Lan tỏa những tấm gương học sinh, giáo viên tiêu biểu

Th. Anh 20/10/2016 11:10

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 và Phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020 trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Thành quả của những nỗ lực

Đánh giá năm học 2015-2016 vừa qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực đổi mới và đạt được những kết quả tích cực. Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo từng bước được nâng lên; công tác quản lý giáo dục có chuyển biến tích cực. Việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong giảng dạy và học tập được đẩy mạnh…

Với những nỗ lực cố gắng đó, đã có nhiều thầy cô và học sinh gặt hái được những thành tích cao trong công tác dạy và học. Bộ GD&ĐT cũng đã chọn ra được 126 giáo viên và 126 học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT tiêu biểu nhất, tuyên dương trong buổi lễ.

Tham dự và chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục. Bà tin tưởng rằng những tấm gương nhà giáo và học sinh được tôn vinh sẽ được tuyên truyền và nhân rộng, lan tỏa trong toàn hệ thống giáo dục thời gian tới.

Những năm qua, tinh thần đổi mới đã thúc đẩy giáo dục, đào tạo Việt Nam có nhiều cải cách mạng mẽ từ nội dung, phương pháp dạy và học, đổi mới trong quản lý thi cử để hướng tới hoàn thiện và chuẩn hóa hơn. Ngành đã xây dựng được đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, chất lượng và luôn tận tụy, tâm huyết với nghề.

Nhiều học sinh đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, điển hình như năm 2016, đạt được 6 huy chương Vàng và đứng đầu tại cuộc thi Olympic Toán học Châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 12/76 quốc gia, lãnh thổ về kiểm tra Toán và Khoa học lứa tuổi 15. Trong ngành giáo dục, cũng tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh, trí tuệ con người Việt Nam cũng như nền giáo dục nước ta với công đồng quốc tế.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, có mặt còn tụt hậu đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa so với sự phát triển của cuộc cách mạng tri thức, khoa học và công nghệ trong thời kỳ toàn cầu hóa…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo và triển khai có hiệu quả việc đổi mới trong toàn hệ thống theo tinh thần Nghị quyết 29. Trong đó, đặc biệt chú trọng gắn đổi mới với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước để chuẩn hóa chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học; Cần quan trọng kết quả thực chất, không chạy theo thành tích và tiếp tục hoàn thiện các chương trình Bộ đã tiến hành đổi mới phù hợp hơn, gắn với yêu cầu thực tế.

Thứ hai, quan trọng và chuyển biến hơn về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để nâng cao tinh thần tự học và khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh trong học tập và thực hành, kể cả khả năng ngoại ngữ. Đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo đạo đức, nhân cách cho học sinh. Ngoài ra, phải thực sự chú trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học

Để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong khuôn khổ Lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT chính thức phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện; là động lực, khát vọng vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân; là việc làm thường xuyên, lâu dài; bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hàng ngày, để việc làm ngày hôm nay đạt năng suất, hiệu quả hơn ngày hôm qua; là hành động thiết thực nhất của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và các em học sinh, sinh viên góp phần tạo chuyển biến căn bản chất lượng, hiệu quả giáo dục nước nhà. Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm, minh chứng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao nhất, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập, làm theo.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý giáo dục cũng cần kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi nhất, phát huy tối đa khả năng, phẩm chất và năng lực cá nhân, tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa những tấm gương học sinh, giáo viên tiêu biểu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO