Lao động

TRẦN HỮU THĂNG 02/11/2022 05:58

Trong một tác phẩm triết học xuất bản năm 1552, triết gia vĩ đại Rebelais đã động viên con người rất nhân bản, đậm chất thúc đẩy và khích lệ khi ông viết: “Con người sinh ra để lao động cũng như con chim sinh ra để bay”. Bài viết này đề cập đến lao động như là một kỹ năng quan trọng nhất của con người.

Tranh: ST.

Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Lao động là: 1/Hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các loại sản phẩm về vật chất và tinh thần cho xã hội. Thí dụ: Lao động chân tay. Lao động nghệ thuật. Sức lao động. 2/Việc làm lao động cụ thể, nói về mặt tạo ra sản phẩm. Thí dụ: Trả lương theo lao động. Năng suất lao động. 3/Sức người bỏ ra trong việc làm lao động cụ thể. Thí dụ: Tiết kiệm lao động. Hao phí lao động. 4/Người thực hành lao động (nói về lao động chân tay, thường trong sản xuất nông nghiệp). Thí dụ: Nhà có hai lao động chính”.

Ngoài nhiều cái lợi khác, lao động còn có cái lợi rất cụ thể là: làm cho ngày ngắn lại và đời dài ra.

Triết gia Bluerot

Nhờ có “Từ điển tiếng Việt” mà ta khẳng định được là: nếu không có lao động thì mọi sản phẩm vật chất và mọi sản phẩm tinh thần trong xã hội đều không có, nghĩa là xã hội không thể tồn tại và phát triển đến ấm no, hạnh phúc được. Vì thế hàng trăm năm nay trên khắp thế giới người ta đề cao những khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”, “Lao động là sáng tạo”. Lao động là thước đo giá trị thật của con người, thông qua những sản phẩm cụ thể mà mỗi con người có thể đóng góp cho xã hội.

Lao động dưới góc nhìn của các nhà triết học thì sao? Nói ngay là rất thú vị, rất phong phú, rất khoa học, rất thực tế và rất dễ hiểu, dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Triết gia Bluerot đã xác định: “Ngoài nhiều cái lợi khác, lao động còn có cái lợi rất cụ thể là: làm cho ngày ngắn lại và đời dài ra”. Nhiều tác giả đã khen không tiếc lời Bluerot vì câu nói này. Ai cũng biết là một ngày chỉ có 24 giờ. Có người biết tận dụng thời gian để học tập để lao động, làm cho một ngày trở nên có ích vì những kiến thức đã học hỏi thêm được, vì có sản phẩm giúp ích cho người khác, vì những niềm vui mà mình đạt được trong một ngày. Có người đã thốt lên: Chao ôi, sao ngày đi nhanh thế, ước gì một ngày có 36 giờ để có thể làm thêm được bao nhiêu việc. Họ quý trọng từng giờ, từng phút vì họ biết rằng: thời gian trôi đi chẳng bao giờ tìm lại được nữa.

Trái lại, ngược lại với những người cần cù, siêng năng, chịu khó lao động như vừa kể trên, có nhiều người ở nhiều độ tuổi do lười biếng, ăn bám, dựa vào người khác để sống thì luôn có cái ý nghĩ của một sinh vật ký sinh qua những lời than thở: Sao ngày dài thế, mãi không đến giờ ăn, mãi không đến giờ đi chơi, đi sắm sửa... Đối với những loại người này chỉ có một phép mầu “Lao động” mới có thể cải tạo được cuộc đời họ.

Trong các nhà tù người ta đã dùng phương pháp gì để cải tạo con người, để hoàn lương những kẻ tội phạm? Câu trả lời là: “Chỉ có thể nhờ vào lao động để cải tạo con người”. Hàng ngày họ dậy sớm tập thể dục, ăn sáng, sau đó phân công đi tham gia lao động sản xuất hay học một nghề cụ thể như: làm thợ mộc, thợ nề, trồng lúa, trồng hoa mầu, chăn nuôi lợn, gà, vịt ... Việc làm này đã dần dần đưa những người mắc tội lỗi, mắc sai lầm trong cuộc sống trở lại làm người bình thường, sống lương thiện như mọi người khác. Nhiều người hết hạn tù trở về đoàn tụ với gia đình, có nghề trong tay, làm ăn lương thiện, làm cho mọi người xung quanh rất ngạc nhiên và mừng thay cho họ. Như vậy, lao động còn có sức mạnh giáo dục, cải tạo con người một cách kỳ diệu và hiệu quả.

Đọc các báo chí, tài liệu quốc tế, chúng ta không khỏi khâm phục về phương pháp dạy con nên người của các chính trị gia và các tỷ phú. Đại đa số những người thành đạt sau này đều tham gia nghĩa vụ quân sự của đất nước hoặc đi lao động chân tay ở một số nông trang, nông trường, nhà máy, công xưởng trong một số năm.

Các em đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hoàn thành những năm lao động sản xuất làm ra sản phẩm cụ thể cho xã hội, sau này các em ứng cử vào các cương vị cao trong xã hội rất vững chắc, rất tài ba, ít khi phạm phải những sai lầm quá tầm thường mà chỉ có những thanh niên tầm thường ít được giáo dục nghiêm khắc của gia đình mới mắc phải. Các thống kê của các cơ quan pháp luật, các viện nghiên cứu tội phạm đã chứng minh rất rõ những nhận xét này là đúng đắn, là logic và khoa học.

Tiếp tục ca ngợi lao động, nhà triết học vĩ đại Voltaire (1694 - 1778) đã nhận xét: “Lao động giúp cho ta xa lánh ba cái hại lớn: sự chán nản, những thói xấu và sự túng quẫn”. Câu này của Voltaire đã từng được lấy làm đề thi Tú tài ở thế kỷ trước vì nó quá hay, quá đúng và quá thực tế. Trước hết, lao dộng giúp con người tránh xa sự nhàm chán trong đời sống. Tuy rằng ánh mặt trời chói sáng buổi bình minh, chim bay, gió thổi, hoa nở, trẻ em vui hát líu lo là những niềm vui có thật vẫn xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta, nhưng có một số người không cảm nhận được những niềm vui ấy bao giờ. Vì sao? Vì họ là những người: “Sinh ra đã khóc, suốt đời than phiền” như một triết gia phương Tây đã nhận xét. Vì sao họ suốt đời than phiền? Vì họ không bao giờ bằng lòng với hoàn cảnh mình đang gặp phải, không bao giờ dám vượt mọi khó khăn đang bủa vây xung quanh. Bởi vì họ lười lao động, lười suy nghĩ, không tin vào thầy, không tin vào bạn nên suốt đời bị cô lập, bị mọi người xa cách.

Phương thuốc kỳ diệu để tránh được sự chán nản trong cuộc sống chính là lao động. Nếu ta chuyên tâm học tập, chuyên tâm làm việc sẽ có kết quả, có cải thiện được cuộc sống thì sẽ đánh tan được mọi chán nản, bi quan, chán đời mà sự lười biếng mang lại.

Thói xấu mà con người hay mắc phải chính là sự lười biếng, ngại tập thể dục, ngại đi bộ, ngại học bài nhất là học toán, lý, hóa. Từ bé đã có thói xấu lười biếng sẽ báo hiệu một tuổi thanh niên không mấy tốt đẹp. Với người lười suy nghĩ thì đi học cũng kém, học nghề cũng kém vì thiếu tập trung tư tưởng nên không khéo tay, không có sáng kiến nên cứ thụt lùi mãi, thua kém bạn bè mãi đâm ra chán nản. Như một hệ quả bệnh lý: lười biếng dẫn đến chán nản dày vò con người một cách khủng khiếp.

Triết gia hàng đầu người Thụy Sĩ, ông Henri Frédéric Amiel (1821 - 1881) đã mổ xẻ mối liên hệ giữa Lao động và Đời sống bằng một tổng kết hết sức cô đọng và đầy đủ như sau: “Lao động là sự thú vị trong cuộc sống sinh tồn. Đời sống không mục đích, đời sống không cố gắng thì thật tẻ nhạt. Sự lười biếng sinh ra sự yếu đuối, sự yếu đuối sinh ra sự chán chường”. Vì thế phải dạy trẻ em biết yêu mến, biết quý trọng lao động từ nhỏ. Sau khi đã trưởng thành vẫn phải giữ thói quen lao động cho đến suốt đời.

Nhiều người lao động chân tay, nhiều người lao động trí óc sống khỏe mạnh và tiếp tục làm việc đến tận 80, 90 tuổi chính là cái khả năng lao động đã trở thành bản năng thứ hai, thành thói quen của cuộc đời họ. Những người lao động tuổi cao này là tấm gương, là thí dụ cụ thể người thật việc thật cho toàn xã hội noi theo. Các vị đó chính là các nhân vật chính trong các chuyên mục “Cây cao, bóng cả” hoặc “Gương sáng tuổi già” thường xuất hiện cùng với các tấm gương “Người tốt việc tốt” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về những kỹ năng để thực hành mọi công việc khác nhau, thực hành lao động sáng tạo ra của cải vật chất cũng cần lưu ý đến những nguyên tắc, những nguyên lý quan trọng mà ai muốn thành công cũng bắt buộc phải tuân theo.

Nhà triết học vĩ đại nhất ở Đông phương thời cổ đại là Lão Tử đã từng căn dặn: “Việc khó trong đời nên bắt đầu làm từ cái dễ trước”. Đúng thật như thế, nếu ta muốn leo lên một bậc thang cao thì bắt buộc phải leo từ bậc thang thứ nhất, muốn đi xa đến đâu cũng phải bắt đầu từ những cây số đầu tiên, muốn thành thạo nghề thợ mộc phải bắt đầu làm người thợ phụ với các công việc đơn giản nhưng rất cần sự chú ý và phải tiến bộ dần dần mới được giao việc khó hơn.

Ở phương Tây cổ đại, nhà triết học Horace (năm thứ 65 đến năm thứ 8 trước Công nguyên) cũng đã từng dạy bảo: “Một công việc được bắt đầu khởi sự đã là sự hoàn thành một nửa”. Điều này đúng hoàn toàn vì nếu cứ bàn đi bàn lại mà không bắt đầu làm thì biết thế nào là đúng là sai mà rút kinh nghiệm, mà bổ sung, mà sửa chữa. Một nhà văn trẻ, một nhà báo trẻ cứ phải viết bài ra, viết sách ra cho mọi người xem để nghe góp ý, nghe phê bình thì lần sau mới viết hay, viết đúng được chứ. Nếu không đăng báo, không xuất bản sách thì biết đằng nào mà đánh giá.

Triết gia kiêm nhà văn vĩ đại người Nga, ông Léon Tolstoï (1828 - 1910) đã khẳng định: “Một công việc thích hợp mà người ta tự do lựa chọn sẽ mang lại cho họ sự ăn ngon, ngủ yên vì đó là điều kiện chắc chắn của hạnh phúc”. Cám ơn Tolstoï đã nhắc đến sự tự nguyện, tự giác, tự do lựa chọn công việc trong lao động chính là động lực quan trọng nhất giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ trong sự thoải mái và yên ổn tâm hồn.

Để khép lại bài viết không gì hơn bằng nhắc lại lời dạy bảo của nhà từ điển học vĩ đại của mọi thời đại, ông Déni Diderot (1713 - 1784) đã động viên con người: “Lao động dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào cũng là nguồn động viên, an ủi lớn nhất cho con người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO