Xây dựng đội ngũ cán bộ: Tăng cường giám sát và phản biện

Hoài Vũ (thực hiện) 09/05/2018 06:00

Hội nghị Trung ương 7 sẽ cho ý kiến về Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong công tác cán bộ, đạo đức của người cán bộ đang được đặt ra một cách nghiêm túc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ: Tăng cường giám sát và phản biện

Ông Nguyễn Túc. Ảnh: Quang Vinh.

Công tác cán bộ, trong đó có việc lựa chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm, thi hành kỉ luật... đang đặt ra những yêu cầu rất cao nhằm đáp ứng đỏi hỏi của tình hình phát triển mới. Ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dành cho ĐĐK cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, Hội nghị lần thứ 3 nhiệm kỳ Đại hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau 20 năm thực hiện đến nay tại Hội nghị 7 lần này, Trung ương sẽ cho ý kiến về Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Ông nhận định như thế nào về việc ban hành Đề án ở thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Túc: Từ Đại hội VIII Đảng đã đặt ra vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Qua đó đưa ra một số tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ trong tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó đến nay qua 20 năm thực hiện thấy rằng, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược được đẩy mạnh hơn, đội ngũ được luân chuyển và thử thách ở các địa bàn khác nhau qua các hình thức luân chuyển.

Chính việc thực hiện Nghị quyết đó đến nay, ta đã có đội ngũ đông đảo có thể đáp ứng được một phần quan trọng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, đã góp phần tích cực vào hoàn thành nhiệm vụ từ Đại hội VIII đến Đại hội XII. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện đến nay cũng nảy sinh một loạt những vấn đề cho nên tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Trung ương xem xét tổng kết, bổ sung và cho ý kiến về Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” để làm cho công tác cán bộ được hoàn chỉnh hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng bộ máy của ta đông nhưng không mạnh, trong đó có lý do từ đạo đức cán bộ. Vậy đạo đức của người cán bộ cấp chiến lược lần này cần những tiêu chuẩn cụ thể nào vì thời gian qua nhiều vụ bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình nhưng cán bộ lại mắc sai phạm từ đó đặt ra vấn đề về đức của người cán bộ, thưa ông?

- Lần này theo Đề án chúng ta sẽ có đội ngũ 600 cán bộ chiến lược, chia làm 3 loại đối tượng. Phải cố gắng làm sao để đào tạo thật tốt về mặt bản lĩnh chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, đào tạo một lớp cán bộ có thể đáp ứng đầy đủ cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, đặc biệt là sang thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Từ Đại hội VIII đến Đại hội XII, bên cạnh cái được của đội ngũ cán bộ thì vẫn còn tình trạng thoái hóa biến chất của cán bộ.

Đại hội VIII đã nói một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất. Đến Đại hội XII vẫn dùng nguyên những từ đó. Văn kiện Đại hội XII đã nêu một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất. Nghĩa là tuy đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh để chống lại thoái hóa, biến chất trong nội bộ của Đảng, cùng với một loạt biện pháp để ngăn chặn đẩy lùi thoái hóa nhưng vẫn chưa ngăn chặn được.

Qua thực tiễn những vụ án đã xử và sắp sửa xử cho thấy phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ đang có vấn đề. Đó chính là tư lợi, vun vén cho bản thân, tính toán cho lợi ích cá nhân. Nhân Hội nghị Trung ương 7 lần này, song song với vấn đề bàn về nâng cao trình độ chuyên môn hay còn gọi là “tài” thì phần quan trọng còn hơn cả tài đó là giáo dục phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ.

Tức là phẩm chất đạo đức là điều quan trọng nhất, như lời Bác nói là “chí công vô tư”. Nếu không đào tạo cho đội ngũ cán bộ những điều ấy thì dù chuyên môn của họ có giỏi đến mấy cũng không thực hiện được tốt trách nhiệm mà Đảng giao cho. Đặc biệt, khi chuyên môn tốt mà phẩm chất đạo đức không được đảm bảo có khi lại dùng chuyên môn để phục vụ cho lợi ích cá nhân thì còn nguy hiểm hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh đến việc trong khi Trung ương xem xét xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong thời gian tới cần nhấn mạnh hơn nữa phẩm chất đạo đức của cán bộ trong điều kiện cơ chế thị trường. Chúng ta phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN nhưng sức hút của cơ chế thị trường, của đồng tiền dễ làm cho con người sa đọa, mắc tội, trở thành tội đồ của công cuộc xây dựng Đảng.

Trung ương cần xem xét lại để làm sao phẩm chất đạo đức của người cán bộ phải được quan tâm hơn nữa. Không chỉ trong những cán bộ cấp chiến lược, mà phải xem cả hệ thống của chúng ta để làm sao bảo đảm cho người được vào diện quy hoạch cán bộ chiến lược phải thực sự là con người công tâm, vì dân vì nước. Như Cương lĩnh và Điều lệ Đảng đã nói là những con người tuyệt đối trung thành với Đảng, chế độ, Nhà nước XHCN Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung ương lần này cũng phải làm rõ xem có chuyện mua bán chức quyền không? Vì thời gian qua chạy chức chạy quyền và mua bán chức quyền trở thành câu nói đầu lưỡi hiện nay của một số cán bộ đảng viên hiện nay.

Giám sát phản biện để giúp cho công tác cán bộ được tốt hơn. Dẫu biết vấn đề này khó từ cơ chế, nhưng theo ông làm sao phát huy được vai trò của Mặt trận hơn nữatrong vấn đề này; bởi vì cái đức của người cán bộ phải được giám sát, trong khi không gì bằng giám sát của nhân dân?

- Đúng là giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội chưa được đẩy mạnh đúng với tầm. Nhưng cũng phải nói rõ thế này: Giám sát và phản biện xã hội được đưa ra từ Đại hội X của Đảng, từ tháng 6/2006. Đảng Đoàn Mặt trận đã 3 lần có kiến nghị nhưng sau 7 năm đến ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị mới ra quyết định về Quy chế Giám sát và phản biện. Trách nhiệm của Mặt trận chỉ là một phần nhưng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nghị quyết của Đảng cũng chưa nghiêm túc dù Mặt trận đã có nhiều kiến nghị. Nói đi nhưng phải nói lại là như vậy.

Qua Hội nghị lần này Trung ương cũng kiểm điểm xem ý thức về tôn trọng quyền làm chủ của dân đã thực sự nghiêm túc chưa? Giám sát và phản biện xã hội là một biện pháp hết sức quan trọng để đảm bảo cho cán bộ đảng viên không đi chệch đường lối, đi sai và không bị vi phạm. Tuy nhiên gần Đại hội XI mới ra được quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tôi cho rằng là quá muộn, điều đó thể hiện nhận thức của Trung ương là chưa cao.

Như vậy lần này Trung ương cần đề cập, xem xét làm sao tạo cơ chế để phát huy được vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận trong thời gian tới, thưa ông?

- Thời gian tới phải đẩy mạnh vai trò giám sát của Mặt trận. Vì đẩy mạnh giám sát và phản biện của Mặt trận chính là một trong những giải pháp để đường lối sát với cuộc sống của người dân, để đường lối và chính sách đó được dân giám sát, cho nên cần quan tâm nhiều hơn nữa. Qua lần này Đảng Đoàn Mặt trận và Đảng đoàn các tổ chức thành viên phải nâng cao được trách nhiệm của mình để làm sao một mặt thực hiện tốt quy định của Bộ Chính trị, nhưng mặt khác cũng thúc đẩy các cơ quan có liên quan cùng với Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện cho tốt hơn vì đây là quyền của dân chứ không phải đi “xin xỏ”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng đội ngũ cán bộ: Tăng cường giám sát và phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO