Làng nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm ra sao trong mùa Táo về trời thời Covid 19?

04/02/2021 09:49

Trước thềm ngày Táo quân về trời, người dân làng Thủy Trầm xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ lại tất bật hơn nhiều so với những ngày thường. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của Covid-19, không khí nhộn nhịp dường như đã không còn.

Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Táo quân về trời, làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ lại tất bật hơn nhiều so với những ngày thường.
Ngay từ sáng sớm, người dân nơi đây đã phải ra đồng để kiểm tra ao, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để con cá được khỏe.
Người nuôi cá chép đỏ ở đây cho biết, làng Thủy Trầm chủ yếu là làm cá giống và cá thịt, nuôi xen với cá chép đỏ.
Ông Bùi Văn Chữ, Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết, từ những năm 60, người dân xã Tuy Lộc ra sông Hồng đánh bắt cá tự nhiên, trong quá trình đánh bắt đã lẫn các loại cá khác, trong đó, có cá chép đỏ.
Khi cá trong ao lớn lên thấy có loài cá lạ giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ đẹp, người dân giữ lại nuôi làm cảnh.
Những năm sau này kinh tế phát triển, người dân có xu hướng dùng cá chép đỏ do suy nghĩ sẽ mang lại điềm lành, may mắn cho gia đình vào năm mới nên nhu cầu ngày càng lớn.
Vì lẽ đó, các hộ nuôi cá trong làng Thủy Trầm đã tập trung nuôi cá chép đỏ rồi cho đẻ trứng và mang đi bán.
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, thời tiết năm nay thuận lợi nên cá phát triển tốt.
Cá chép đỏ Thủy Trầm được người dân gây giống, chăm sóc từ khoảng tháng 6 hàng năm cho đến tháng Chạp. Tiêu chuẩn của một con cá đẹp là mình đỏ đẹp, mắt đen và có mỡ cá...
Mọi năm, bình quân mỗi hộ có từ một đến hai ao nuôi thả cá, thu nhập khoảng từ 15-40 triệu/hộ từ cá chép đỏ, nhiều hộ có diện tích lớn hơn có thể thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng.
Cá ở Thủy Trầm chủ yếu được phân phối đi Tuyên Quang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Yên Bái...
Ông Trần Văn Dậu, xã Tuy Lộc cho biết, đến thời điểm này toàn bộ người dân nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm đã đánh bắt, lọc từng loại đưa lên bờ và thả vào bể.
Phần lớn các thương lái đã vận chuyển đi xa từ ngày 19, 20 âm lịch. Còn lại số ít hộ đến thời điểm này vẫn còn nhưng số lượng không nhiều.
Năm 2021, dự kiến làng nghề sẽ xuất bán khoảng 45 tấn cá chép đỏ, chủ yếu là bán giống.
Thế nhưng, trong năm nay, do dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh cá của các hộ dân cũng bị ảnh hưởng.
Nhiều bể cá dù đã được đặt trước, nhưng thương lái vẫn không thể đến lấy hàng, vì lo sợ rủi ro dịch bệnh.
Ông Nguyễn Huy Luận ở làng cá Thủy Trầm cho biết, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thương lái từ Hà Nội về mua giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20% so với trước, nên việc kinh doanh vẫn lao đao.
Nghề nuôi cá chép đỏ với người dân Thủy Trầm không chỉ với mục đích kinh tế mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ bao đời của người dân nơi đây.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm ra sao trong mùa Táo về trời thời Covid 19?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO