Lan tỏa giá trị cổ phục Việt

PHƯƠNG MAI 23/10/2022 05:56

Thời gian gần đây nhiều nghiên cứu, quảng bá, tìm hiểu về cổ phục Việt đã bắt đầu được quan tâm trở lại. Bằng chứng là đã xuất hiện một số tổ chức với những dự án bảo tồn, quảng bá và phát huy cổ phục Việt. Đặc biệt, trong một hội thảo gần đây về thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cổ phục Việt cũng được khuyến khích phát huy giá trị qua các hoạt động kinh tế, thương mại với quan niệm sản phẩm phải đến tay người dùng thì mới gọi là “sống”, và đó cũng là cách bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa.

Sinh viên Huế trong trang phục áo Tấc truyền thống.

Người trẻ hào hứng

Trang phục là một phần quan trọng của mỹ thuật truyền thống, song cũng là lĩnh vực rất khó nghiên cứu, phục dựng bởi nguồn sử liệu khiêm tốn, hình ảnh lưu trữ không nhiều. Thời gian trước đã có một vài công trình nghiên cứu của GS.TS Ðoàn Thị Tình (nghiên cứu về phục trang người Việt), nhà nghiên cứu Trịnh Bách (phục dựng trang phục cung đình), nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ (nghiên cứu trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam),… và cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của tác giả Trần Quang Đức đã gây chú ý khi tạo dựng được bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng 1.000 năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945)… những nghiên cứu này mới chỉ có giới học thuật, chuyên gia quan tâm. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động của một số tổ chức bảo tồn và phát huy cổ phục được thành lập đã thu hút rất đông thành viên và phần lớn là người trẻ.

Có thể kể tới Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên được sáng lập bởi Nguyễn Đức Lộc cùng những bạn trẻ đam mê văn hóa truyền thống Việt Nam vào năm 2018. Ỷ Vân Hiên đã thực hiện những dự án phục dựng, phỏng dựng lại các loại trang phục truyền thống khác nhau dựa trên những tư liệu đã nghiên cứu thành công.

Các thành viên đã phối hợp làm việc với nhiều nghệ nhân của các làng nghề sản xuất những sản phẩm truyền thống Việt Nam như: hài, quạt, gối xếp,… từ Bắc tới Nam, tìm kiếm và sử dụng nguyên liệu của các làng nghề như: La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A... để thực hiện phục dựng, tái hiện phục hồi thành công nhiều bộ cổ phục khác nhau như trang phục triều Nguyễn, trang phục triều Trần,… Bên cạnh đó phát huy giá trị cổ phục Việt qua các dự án nghệ thuật âm nhạc, giải trí, điện ảnh và trình diễn.

Bé gái trong trang phục áo Tấc truyền thống.
Bé trai trong trang phục áo Tấc truyền thống.

Là người tâm huyết với cổ phục, doanh nhân trẻ Nguyễn Đức Lộc cho rằng, phát huy giá trị cổ phục Việt qua các hoạt động kinh tế, thương mại với quan niệm làm văn hóa mà không có kinh tế thì khó mà duy trì hay phát triển, sản phẩm phải đến tay người dùng thì mới gọi là “sống”, ngược lại kinh doanh cũng là cách bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa.

Và có lẽ đó cũng là quan niệm cần được khuyến khích trong công tác phát huy giá trị của di sản. Đặc biệt là với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay.

Cùng với Ỷ Vân Hiên, tổ chức Vietnam Centre có những thế mạnh khác biệt. Với mục đích hoạt động là vì quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nên trong các dự án của Vietnam Centre luôn tồn tại song song cả các yếu tố bảo tồn, quảng bá và phát huy.

Cụ thể là chuỗi hoạt động của dự án “Dệt nên Triều đại ”. Đây là dự án tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình của nước Đại Việt thời đầu Lê Sơ, năm 1437-1471. Các hoạt động: tái hiện nghi lễ và trang phục “Nghi lễ Sắc phong Hoàng thái hậu thời Lê”, xuất bản sách “Dệt nên triều đại”. Bên cạnh đó tổ chức này còn phát huy giá trị cổ phục Việt qua dự án Triển lãm và biểu diễn nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài.

Rồi nhóm Đông Phong luôn đề cao việc nghiên cứu và thực hiện các hoạt động tìm về, bảo tồn, sử dụng chất liệu cổ truyền Việt Nam, thậm chí là tìm cách khôi phục lại những chất liệu và kĩ thuật xưa đã bị mai một. Trên trang facebook của Đông Phong thường xuyên đăng tải những hình ảnh về các dự án thử nghiệm kĩ thuật dệt vải và nhuộm vải do chính tổ chức thực hiện tại xưởng riêng. Một số thử nghiệm kĩ thuật đã thành công và được sử dụng để may cổ phục Việt cho sát với trang phục cổ ngày xưa về cả hình thức lẫn cảm giác.

Và với tư duy mới mẻ về mặt thời trang những sản phẩm do Thủy Trung Nguyệt sản xuất luôn có những ý tưởng độc đáo, mang tính hiện đại, trẻ trung mà không làm phai đi đặc điểm của loại cổ phục gốc.

Áo Tấc dành cho nữ giới.

Một trong những hoạt động thường xuyên mà Đông Phong, Thủy Trung Nguyệt hay những đội nhóm yêu thích văn hóa cổ phong thường thực hiện đó là mở những sự kiện mặc thử cổ phục và tổ chức cuộc thi liên quan đến cổ phục Việt. Đông Phong thường xuyên xuất hiện tại những lễ hội văn hóa, hội chợ văn hóa dưới hình thức gian hàng trải nghiệm cổ phục như sự kiện: Hanoi GiftShow 2019, Hội chợ 60s Thổ Quan - Trở về, Bách niên phục sức, Tết Craft Playgrounds, Đánh thức Tết, “Ơ kìa! Cổ phục Việt”, cuộc thi ảnh “Cùng Việt phục đến trường”…

Và không thể không nhắc tới câu lạc bộ Đình làng Việt được hành lập năm 2014, tới nay số thành viên lên tới 19.000 người, phần lớn là giới trẻ đăng ký tham gia nhiều lĩnh vực. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều thành viên hiện sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Đức…

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình-Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, mục đích chính ban đầu là trao đổi thông tin, nghiên cứu kiến trúc đình làng nhưng về sau khi nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống của mọi người tăng lên, các hoạt động của câu lạc bộ ngày càng mở rộng hơn.

Hiện nay, Đình làng Việt tập trung vào 3 mảng chính: Nghiên cứu về kiến trúc điêu khắc đình làng; nghiên cứu văn hóa dân gian và âm nhạc dân gian; quảng bá và phát triển áo dài truyền thống. Để bảo tồn áo dài, Đình làng Việt đã tạo ra các sự kiện văn hóa, vận động mọi người may và mặc áo dài. Nhóm đã vào làng may áo dài Trạch Xá (Ứng Hòa) để tìm các nghệ nhân còn may được áo dài đúng theo truyền thống và thuyết phục được nghệ nhân Đỗ Minh Tám trở thành người đồng hành cùng Đình làng Việt.

Như vậy, có thể thấy ngày càng nhiều người quan tâm đến văn hóa truyền thống nói chung, trang phục cổ nói riêng. Nói như TS Lý Tùng Hiếu - nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, khi người trẻ có thái độ, hành động đề cao, phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc thì phải chỉ ra được những phần nào trong văn hóa ấy, bản sắc ấy vẫn còn hữu ích, hữu dụng, tức là còn giá trị, thậm chí gia tăng giá trị trong cuộc sống của họ hôm nay. Đó cũng là con đường để cho các di sản văn hóa tiếp tục sống cuộc đời của nó trong thế giới hôm nay, con đường mà giới quản lý văn hóa gọi là “bảo tồn động”.

Áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn là chiếc áo dành cho nữ giới quyền quý, trong chốn cung đình và các thiếu nữ trong gia đình quý tộc mặc trong hôn lễ.

Một Việt Nam đầy màu sắc qua cổ phục

Được biết đến với các dự án nghiên cứu, vẽ trang phục thời Nguyễn, họa sĩ thiết kế đồ họa Nguyễn Quốc Trí chia sẻ: Cổ phục Việt là sự phát triển lâu dài, không phải trào lưu. Ở Trung Quốc, Nhật Bản vẫn duy trì các hoạt động giữ gìn trang phục truyền thống, từ phim ảnh đến du lịch... Qua cổ phục mọi người sẽ thấy một Việt Nam khác, giàu có và đầy màu sắc.

Thực tế, nhìn sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, cổ phục đã được phát triển nhờ chính sách khuyến khích người dân mặc trang phục cổ truyền. Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai dự án "Đồng phục Hanbok trong trường học" để hồi sinh trang phục truyền thống thông qua hoạt động thường ngày. Như vậy, cổ phục Việt cần được ứng dụng rộng rãi, được hồi sinh trong đời sống đương đại một cách sâu rộng và thường xuyên hơn.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016 - 2021, cổ phục Việt được đưa ra bàn thảo với việc bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

TS Nguyễn Thị Thanh Mai - giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: Cổ phục Việt là một nét văn hóa đặc biệt với nhiều giá trị về lịch sử, chính trị, văn hóa, thẩm mỹ và cả kinh tế, gắn liền với từng thời kỳ lịch sử quan trọng của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, cổ phục có vai trò quan trọng, cần được chú trọng bảo tồn và phát huy.

Theo TS Mai, thời gian qua, những dự án phỏng dựng cổ phục Việt thành công đã phần nào hiện thực hóa những tư liệu về văn hóa truyền thống, biến những tri thức thành thực tế và đem thực tế ấy đến với công chúng xã hội. Ngoài ra với hình thức phát huy giá trị cổ phục Việt qua hoạt động thương mại buôn bán đã giúp đưa cổ phục đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Cụ thể, ngày càng nhiều người biết về cổ phục Việt hơn. Nếu như trước đây người ta biết Hán Phục, Hanbok, Kimono do ảnh hưởng từ phim ảnh và ca nhạc nước ngoài, thì nay, người ta đã quen hơn với cụm từ áo Tấc, Nhật Bình, Giao Lĩnh. Thực hiện thành công các hoạt động bảo tồn cổ phục Việt đã góp một phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa nước nhà, xây dựng những minh chứng thực tế cho thấy Việt Nam là quốc gia có một nền văn hóa sâu sắc, xứng với hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bước đầu tác động thị hiếu thời trang người Việt đi theo hướng trân trọng và yêu thích nét đẹp cổ truyền, từ đó, góp phần vào sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam mang phong vị Việt.

Đặc biệt, một số dự án được thực hiện ở nước ngoài thành công, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, chứng minh vẻ đẹp trang phục quê hương mình không hề thua kém bất cứ quốc gia nào. Những dự án ấy thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế, khiến họ hứng thú và muốn đến xem văn hóa Việt”, TS Mai đánh giá.

Dù vậy, theo bà Mai, mức độ lan tỏa của cổ phục Việt chưa sâu rộng. Cổ phục Việt mới chỉ tiếp cận được với một bộ phận chủ yếu là giới trẻ chứ chưa phổ quát rộng rãi, vẫn còn nhiều người không hiểu mà đánh giá thấp vai trò và tác dụng của cổ phục Việt.

Tồn tại những hạn chế như vậy là do thiếu về thông tin, tư liệu lịch sử về cổ phục Việt ở thời điểm hiện tại nhìn chung là mơ hồ và khó hiểu. Do đó vẫn còn nhiều những tranh cãi trong quá trình thực hiện các nghiên cứu, phỏng dựng cổ phục Việt. Nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra kịch liệt trên các diễn đàn xoay quanh vấn đề đúng hoặc sai của một chi tiết hay cả một mẫu áo.

Áo của nữ quan thời Lê sơ (người làm các công việc như dạy học cho cung nữ, bốc thuốc, quản lý vật phẩm...) do nhóm Vietnam Centre phục dựng.

Giữ giá trị cốt lõi

Cũng có ý kiến bày tỏ, cổ phục Việt có mức giá khá cao so với khả năng chi trả của số đông, đặc biệt là các bạn trẻ. Vậy nên yêu cầu đặt ra với các tổ chức lúc này là sự tối ưu hóa trong sản xuất sản phẩm, cần tìm ra những nguyên liệu giá thành hợp lý, cách thức sản xuất nhanh, tiết kiệm mà vẫn giữ được tinh hoa của những bộ trang phục.

Mặt khác, TS Nguyễn Thị Thanh Mai cũng lưu ý, các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa nói chung và kinh doanh cổ phục Việt nói riêng thường xuyên phải đối mặt đó là sự cân bằng giữa yếu tố kinh tế và yếu tố văn hóa.

Vì “văn hóa” không phải chuyện để đem ra đùa, mọi hoạt động liên quan đến văn hóa đều phải được xem xét thật kĩ. Không thể đặt lợi nhuận lên trên mà bất chấp sai lệch văn hóa, điều này gây ra rất nhiều hệ lụy liên quan đến bộ mặt văn hóa của cả dân tộc. Song, nếu chỉ chăm chăm vào văn hóa mà không có chiến lược kinh tế rõ ràng thì khó mà có thể tồn tại lâu dài. Vì thế, những người thực hiện vừa phải có đam mê, sự tôn trọng với cổ phục, vừa phải có những tư duy sáng suốt trong lĩnh vực quản trị kinh doanh.

“Làm sao để sản phẩm làm ra vừa đáp ứng thẩm mỹ thời đại mới, vừa giữ trọn tinh hoa cổ truyền là việc khiến nhiều cá nhân, tổ chức phải đau đầu. Đối với những cá nhân, tổ chức thực hiện cách tân cổ phục thì càng cần có sự am hiểu sâu sắc và phải vô cùng chú ý khi nhận định “điểm sáng” của bộ trang phục ấy là gì, và rồi đưa ra những quyết định đúng đắn như giữ lại bộ phận nào, lược bỏ chi tiết nào mà giữ được giá trị cốt lõi của trang phục”, TS Mai bày tỏ.

Chia sẻ về những tranh luận xung quanh việc phỏng dựng cổ phục, anh Tôn Thất Minh Khôi, sáng lập nhóm Thiên Nam Ðại lịch Hậu phi chia sẻ: Không ít người Việt vẫn nghĩ trang phục truyền thống Việt Nam chỉ có áo dài, áo tứ thân. Một số loại áo như Đối Khâm, Giao Lĩnh bị quy chụp sao chép trang phục cổ đại Trung Quốc, Hàn Quốc.

Nhưng cổ phục Việt thật sự vô cùng phong phú theo từng thời kỳ lịch sử. Chúng tôi mong muốn tổ chức được thêm nhiều hoạt động để đưa người xem đến gần hơn, nhìn kỹ hơn vào từng trang phục và hiểu thêm sự giao thoa văn hóa, thấy được nét riêng của cổ phục Việt, từ đó khơi dậy sự trân trọng và lòng tự hào.

Trong bối cảnh hội nhập, xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa việc khôi phục, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là cực kì cấp thiết và quan trọng. Cổ phục Việt là một trong những nét văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc ta, không chỉ bởi vì nó là một di sản xưa cũ mà còn bởi vì nó có đủ tiềm năng đem lại những giá trị trong hiện tại và cả tương lai.

GS sử học Lê Văn Lan: Khôi phục cổ phục Việt là cần thiết

Một số ý kiến phàn nàn việc giới trẻ quay lưng với văn hóa dân tộc đã trở nên lỗi thời. Nhiều công trình nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng của lớp trẻ hiện nay rất nghiêm túc và hiệu quả, nhưng vẫn mang đến sự mới mẻ, hào hứng. Như các dự án phục dựng cổ phục Việt những năm gần đây. Công việc không mấy dễ dàng bởi thực tế, cổ phục rất mênh mông. Trang phục đời Trần, Lê, Nguyễn đều là cổ phục. Đến nay, tư liệu về cổ phục thời Nguyễn còn nhiều và rõ ràng hơn cả, nhưng cổ phục ở thời Nguyễn cũng rất rộng.

Vì thế, lâu nay đã có khá nhiều phim lịch sử ra mắt nhưng dư luận chưa hài lòng bởi vấn đề cổ phục để rồi sau khi ra mắt, một vài bộ phim đã vấp phải phản ứng dữ dội của công chúng. Trang phục vừa là hình ảnh, vừa là biểu tượng, kết tinh văn hóa của một thời đại, một nền kinh tế của một quốc gia, dân tộc, một nền văn minh. Thực tế, nhiều bộ phim lịch sử đã sử dụng chưa đúng trang phục gây ức chế cho người xem và đặc biệt làm méo mó văn hóa và lịch sử của thời đại.

Các phim lịch sử sau này được đầu tư tốt hơn, trong đó đầu tư cho trang phục đã nhiều hơn nhưng vẫn liên tục bị chê trách. Như gần đây là với dự án phim “Phượng Khấu” nói về một giai đoạn của thời Nguyễn, vấn đề cổ phục trong phim cũng thực sự vất vả. Chúng ta đã có các cuốn sách nghiên cứu, đã sưu tầm được những mẫu vật gốc và phục chế được những mẫu vật cụ thể của từng thời một, đặc biệt là triều Nguyễn. Nhưng, đây chỉ là sự yên tâm trong quá trình phát triển mà chúng ta ngày càng tiếp cận và tiệm cận được với chân lý, sự thực và quan điểm thẩm mỹ để dần dần sẽ có những phim lịch sử có cổ phục đẹp đẽ, đúng đắn hơn. Tất nhiên, nếu chỉ có những nỗ lực của các đoàn làm phim thôi thì câu chuyện cổ phục trong điện ảnh sẽ còn gặp rất nhiều trở ngại. Đã đến lúc chúng ta phải đưa các kết quả nghiên cứu, thể hiện thành những mẫu vật cụ thể và việc đưa các mẫu vật vào làm phim phải tốt hơn. Chính vì vậy việc khôi phục cổ phục Việt là điều hết sức cần thiết.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế: Cổ phục đang lan tỏa mạnh mẽ

Các loại cổ phục Việt đang được phục hồi và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước, và Huế là một trong những địa phương tiêu biểu. Đặc biệt chiếc áo Tấc là một loại trang phục đặc thù của thời Nguyễn, có lịch sử hình thành khoảng trên dưới 300 năm. Để có thiết kế hoàn thiện như ngày nay thì trang phục áo Tấc đã trải qua những thăng trầm lịch sử, có nhiều cải tiến, biến thể và thay đổi không ngừng. Nhiều nhà thiết kế đã xem áo Tấc là hình mẫu ý tưởng của áo dài ngày nay. Ngày xưa áo Tấc được coi là lễ phục trang trọng, kín đáo và mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn. Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc. Năm chiếc khuy áo tượng trưng cho quan điểm ngũ thường trong Nho giáo, cụ thể, năm chiếc khuy đại diện cho 5 đức tính của bậc nam nhi là: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; hay quan điểm về ngũ luân, tức 5 mối quan hệ rường cột trong xã hội: Vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ; thậm chí còn mang cả ý nghĩa về sự giao thoa của ngũ hành: Thổ, kim, thủy, mộc, hỏa.

Từ khi chế độ quân chủ sụp đổ thì áo Tấc cũng dần biến mất trong đời sống thường ngày, chỉ còn được sử dụng trong nghi lễ tế tự của một số địa phương, đặc biệt là ở Huế. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất sau chiến tranh, trong các lễ nghi của các gia đình họ tộc hay nghi lễ tại đình miếu của làng xã ở Thừa Thiên Huế, các vị chủ tế, bô lão tham dự đều mặc áo thụng xanh (tức áo Tấc) để hành lễ. Điều đó cho thấy, áo Tấc chưa bao giờ biến mất trong đời sống xã hội.

Gần đây, chiếc áo Tấc đã xuất hiện trở lại ở rất nhiều nơi, không chỉ trong các nghi thức, lễ hội truyền thống mà còn trên nhiều diễn đàn của các hội, nhóm yêu mến cổ phục dân tộc. Việc các đạo diễn đưa áo Tấc vào phim cổ trang, các diễn viên, người mẫu sử dụng trọng các clip, MV ca nhạc... đã góp phần quảng bá mạnh mẽ vẻ đẹp của loại trang phục này đến với công chúng trong và ngoài nước.

Tại cố đô Huế, nhiều địa chỉ chuyên may, cho thuê các loại cổ phục trong đó có các loại áo Tấc nam, nữ đã trở nên rất quen thuộc đối với các đơn vị lữ hành, cộng đồng hướng dẫn viên và du khách. Chắc chắn, trong thời gian tới, áo Tấc cùng với các loại áo ngũ thân tay chẽn, áo Nhật Bình sẽ ngày càng được yêu thích và lan tỏa mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa giá trị cổ phục Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO