Lãnh đạo Mỹ-Trung tìm cách xoa dịu quan hệ trong cuộc gặp đầu tiên

07/04/2017 07:35

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida trong hôm 6/4, cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong bối cảnh hai nước có nhiều vấn đề còn tồn tại.

Lãnh đạo Mỹ-Trung đã khởi động cuộc họp thượng đỉnh tại Mar-a-Lago, Florida trong hôm 6/4. (Nguồn: AFP).

Ôn Tập đến nước Mỹ lần này cùng với “món quà” được cho là về thương mại và công ăn việc làm, với hy vọng rằng sẽ xoa dịu mối quan hệ song phương vốn đã có một khởi đầu đầy chông gai kể từ sau khi Tổng thống Trump nhậm chức. Lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn có được sự đảm bảo từ chính quyền Trump về vấn đề Đài Loan, đặc biệt là về những hợp đồng mua bán vũ khí và thương mại.

Tuy nhiên, ông Trump lại đưa ra tín hiệu không rõ ràng về mục tiêu của mình trong cuộc gặp này. Không có ai - dù là giới ngoại giao hay các cố vấn của ông - có thể nói chắc về điều gì sẽ xảy ra khi lãnh đạo Trung Quốc gặp gỡ với vị Tổng thống mới chỉ nhậm chức chưa đầy 100 ngày này.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hướng tiếp cận của hai nước về vấn đề Triều Tiên và thương mại song phương, đều có nhiều bất đồng sâu sắc.

Về khía cạnh trong nước, ông Tập đang lên kế hoạch tổ chức sự kiện chính trị quan trọng vào thời điểm cuối năm, bởi vậy nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải thể hiện rằng ông có thể đối phó với lãnh đạo Mỹ đồng thời dẹp tan những hành động bất ngờ của chính quyền mới ở Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Trump - người mới phải gánh chịu một thất bại ê chề về pháp lý sau khi không thể gỡ bỏ đạo luật Obamacare - cũng đang tìm cách đạt được một chiến thắng nào đó.

Tuy nhiên, ông Trump được đánh giá là khó có cơ hội đạt được một thỏa thuận suôn sẻ với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi ông từng tuyên bố rằng Trung Quốc “đang đánh cắp” công ăn việc làm của Mỹ và họ làm “rất ít” để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Cả hai nhà lãnh đạo dù rất mong muốn đạt được một điều gì đó từ cuộc gặp gỡ này, đều tỏ ra rất quyết tâm trong việc mang lại lợi ích cho quốc gia của họ, nhưng cũng tỏ ra khá thận trọng để không bị mắc kẹt vào một cuộc đàm phán khó khăn.

Hai bên cùng có lợi

Trong danh sách những vấn đề được lên kế hoạch thảo luận thì thương mại là vấn đề được chú ý nhất. Chủ tịch Tập dự kiến sẽ mang các khoản đầu tư lớn tới nước Mỹ nhằm tạo thêm khoảng 700.000 công ăn việc làm - con số này cũng từng được cam kết bởi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong lúc có chuyến thăm Mỹ vừa qua. Ngoài ra là các đề xuất mở rộng thêm thị trường xe hơi và nông sản của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cũng có khả năng sẽ đề nghị hỗ trợ cho dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng mới của ông Trump, cùng lời đề nghị phía Mỹ tham gia vào ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc mới thành lập.

Đổi lại, phía Trung Quốc có khả năng sẽ đề nghị Mỹ trì hoãn kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan và nới lỏng hạn chế xuất khẩu đối với khu vực công nghệ sinh hoặc và xử lý nước của họ.

Được biết, quan điểm của ông Trump về Đài Loan, điều mà Trung Quốc coi là đi ngược lại chính sách “Một Trung Quốc” của họ, đã trở thành một chướng ngại lớn trong mối quan hệ giữa hai nước kể từ sau khi ông Trump nhận một cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan vào thời điểm sau khi nhậm chức.

Khác biệt về lợi ích

Về phía Mỹ, Triều Tiên chính là vấn đề hàng đồng mà họ mong muốn được thảo luận, đặc biệt trong bối cảnh nước này vừa phóng thử tên lửa tỏng hôm 5/4 - tức chỉ 48 giờ đồng hồ trước khi cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ-Trung chính thức được khởi động.

Nhà Trắng đã thể hiện rõ quan ngại rằng Bình Nhưỡng chỉ còn cách vài tháng là đạt được thành tựu lớn trong công nghệ hạt nhân và chế tạo tên lửa, đặt khu vực bờ Tây của nước Mỹ vào tầm ngắm. Điều này khiến cho Tổng thống Trump nhiều lần công khai tuyên bố rằng, Washington sẵn sàng lựa chọn biện pháp quân sự nếu cần thiết.

Trong khi Bắc Kinh lên án các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, nước này được cho là do dự trong việc trừng phạt CHDCND Triều Tiên bởi lo ngại rằng nếu quốc gia này sụp đổ sẽ gây nên một làn sóng người tị nạn dọc biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Việc đi đến một thỏa thuận Mỹ-Trung về vấn đề Triều Tiên là không hề dễ dàng, trong bối cảnh lợi ích của hai quốc gia còn nhiều khác biệt.

“Tôi không nghĩ rằng họ sẽ thảo luận về các giải pháp, lợi ích của họ không thực sự giống nhau” - ông Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nhận định.

Ông Yang Xiyu, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cũng nhất trí về luận điểm này: “Phía Trung Quốc sẽ không thay đổi quan điểm của mình dù ông Trump có nói bất cứ điều gì”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãnh đạo Mỹ-Trung tìm cách xoa dịu quan hệ trong cuộc gặp đầu tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO