Lắng nghe để đổi mới

Vi Cầm 11/10/2017 08:05

Đồng ý lùi thời hạn triển khai chương trình, sách giáo khoa mới 1 năm- như đề xuất của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị phải tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại để tạo đồng thuận trong xã hội về đổi mới giáo dục. Theo tinh thần này, dự thảo chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được công bố rộng rãi. Thời gian lấy ý kiến đóng góp của nhân dân diễn ra trong 2 tháng.

Trước đó, vào tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông thông qua Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể làm căn cứ để xây dựng dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Bản thảo này có sự tiếp thu ý kiến của chuyên gia, giáo viên, dư luận.

Chương trình GDPT tổng thể mới được chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), không còn lớp dự hướng nghề nghiệp. Hệ thống môn học cũng chỉ còn bắt buộc và tự chọn. Các môn học được kế thừa và thống nhất giữa các cấp giúp học sinh không bỡ ngỡ khi gặp một môn với tên lạ lẫm.

Chương trình GDPT tổng thể quy định, thời gian thực học trong năm là 35 tuần, giảm 2 tuần so với bản Dự thảo công bố ngày 12/4. Tổng số tiết học trong năm, số tiết trung bình trong tuần và thời lượng của một số môn học cũng được giảm đi so với trước.

Theo dự kiến đề xuất mới nhất, lộ trình áp dụng chương trình mới cho các cấp học cũng được kiến nghị điều chỉnh. Thay vì triển khai cho cả 3 cấp (lớp 1, 6, 10) ngay năm đầu tiên, năm học 2019-2020 chỉ học sinh lớp 1 học chương trình mới. Năm thứ hai sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm thứ ba là lớp 3,7, 10; cuối cùng là ba lớp cuối cấp 5, 9, 12.

Lộ trình này, theo GS Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên Chương trình, SGK mới - sẽ hợp lý hơn, để các địa phương có thêm thời gian tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất bởi “điều kiện ở nước ta không thể cùng lúc cải thiện hết cơ sở vật chất được mà phải làm dần dần”.

Sở dĩ chương trình GDPT nhận được sự quan tâm của xã hội bởi đây là lĩnh vực liên quan đến con người, đến mỗi số phận, mỗi cuộc đời; tới tương lai của mỗi gia đình và bao trùm lên tất cả là sự phát triển của cả một quốc gia, dân tộc.

Ngay sau khi Dự thảo chương trình GDPT tổng thể được công bố hồi tháng 4-2017, đã có hàng trăm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo tên tuổi và những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đóng góp cho Dự thảo này. Ở những góc độ khác nhau, phân tích về tác động của Chương trình GDPT vì thế cũng có những cái nhìn đa chiều.

Theo TS kinh tế Lương Hoài Nam, đổi mới Chương trình GDPT là sự khởi đầu cho một sự thay đổi tốt hơn cho giáo dục. Một chương trình nhiều bộ SGK cần được hiện thực hóa. Đầu mối thực hiện SGK là các nhà xuất bản, tác giả hợp tác với nhà xuất bản làm sách, thời hạn 5 năm để cập nhật nội dung.

Còn TS Nguyễn Khánh Trung - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục phân tích, trong Dự thảo chương trình GDPT tổng thể không đề cập khả năng phản biện cho học sinh. Ấy là chưa kể về cách thực hiện chúng ta đang làm ngược với quy luật và thế giới. Ở các nước, phải có chương trình rồi mới làm SGK, còn ở chúng ta thì Dự thảo chương trình đang lấy ý kiến nhưng phong thanh đã có SGK và dự kiến thời gian áp dụng.

Lại cũng có những quan điểm khác phân tích rằng Chương trình tổng thể chưa giải quyết được tồn tại của giáo dục. Có những giáo viên sắp về hưu tâm sự, từ khi cắp sách đi học cho đến lúc trở thành giáo viên và nay sắp về hưu, họ đã trải qua nhiều lần đổi mới, cải tiến chương trình và SGK. Cho dù cuộc đổi mới lần này thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, nhưng họ chưa nhìn thấy giải pháp để giải quyết những tồn tại của giáo dục nhiều năm qua, chứ chưa nói gì đến việc hướng tới hội nhập và đạt chuẩn quốc tế.

Phân tích từ thực tế cho thấy, chương trình tổng thể chưa tìm hiểu xác đáng tâm lý của lứa tuổi học trò ở mỗi bậc học, vì thế không chỉ ra được chương trình giáo dục nào thì đáp ứng tốt nhất cho từng lứa tuổi và cách dạy phù hợp nhất với cách học ở mỗi lứa tuổi đó. Tiếp đến các môn học trong chương trình tổng thể vẫn chỉ là môn truyền thống, được đổi tên hay ghép lại với nhau, không có những môn mới như: xã hội học và tâm lý, giáo dục tài chính, lý thuyết kiến thức…

Hiện nay số môn truyền thống chỉ còn chiếm một phần ba môn học phổ thông. Kiến thức của học sinh Việt Nam vẫn hoàn toàn phiến diện. Các môn cũ tạo thành một vòng luẩn quẩn khép kín nên không còn cơ hội cho những môn mới được đưa vào chương trình…

Theo như kế hoạch, tới đây việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Chương trình GDPT mới sẽ diễn ra trong vòng 2 tháng. Thời gian đóng góp tuy không nhiều nhưng quan trọng là phải lắng nghe tham vấn phản biện từ cộng đồng, từ dư luận xã hội.

Sự lắng nghe ấy phải trên tinh thần thực sự cầu thị, tiếp nhận thông tin đa chiều, tôn trọng những ý kiến đóng góp, đặc biệt là ở những nhà giáo nhiều kinh nghiệm, kể cả phụ huynh học sinh; trong đó đặc biệt là ý kiến của đội ngũ giáo viên phổ thông. Họ chính là chủ thể căn bản nhất quyết định đến sự thành bại của chương trình GDPT mới. Do đó những ý kiến từ phía giáo viên trực tiếp đứng lớp rất cần được tổng hợp do rất sát hơn với thực tế.

2 tháng để góp ý vào một điểm là chương trình và SGK trong chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục nước nhà chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu, thực tiễn của các tầng lớp trong xã hội.

Xin được nhắc lại, điều quan trọng còn lại phải là một thái độ cầu thị khi tiếp nhận, tiếp thu. Lắng nghe để đổi mới thực sự. Chỉ có như vậy mới hy vọng có được một chương trình GDPT tổng thể hợp lý, từ đó dần dần đưa giáo dục nước nhà đi lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe để đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO