Lan tỏa tinh thần ‘chống dịch như chống giặc’

Nam Việt 05/05/2021 06:32

Đợt lây nhiễm các ca Covid-19 ra cộng đồng lần này cho chúng ta nhiều bài học. Một trong những bài học quan trọng nhất chính là không thể chủ quan, nhất là sự chủ quan đến từ việc yên tâm với thành tích dập dịch đã đạt được của chúng ta trong hơn một năm qua.

Tiếp đó, phải chỉ rõ những người, những đơn vị, địa phương cụ thể phải chịu trách nhiệm khi để dịch lây lan ra cộng đồng. Đề cao trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, không dồn trách nhiệm lên người bệnh, không đùn đẩy trách nhiệm mới hy vọng bịt được những lỗ hổng trong cuộc chiến gian nan chống dịch Covid-19.

Kiểm tra người cách ly tại khu cách ly Trung đoàn 123, Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Trọng Hải.

Rất may là sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác chống dịch trong tình hình mới, đã có những chuyển biến. Xin được nêu một vài ví dụ.

Ngày 3/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng đã họp thảo luận, rà soát, đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã nhấn mạnh nếu cần thiết phải khởi động lại lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 từ tổ dân phố để bổ sung cho lực lượng chuyên trách ở các địa phương. Xin được nhắc lại, Đà Nẵng là một trong số các địa phương bị Thủ tướng phê bình do chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19 dịp nghỉ lễ vừa qua.

Ngày 2/5, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam, bà Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, chỉ đạo xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân có liên quan đến việc bệnh nhân số 2.899 để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Chỉ một ngày sau, vào chiều ngày 3/5, ông Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết Giám đốc Sở Y tế tỉnh này đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Ngụy Cao Phi - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, và ông Lương Thanh Ngọc, Trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân; do hai ông này có thiếu sót trong quản lý, điều hành, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng đã giao cho Công an tỉnh rà soát toàn bộ hồ sơ, cá nhân nào thuộc Sở Y tế, thuộc huyện Lý Nhân, thuộc xã Đạo Lý vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, dư luận đồng tình trước việc Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định tạm thời đình chỉ công tác với Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái (ông Nguyễn Trường Giang), kể từ chiều ngày 2/5 và cho đến ngày 4/5 thì ra quyết định cảnh cáo do vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài.

Đó là một số trường hợp cụ thể, với một số địa phương đã xử lý nhanh chóng và rõ ràng. Tuy là bước đầu nhưng cũng cho thấy dấu hiệu chuyển động theo chiều sâu trong cuộc chiến chống Covid-19 lần này, mà theo đánh giá của giới chuyên gia y tế là sẽ phức tạp hơn so với những lần trước, khi tình hình dịch bệnh ở các nước láng giềng vẫn diễn biến phức tạp.

Những ngày gần đây, xã hội cũng đã nhận thấy sự vào cuộc quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn của nhiều địa phương, đặc biệt là hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố nhiều lần thị sát tại các điểm “nóng”, cùng đó là các chỉ đạo khoanh vùng, xét nghiệm một cách khẩn trương, kiên quyết. Chỉ trong 1 ngày, ngày 3/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại sân bay quốc tế Nội Bài, bến xe khách Mỹ Đình và một chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Tại các điểm kiểm tra, Chủ tịch thành phố đặt hàng loạt câu hỏi rất cụ thể, chi tiết và yêu cầu có câu trả lời ngay một cách trung thực.

Cũng trong ngày 3/5, với TP HCM, cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh Công viên nước Đầm Sen là một trong những nơi buông lỏng quản lý về phòng chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ vừa qua, vì vậy phải tạm dừng hoạt động để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của đơn vị. Cụ thể, Công viên nước Đầm Sen đã phải dừng hoạt động trong 7 ngày, bắt đầu từ 18 giờ chiều ngày 3/5.

Đó là hai địa phương có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đợt này. Tuy nhiên, với nhiều tỉnh/thành khác trong cả nước cho dù chưa xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 thì tinh thần phòng chống dịch cũng đã khác trước.

Có thể nêu tỉnh Hà Giang như một ví dụ. Quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, ngày 3/5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh này đã quyết định tái kích hoạt 69 chốt kiểm dịch y tế trên toàn địa bàn. Trong những ngày này hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang lại căng mình trên tuyến biên giới Việt - Trung để thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19.

Có thể thấy đến thời điểm này tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã thực sự lan tỏa khắp cả nước. Khi dịch bệnh đang “bủa vây”, dịch bệnh đã “ở trước cửa” thì tinh thần ấy, quyết tâm ấy càng phải được đẩy mạnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, vì sự bình yên của đất nước.

Dẫu vẫn biết rằng bùng phát dịch Covid-19 lần này có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với những chuyển động tích cực trong mấy ngày qua chúng ta tin tưởng rằng một lần nữa đất nước sẽ lại vượt qua thử thách với ít tổn thất nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa tinh thần ‘chống dịch như chống giặc’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO