từ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, người dân nước này đã quan sát các chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản tới khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida để đàm thoại trong khi người đang giữ quyền Tổng thống của họ chỉ nhận được một cú điện đàm từ Washington.

Trong một tuyên bố đưa ra trong hôm 10/5, Nhà Trắng nói rằng: “Chúng tôi mong muốn được làm việc với Tổng thống đắc cử Moon để tiếp tục củng cố khối đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc và thắt chặt tình hữu nghị, quan hệ đối tác giữa hai nước”.

Nói về chiến thắng của mình, ông Moon nói rằng nó đã cho thấy “nguyện vọng cháy bỏng” của người dân Hàn Quốc trong việc chứng kiến sự thay đổi của chính phủ. “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để giúp nhận ra nguyện vọng của người dân, và tôi tin rằng đó chính là nhân tố giúp chúng tôi chiến thắng”, ông Moon nói với người ủng hộ ở Seoul.

Tuy nhiên, nhiều cử tri Hàn Quốc đã bỏ phiếu để chống lại các ứng viên bảo thủ hơn là ủng hộ ông Moon, theo Kang Won-taek, một Giáo sư nghiên cứu chính trị tại ĐH Quốc gia Seoul, cho hay.

“Điều mà những người tham gia biểu tình mong muốn chính là sự thay đổi chính trị, và từ đó dẫn tới sự thay đổi trong chính phủ” - ông Kang nói.

Dù sao thì sau gần 6 tháng tình trạng bất ổn tiếp diễn, kỳ vọng của người dân xứ Hàn đối với tân Tổng thống Moon là rất cao. Đứng trước thực tế rằng người dân trong nước rất phẫn nộ về bê bối tham nhũng có liên quan tới bà Park, ông Moon từng cam kết sẽ cải thiện minh bạch trong việc chỉ định các vị trí trong chính phủ, tăng cường các quy định đối với các tập đoàn hùng mạnh ở Hàn Quốc.

Cử tri Hàn Quốc còn quan ngại về nền kinh tế có nhiều dấu hiệu chững lại của nước nhà và sự bất bình đẳng giữa tầng lớp giàu-nghèo đang gia tăng nhanh chóng. Ông Moon đã hứa hẹn sẽ đưa ra một gói kích thích kinh tế lớn để tạo ra khoảng 810.000 công ăn việc làm trong khu vực công và để giảm giờ lao động.

Tuy nhiên, những cam kết trên khó có thể đạt được, đặc biệt là do đảng của ông Moon không nắm giữ đa số trong Quốc hội Hàn Quốc. Hiện nay, đảng Dân chủ của ông chỉ nắm giữ 119 ghế trong tổng số 299 ghế trong Quốc hội, trong khi kỳ tổng tuyển cử phải đến năm 2020 mới được tổ chức.

“Thời kỳ của bà Park đã chứng kiến sự tập trung quyền lực và giàu có, và việc một số quan chức chính phủ lợi dụng vị trí để thu lợi cá nhân” - ông Kim Yun-cheol, Giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Kyung Hee, nói - “Nhiệm vụ của tân Tổng thống là giải quyết các vấn đề này”.

Quan hệ đồng minh với Mỹ

Bên cạnh các vấn đề trong nước, thì vấn đề ngoại giao của Hàn Quốc cũng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, phần lớn là do ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và quan điểm mà ông áp dụng đối với Triều Tiên và Hàn Quốc.

Ông Trump từng kêu gọi gây “sức ép cực đại” đối với Triều Tiên để khiến nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân, và từng đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu đó - một cách tiếp cận có thể khiến Triều Tiên phản ứng bằng vũ lực đối với Seoul.

Trong khi đó, ông Moon đã nói rằng ông sẵn sàng tới Bình Nhưỡng để gặp gỡ lãnh đạo Kim Jong-un nếu như điều đó giúp giải quyết vấn đề hạt nhân và ông muốn áp dụng lại “Chính sách Ánh Dương” mà các đời Tổng thống có tư tưởng tự do từng áp dụng.

Ông Moon từng đóng tham gia chính quyền của ông Roh Moon-huyn, một vị Tổng thống nắm quyền trong khoảng 2003-2008 và là người kế thừa “Chính sách Ánh Dương” từ người tiền nhiệm Kim Dae-jung. Trong thời kỳ đó, Hàn Quốc bắt đầu mở các tour du lịch tới khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgangsan của Triều Tiên và mở của khu công nghiệp chung Kaesong.

Trong một bài phỏng vấn với Washington Post trước ngày bầu cử, ông Moon từng giảm nhẹ sự khác biệt với ông Trump, nói rằng ông tin là người Mỹ sẽ “biết lẽ phải hơn là ông tưởng”.

Nhưng về phần mình, ông Trump đã đưa ra nhiều lời lẽ cứng rắn với Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ từng nói ông sẽ yêu cầu Hàn Quốc phải trả 1 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ nước này - điều đi ngược lại với thỏa thuận mà hai nước từng ký kết, trong đó nêu rõ Hàn Quốc sẽ cung cấp đất đai còn Mỹ cung cấp thiết bị.

Ông Moon từng tuyên bố sẽ xem xét lại quyết định lắp đặt THAAD của chính phủ của bà Park trước đây, bà lời lẽ của ông Trump càng khiến ông quyết tâm hơn. Thêm vào đó, ông Trump cũng đang đe dọa sẽ phá vỡ một thỏa thuận thương mại tự do vốn hình thành nên nền móng cho sự hợp tác kinh tế giữa hai bên trong khi ông Moon nói muốn duy trì thỏa thuận này.

Ông Moon Jae-in là ai?

- Là con trai của một gia đình tị nạn từ Triều Tiên, ông Moon từng phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc trước khi trở thành một luật sư nhân quyền.

- Có quan điểm gây sức ép cùng lúc với đối thoại với Triều Tiên, đối lập với chính phủ của bà Park trước đây.

- Ông Moon muốn tái cơ cấu lại các tập đoàn gia đình trị ở Hàn Quốc, hay Chaebol, đang thống trị nền kinh tế nước này.

- Từng là một cựu cố vấn dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làn gió mới ở Hàn Quốc sau kỳ bầu cử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO