Lãng phí quá trời!

Lê Anh Đức 10/03/2020 07:30

Hơn 8.000 m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII được UBND tỉnh Bình Phước “tuyên” tiêu hủy bằng hình thức... tự mục nát. Trong khi đó, cơ quan này lại phải chi trả cho các doanh nghiệp hơn 11 tỷ đồng vì không giao được gỗ như đã thỏa thuận.

Việc UBND tỉnh Bình Phước “quyết” cho hàng nghìn m3 “phơi sương, phơi nắng” để “tự hỏng” là sự lãng phí lớn khiến dư luận xã hội bức xúc. Nếu địa phương nào cũng hành xử như vậy thì làm sao có thể dân giàu, nước mạnh đây?

Cụ thể, năm 2013, UBND tỉnh Bình Phước làm tờ trình với Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT xin được tận thu lâm sản để phát triển kinh tế - xã hội và được chấp thuận. Sau đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 22/7/2016 phải ngừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, kể cả các dự án đã được phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo trên, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản tạm ngưng toàn bộ các dự án đang triển khai thực hiện. Sau quyết định tạm ngừng của UBND tỉnh Bình Phước, số lâm sản đã khai thác còn tồn đọng 8.080 m3 gỗ các loại.

Thay vì tham mưu cho UBND tỉnh Bình Phước biện pháp giải quyết số lâm sản tồn đọng (trót khai thác trước khi quyết định tạm ngưng có hiệu lực) để tận dụng nguồn thu cho ngân sách, Sở Tài chính lại đề nghị tiêu hủy toàn bộ. Và tất nhiên, UBND tỉnh Bình Phước đã “thống nhất cao” với quan điểm của Sở Tài chính là tiêu hủy toàn bộ số lâm sản tồn đọng trên địa bàn tỉnh, bằng hình thức để tự mục nát. Dư luận đặt câu hỏi: Lâm sản tịch thu của lâm tặc còn có thể tổ chức bán đấu giá, vì sao số lâm sản khai thác hợp pháp mà UBND tỉnh Bình Phước lại để “tự hỏng” lãng phí như vậy?

Trước sức ép của dư luận, mới đây UBND tỉnh Bình Phước đã phải “đăng đàn” giải thích. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh khẳng định, sẽ tổ chức chỉ đạo kiểm điểm với những tập thể, cá nhân liên quan đến vụ để mục nát hơn 8.000 m3 gỗ, gây lãng phí lớn. “Chúng tôi sẽ rà soát lại, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm...” – Phó Chủ tịch Trần Tuyết Minh nhấn mạnh. Tất nhiên, việc xử nghiêm những cá nhân, tổ chức đã tham mưu, đề xuất gây lãng phí thì đơn giản bởi nó thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nhưng còn người “ra lệnh” để mục nát hàng nghìn m3 gỗ thì ai sẽ xử đây?

Tất nhiên, về nguyên tắc thì việc UBND tỉnh Bình Phước quyết định “tiêu hủy” hơn 8.000 m3 gỗ hẳn là dựa trên quy định nào đó. Song, trong quá trình điều hành nếu cứ áp dụng máy móc các quy định sẽ trở thành vô cảm, gây thất thoát lãng phí. Với số gỗ đã trót khai thác khi chưa có “lệnh cấm”, UBND tỉnh Bình Phước hoàn toàn có thể giao cho các doanh nghiệp đã đặt tiền, hoặc có thể tổ chức bán đấu giá để tăng thu ngân sách. Đáng tiếc là thay vì trăn trở tìm cách tháo gỡ, UBND tỉnh Bình Phước lại đưa ra quyết định “nhẹ nợ” là để mục nát hàng nghìn m3 lâm sản trên.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thu ngân sách của tỉnh Bình Phước cũng chưa phải quá cao, việc quyết định để mục nát hàng nghìn m3 gỗ là điều khó có thể chấp nhận được. Với số tiền thu được không hề nhỏ khi bán hàng nghìn m3 gỗ đó, UBND tỉnh Bình Phước có thể đầu tư thêm được một đoạn đường, một lớp học, trang bị thêm được nhiều máy móc cho bệnh viện... đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thêm một chiếc máy thở, thêm một phòng học... là người dân có thêm cơ hội để chữa bệnh, học hành. Vậy tại sao lại bỏ phí?

Vấn đề đặt ra ở đây là sự thờ ơ, vô cảm của những người có trách nhiệm. Dù hàng nghìn m3 gỗ bỏ mục nát ngoài mưa nắng, thì cũng không có bất cứ cá nhân nào bị suy giảm đi một đồng lương, cũng không có bất cứ cơ quan, tổ chức nào không hoàn thành nhiệm vụ. Tiền là của chung, chẳng của ai cả nên có lý do gì để đau xót khi bị thất thoát đây? Chính cách nghĩ như vậy đã dẫn tới hệ quả tất yếu là từ cơ quan tham mưu tới người ra quyết định không hề có một chút “lăn tăn”, “tiếc của” khi để mục nát hàng nghìn m3 gỗ. Nếu thực sự tâm huyết, chắc chắn sẽ không ai làm vậy.

Nếu lối tư duy thờ ơ, vô cảm lại đang như một loại vi rút bệnh dịch lan rộng, len lỏi vào nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực thì thật đáng lo ngại. Đó là lý do mà không ít cán bộ, công chức đến cơ quan chỉ “làm vừa phải”, việc hôm nay làm không hết thì để đến mai có chết ai đâu. Và lẽ dĩ nhiên là khi người ta không nỗ lực hết mình thì làm sao hiệu quả công việc có thể tốt được, làm sao có thể tạo ra nhiều của cải vật chất cho ngành mình, lĩnh vực mình, địa phương mình, chứ chưa nói đến việc làm giàu cho xã hội, đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãng phí quá trời!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO