Lào Cai: Nhiều cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo

PV 29/03/2021 14:00

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã nêu rõ: Trong giai đoạn 2016-2020, cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Lào Cai đã chủ động ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù. Đó là, Nghị quyết số 22-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025 và có xét đến năm 2030; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 10/7/2019 về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025; Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về quy định mức chi đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai… Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tại Lào Cai trên 3.000 tỷ đồng.

Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 5,22%/năm, đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2%, tương ứng 14.322 hộ; tỷ lệ giảm nghèo vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (Mục tiêu giảm nghèo từ 3% - 4%/năm). Hộ cận nghèo còn 16.370 hộ, chiếm 9,37%. Tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) bình quân giảm 8,6%/năm (Vượt xa mục tiêu Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là giảm 4%/năm).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc.

Làm rõ hơn về công tác chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh Lào Cai xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong mỗi giai đoạn, tỉnh Lào Cai đều phân tích, đánh giá kỹ về thực trạng, nguyên nhân nghèo, xác định “lõi” nghèo, từ đó đưa ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả tại các địa phương. Tỉnh chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững; đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu từ tỉnh đến xã đối với nhiệm vụ giảm nghèo.

Việc áp dụng chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2021-2025 sẽ khiến công tác giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, tỉnh đã chủ động xây dựng các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ cho công tác giảm nghèo.

Đánh giá về kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh cho rằng, tỉnh Lào Cai rất sáng tạo, chủ động và quan tâm sâu sắc đến công tác giảm nghèo. Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh rất ấn tượng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% - 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên. Giảm hộ cận nghèo hằng năm từ 2.000 hộ trở lên. Đến năm 2024, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai cơ bản không còn hộ nghèo. Phấn đấu trên 60% số xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

Để hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo đề ra, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Lào Cai cũng kiến nghị với Đoàn công tác Bộ LĐ-TBXH 9 nội dung liên quan đến thực tiễn triển khai công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ LĐ -TBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới, với các tiêu chí cao hơn, đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tăng lên. Giai đoạn này sẽ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Lào Cai được hưởng lợi từ các chương trình này và sẽ là nguồn lực quan trọng giúp tỉnh thực hiện công cuộc giảm nghèo.

"Với những cách làm sáng tạo, chủ động, chắc chắn tỉnh Lào Cai sẽ đạt được kết quả cao hơn, toàn diện hơn trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025", Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH khẳng định. Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Lào Cai, đó là những vấn đề xuất phát từ thực tiễn, Bộ LĐ-TBXH xem xét và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ giải quyết kịp thời.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trước đó, Đoàn công tác Bộ LĐ-TBXH đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác lao động, việc làm tại Sở LĐ-TBXH. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐ-TBXH đã báo cáo với Đoàn công tác về kết quả thực hiện công tác lao động, việc làm, tiền lương giai đoạn 2015 - 2020.

Theo đó, Sở LĐ-TBXH đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật lao động, BHXH của người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không có tranh chấp lao động và đình công xảy ra. Nhiều doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của quan hệ lao động đối với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được quan tâm, một số doanh nghiệp đã đảm bảo về thu nhập, nhà ở cho công nhân.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động. Kết quả, đã tạo việc làm tăng thêm cho 65.970 lao động, trong đó 41.560 lao động là người dân tộc thiểu số; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế; tỷ lệ thất nghiệp chung là 1,5% số người trong độ tuổi lao động, khu vực thành thị luôn duy trì dưới 2%.

Thời gian tới, Sở LĐ-TBXH tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình Hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Phấn đấu tạo việc làm tăng thêm cho 61.000 lao động, trong đó có 37.000 lao động là người dân tộc thiểu số, 27.450 lao động là nữ được tạo việc làm; 8.000 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia tạo việc làm; đưa 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 3.000 lao động qua biên giới làm việc theo hợp đồng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động; giải quyết tốt tranh chấp lao động; không để xảy ra đình công, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TBXH cũng đã kiến nghị với Đoàn công tác một số vấn đề. Trong đó, tập trung 7 nội dung chính liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm; cung cấp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm; cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động qua biên giới làm việc... đề nghị Trung ương tiếp tục ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai các chính sách giảm nghèo trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp biên giới giai đoạn 2021-2025; Sở LĐ-TBXH kiến nghị với Bộ LĐ-TBXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lào Cai: Nhiều cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO