Lắng nghe để hành động

Lê Na 05/06/2017 09:05

Lắng nghe Mặt trận để giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân là đòi hỏi thiết yếu cho một Chính phủ liêm chính hành động. Tuy nhiên ở nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng nghe để đó, nghe nhưng không chịu hành động, từ đó không giải quyết được những vấn đề nhân dân bức xúc.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến,
kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV. (Ảnh: Bùi Doãn Tấn).

Mặt trận với sứ mệnh gìn giữ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết luôn nhận biết, tôn trọng tính đa dạng và sự khác biệt ở trong các giai tầng xã hội để làm sao có được tiếng nói chung của lòng người, phản ánh tiếng nói, tâm tư tình cảm của nhân dân tới Đảng, Chính quyền với mong muốn những ý kiến đó sẽ sớm được giải quyết.

Bởi vậy, trước mỗi kỳ Quốc hội, Mặt trận là cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước và có trách nhiệm thay mặt nhân dân trình bày báo cáo này trước Quốc hội.

Bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước vừa được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Trong bản báo cáo dài hơn 5000 chữ là ý kiến, kiến nghị được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp từ 3288 ý kiến, kiến nghị, trong đó có 741 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2547 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Điều đáng chú ý trong bản báo cáo lần này là tinh thần thái độ của cử tri và nhân dân cả nước được thể hiện rất mạnh mẽ khi hoan nghênh các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp trong thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết trung ương 4, khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đồng thời cũng bày tỏ thái độ mạnh mẽ về tình trạng khai thác cát trái phép và phá rừng, cử tri và nhân dân yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý, mặc dù Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần, nhân dân và báo chí đã liên tục phản ánh.

Báo cáo nhấn mạnh: Cử tri và nhân dân nhiều nơi rất bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp pháp luật, là một nguyên nhân căn bản gây sạt lở nghiêm trọng các bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung và Nam bộ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân; tình trạng phá rừng bừa bãi ở một số địa phương đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần phản ánh với Quốc hội, Chính phủ về tình trạng khai thác cát trái phép và nạn phá rừng, trong đó đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 4 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV trong các năm 2013, 2014, 2015, 2016.

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này nhưng đến nay, việc khai thác cát trái phép và chặt phá rừng vẫn diễn ra với mức độ tinh vi, thách thức chính quyền và dư luận.

Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bổ sung chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường; Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Đồng thời từ ngày 13/3 đến 11/5/2017, có 94 bài báo phản ánh về nạn khai thác cát trái phép và 42 bài báo phản ánh về nạn phá rừng trái phép ở nhiều địa phương được đăng tải trên một số báo của Mặt trận và các tổ chức thành viên như Đại Đoàn kết, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Dân trí, Cựu Chiến binh, Lao động, Người Lao động, Nông thôn ngày nay, Thanh niên, Đất Việt, Gia đình Việt Nam, Dân Việt…

Chính vì vậy, Báo cáo kiến nghị cử tri do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại Quốc hội đã bày tỏ rõ thái độ của cử tri và nhân dân cả nước trước tình trạng này: “Cử tri và nhân dân yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý, mặc dù Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần, nhân dân và báo chí đã liên tục phản ánh; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” khai thác cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật; chỉ đạo các giải pháp khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài”.

Trên thực tế đã có những điểm sáng trong việc lắng nghe Mặt trận, giải quyết những bức xúc của nhân dân. Như câu chuyện người đứng đầu hai bộ là Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên & Môi trường tiến hành ký kết “Chương trình phối hợp công tác về hoạt động bảo vệ môi trường", trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Việc hai bộ ký kết dưới sự chứng kiến của người đứng đầu Mặt trận cũng là việc chưa từng có trong tiền lệ. Bởi trước đó nhiều tháng, với sự nỗ lực không mệt mỏi, Mặt trận đã có nhiều cuộc giám sát về bảo vệ môi trường. Và để giải đáp các ý kiến cử tri của xã Dân Thành, Đông Hải và Trường Long Hòa của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đặt ra, Tổ Đại biểu quốc hội khóa XIV tỉnh Trà Vinh do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã tiến hành giám sát Công ty nhiệt điện Duyên Hải (Tổng Công ty phát điện 1). Chính vì thế, việc cam kết của hai bộ về hoạt động bảo vệ môi trường là một bước để hiện thực hóa những mong mỏi của người dân từ kiến nghị của người đứng đầu Mặt trận.

Hay như việc ban hành công văn 386 của UBND TP Hà Nội là một ví dụ. UBND TP Hà Nội ban hành công văn này để triển khai chấn chỉnh một việc cụ thể từ kết luận của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc cần phải xử lý quyết liệt nạn “cát tặc” là một minh chứng cụ thể cho việc chính quyền các cấp ngày càng lắng nghe ý kiến phản ánh của Mặt trận cũng là lắng nghe ý kiến của nhân dân, từ đó có những hành động cụ thể để hiện thực hoá những mong mỏi ấy.

Tuy nhiên những quyết tâm chính trị như của Hà Nội hay Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công thương mới chỉ là những điểm sáng nhỏ chưa lan tỏa tới nhiều địa phương và bộ, ngành khác để từ đó cùng lắng nghe Mặt trận, cùng Mặt trận góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm.

Bởi vậy việc bày tỏ thái độ mạnh mẽ của cử tri trong bản Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị trước Quốc hội là cần phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý tình trạng khai thác cát và phá rừng, trước tiên là một đòi hỏi bức thiết yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, mãnh mẽ hơn, công tâm hơn nữa để giải quyết những bức xúc kéo dài. Đồng thời cử tri cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” khai thác cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật trong thời gian qua.

Lắng nghe Mặt trận là để hành động chứ không phải nghe để đó, nghe nhưng không chịu hành động, từ đó không giải quyết được những vấn đề nhân dân bức xúc.

Với trách nhiệm là người đứng đầu Mặt trận tổ quốc Việt Nam, trong nhiều kỳ cuộc của Mặt trận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn yêu cầu người Mặt trận trên cả nước không thể làm ngơ, không thể đứng ngoài cuộc những bài báo nói về các vụ việc tiêu cực ở địa phương mình.

Theo đó hàng tuần, Mặt trận các tỉnh, thành phải biết các báo viết về vụ việc ở địa phương. Nếu chỉ có báo đăng mà không có người tác động xử lý thì vụ việc sẽ rơi vào im lặng. Mặt trận và các tổ chức thành viên cần tích cực và có trách nhiệm tham gia vào các vụ việc này để giải quyết đến cùng hiện tượng báo chí phản ánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe để hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO