Làng Việt truyền thống: Bảo tồn theo hướng là một di sản sống

Phạm Quý 30/08/2016 11:05

Làng Việt chứa đựng hệ thống di sản văn hóa đồ sộ cả về vật thể và phi vật thể phân bố ở cả 3 miền. Tuy nhiên công tác bảo tồn di sản làng Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chính vì thế việc giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa nói chung, giữa bảo tồn và phát triển nói riêng là vấn đề đáng được quan tâm ở nước ta.

Đó là những chia sẻ được đưa ra tại tọa đàm “Di sản làng Việt và phương pháp tiếp cận mới trong công tác bảo tồn” vừa diễn ra tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Làng Việt truyền thống: Bảo tồn theo hướng là một di sản sống

Cổng làng Nôm mang đậm kiến trúc truyền thống.

Nguy cơ mất làng truyền thống

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, Đồng bằng sông Hồng có khoảng 3.500 làng truyền thống hình thành từ 200 – 500 năm hoặc lâu hơn. Làng truyền thống mang các đặc trưng: làng nghề, làng thuần nông, làng đang bị đô thị hóa... nhưng hiện nay chỉ có một số ít làng đã được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia như Đường Lâm hay làng Nôm với các di sản văn hóa kiến trúc vật thể có giá trị. Tuy nhiên các giá trị di sản đang dần mất đi với tốc độ nhanh, dưới tác động của đô thị hóa và sự chuyển biến môi trường kinh tế xã hội nông thôn. Ở nhiều khu làng, các giá trị di sản vật chất đang bị tổn hại nghiêm trọng: Lũy tre mất tính bảo vệ, chỉ còn lại một số cụm hoặc mất hẳn, giếng làng không còn vai trò cấp nước mà dành cho việc chăn nuôi, cổng làng, cổng nhà được đập đi xây lại với lối kiến trúc mới cùng với sự xuống cấp của đình, chùa, miếu, phủ… đang ngày càng trầm trọng hơn khi không có phương pháp cụ thể tôn tạo và bảo tồn hợp lý.

Bên cạnh việc công tác bảo tồn hiện nay còn đang tồn tại rất nhiều hạn chế như: bảo tồn diễn ra vẫn còn chậm, đơn lẻ, phiến diện (đa phần là đình chùa miếu mạo) và thường mang tính tự phát, chủ yếu là do nhân dân thực hiện. Hơn nữa công tác bảo tồn tổng thể đang được triển khai chỉ có 2 làng cổ trên toàn quốc là Đường Lâm và Phước Tích. Chính vì thế mà vấn đề cần đặt ra hiện nay đó là làm thế nào để đẩy nhanh, phủ rộng công tác bảo tồn các giá trị di sản làng Việt, ngăn chặn kịp thời sự mất mát di sản, trong bối cảnh nguồn ngân sách đang còn hạn chế

Có thể bảo tồn về mặt giá trị tinh thần

Những phân tích đưa ra tại tọa đàm vừa rồi cũng chỉ ra rằng, thực chất những mô hình bảo tồn nguyên gốc toàn bộ làng Đường Lâm, Phước Tích đang hướng tới bảo tồn gốc vật thể là… giá trị tinh thần giả, tái dựng và tái hiện lại, nên luôn tạo nên sự xung đột xã hội. Điều đó đặt ra vấn đề là có thể chỉ nên lựa chọn một vài mô hình trong tổng thể các giá trị của làng Việt truyền thống lâu đời, để có thể phục hồi và bảo tồn một cách tốt nhất, cố gắng giữ gìn lại những phần còn sót lại của làng cổ Việt Nam.

Tại đây, PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm- Phó chủ tịch Hội Qui hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội đồng tình: Tôi cũng rất tán thành với cách thức bảo tồn để thích ứng với cuộc sống mới và giá trị di sản phải là giá trị động. Đây là một cách nghĩ cần được cụ thể hóa.

Còn theo ông Phạm Hùng Cường thì ý thức của người dân hiện nay không phải là vấn đề lớn đáng báo động. Bởi hầu hết người dân vẫn còn giữ được những giá trị truyền thống rất sâu sắc nên việc bảo tồn hay tu bổ các di sản có thể thực hiện được. Tuy nhiên với việc nhiều khu làng đang xuống cấp trầm trọng như hiện nay, việc mất đi những di sản này mất đi chỉ còn là vấn đề “sớm hay muộn” mà thôi. Vì lẽ đó, để công tác bảo tồn hiện nay mang lại kết quả, việc đầu tiên là phải chia các di sản cần được bảo tồn thành những nhóm riêng để cách thức và phương pháp bảo tồn phù hợp với thực tại: với những nhóm cần được bảo tồn còn giá trị tinh thần và giá trị sử dụng gốc như: đình, chùa, miếu, phủ… có giá trị cao về kiến trúc và ý nghĩa lịch sử văn hóa thì phải tiến hành bảo tồn tôn tạo sớm để trở thành di tích được công nhận xếp hạng; Ở những nơi không còn nguyên vẹn sẽ bảo tồn các giá trị tinh thần là chủ yếu. Cố gắng tái tạo lại giá trị vật thể: các đình, chùa, miếu… hư hỏng nếu như không có tài liệu gốc thì cho xây dựng lại theo phong cách truyền thống để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đối với những nhóm di sản có giá trị tinh thần, giá trị sử dụng gốc đã thay đổi (cổng làng, ao làng, giếng làng, lũy tre, cổng làng…) thì nên kế thừa và bổ sung giá trị tinh thần mới, trên vật thể còn có thể bảo tồn. Hoặc có thể bổ sung giá trị tinh thần, giá trị sử dụng mới xen kẽ với tôn tạo xây dựng phù hợp với giá trị tinh thần mới.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, một số di sản chỉ có thể bảo tồn được khi có sự tham gia và giúp đỡ của cộng đồng, nhiều di sản thuộc quyền sở hữu cá nhân nếu như không được sự đồng ý của nhân dân thì không thể làm được. Chính vì lý do này, việc bảo tồn di sản làng Việt cần có sự tham gia và tự thay đổi nhận thức của cộng đồng, việc bảo tồn phải thích nghi với đời sống hiện đại thì mới có thể mang lại kết quả tốt.

Tọa đàm cũng đi đến thống nhất, giá trị của các di sản làng xã truyền thống là giá trị của văn hóa xây dựng môi trường sống cộng đồng. Nó có sự biến đổi, kế thừa, bổ sung và thể hiện sự thích nghi với môi trường, với sự biến đổi của kinh tế - xã hội chứ không phải là các giá trị tĩnh. Vốn di sản làng xã Việt Nam còn thể hiện ở các hệ giá trị di sản phi vật thể như môi trường sống, văn hóa và đặc biệt nó phải được quyền phát triển, đó chính là điều không thể đảo ngược trong điều kiện đô thị hóa nhanh ở Việt Nam hiện nay. Nếu chính quyền và cộng đồng không hành động sớm thì sẽ mất đi di sản các làng xã vào đô thị hóa và ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làng Việt truyền thống: Bảo tồn theo hướng là một di sản sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO