Lãng phí nguồn nhân lực trẻ

Lan Hương 27/02/2017 08:00

Điều tra của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của thanh niên Việt Nam từ 15-29 tuổi cho thấy, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học trung bình cần khoảng 7,3 tháng để tìm công việc đầu tiên họ thấy ổn định và hài lòng. Kết quả điều tra cũng chỉ ra những vấn đề dai dẳng như sự không phù hợp với yêu cầu công việc, chưa tận dụng hết tiềm năng lao động và việc làm chất lượng thấp đối với thanh niên Việt Nam từ 15 đến 29 tuổi.

Học một đằng, đi làm một nẻo

Thất nghiệp do chưa tìm được tìm được việc làm theo ý muốn là một thực tế đang phổ biến hiện nay. Theo một số liệu thống kê, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn.

Điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về việc chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của thanh niên Việt Nam từ 15-29 tuổi cho thấy, việc làm của nhiều thanh niên chưa phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Khoảng hơn một nửa thanh niên có việc làm đã được đào tạo đầy đủ cho công việc họ đang làm (50,5% lao động trẻ có bằng cấp phù hợp với yêu cầu công việc).

Tuy nhiên, không phải tất cả thanh niên được đào tạo đều có thể tìm thấy công việc phù hợp với trình độ của họ; 26% lao động trẻ có trình độ học vấn cao hơn yêu cầu công việc đang làm. Mặt khác, có tới 23,5% lao động trẻ làm công việc có đòi hỏi cao về kỹ thuật nhưng không đáp ứng được.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, thị trường lao động đang không tận dụng được hết tiềm năng của lực lượng lao động trẻ ở nước ta. Có tới 43,1% lao động không làm đúng chuyên môn kỹ thuật được học trong trường đại học. 34% thanh niên làm công việc tự do, hợp đồng dưới 12 tháng. 4,2% sinh viên sau tốt nghiệp thất nghiệp và 4,9% số được khảo sát vừa tốt nghiệp nhưng không làm bất cứ công việc gì.

Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có trình độ đại học là 4,7%, trong khi tỷ lệ này ở thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông là 3%. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong năm 2015 thuộc nhóm thanh niên có trình độ tiểu học (6,4%).

“Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đang chưa tận dụng hết tiềm năng, năng suất của nhiều lao động trẻ, mặt khác lại không thể hoạt động ở mức năng suất lao động tối đa của mình bởi họ tuyển dụng lao động thiếu khả năng”- Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee giải thích.

Đi tìm nguyên nhân

Cũng theo điều tra, mặc dù đa số lao động trẻ (58,6%) làm công việc được trả lương, hơn một phần ba thanh niên vẫn làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm hoặc lao động làm cho gia đình không được trả lương; và gần một nửa thanh niên làm việc được trả lương nhưng không có hợp đồng bằng văn bản.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp đến từ nhiều phía, trong đó việc nhìn nhận năng lực bản thân cao hơn khả năng đáp ứng công việc trên thực tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, cán bộ nhân sự Công ty cổ phần Lắp đặt viễn thông, đa phần các cử nhân chỉ có kiến thức sách vở, thiếu kỹ năng mềm và kinh nghiệm chuyên môn thực tế, nhưng kỳ vọng xin được việc làm tốt với mức lương cao. Còn theo ILO, tuy Việt Nam không có tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở mức báo động như nhiều nước khác song việc đảm bảo việc làm chất lượng cho thế hệ trẻ vẫn là thử thách lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng phí nguồn nhân lực trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO