Lao động thời vụ phải đóng bảo hiểm: Người lao động vẫn chưa rõ

K.Lê 11/12/2018 08:00

Kể từ ngày 1/1/2018, người lao động (NLĐ) được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng vào làm việc có ký kết hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai, vẫn rất ít NLĐ biết đến quy định này.

Lao động thời vụ phải đóng bảo hiểm: Người lao động vẫn chưa rõ

Với lao động thời vụ, việc đóng BHXH vẫn chưa được quan tâm.

Chủ doanh nghiệp “ngại’ đóng, NLĐ thờ ơ

Đánh giá về chính sách bắt buộc đóng BHXH cho lao động thời vụ có hợp đồng từ đủ 1 tháng đến 3 tháng, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một chính sách nhân đạo của Nhà nước nhằm mở rộng đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội. Bởi lẽ, tại Việt Nam số người tham gia BHXH mới chỉ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động. Phần lớn trong số này là những người tham gia BHXH bắt buộc, lao động dưới 3 tháng hoặc làm việc theo thời vụ, nhưng lại không được tham gia BHXH.

Tuy nhiên tại hội thảo “Những khó khăn của nhà thầu về quy định mới trong hợp đồng lao động (chính thức và thời vụ)” do Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, chi nhánh phía Nam, tổ chức mới đây, đại diện nhiều DN cho rằng, hầu hết NLĐ thời vụ có tâm lý “ăn xổi” muốn nhận nguyên lương nên không muốn đóng BHXH. Chính vì vậy, công ty gặp không ít khó khăn khi tuyển dụng nhân lực. Bởi nếu muốn tuyển được NLĐ thì phải làm trái quy định, còn nếu làm đúng quy định thì sẽ không tuyển được lao động.

Bên cạnh tâm lý “ăn xổi” từ NLĐ thì có không ít DN lách luật bằng cách tuyển NLĐ làm việc theo hợp đồng giao khoán, hợp đồng khoán việc để trốn không đóng BHXH cho NLĐ. Tại Huế, ông Nguyễn Viết Dũng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, có nhiều DN lách luật không ký hợp đồng lao động bằng cách chuyển đổi hình thức từ hợp đồng lao động sang hình thức hợp đồng kinh tế, thuê khoán, trả thù lao vài triệu đồng/vụ việc. Qua kiểm tra, đa số các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh không chấp hành và có hành vi lách luật bằng hình thức hợp đồng khoán theo khối lượng công việc, chấm công người lao động dưới 14 ngày trong tháng.

Sửa đổi chính sách cho phù hợp

Thực tế nhiều DN tuyển lao động với số lượng lớn, nhưng chỉ rất ít trong số đó được ký hợp đồng, số còn lại đưa vào danh sách hợp đồng ngắn hạn nhằm lách luật để không phải đóng nộp bảo hiểm cho người lao động và thực hiện các nghĩa vụ liên quan. Chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm đã đành, nhưng bản thân người lao động cũng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hợp đồng lao động nên không ký hoặc nếu ký cũng không rõ ràng. Hậu quả nhãn tiền không đóng BHXH đã rõ. Đã từng xuất hiện hàng chục lao động thời vụ chủ yếu là phụ hồ, thợ xây bị một đơn vị thầu xây dựng “xù” lương khiến nhiều người gặp khó khăn.

Việc quy định đối tượng ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH được đánh giá là quy định khá nhân văn góp phần đảm bảo quyền lợi cho lao động yếu thế.

Để ngăn chặn việc trốn đóng BHXH đối với lao động thời vụ, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi và bổ sung một số nội dung về loại hình HĐLĐ trong Chương III về HĐLĐ (Bộ luật Lao động năm 2012). Đồng thời, làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán…vốn chưa được đưa vào trong luật lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua.

Điều 16 của Luật Lao động năm 2012 quy định 2 loại hình giao kết hợp đồng lao động theo văn bản hoặc lời nói. Nhưng trên thực tế đã và đang tồn tại việc giao kết còn thông qua hình thức khoán sản phẩm… Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động có thể lách luật bằng cách khoán công việc để tránh việc giao kết hợp đồng có thời gian cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động thời vụ phải đóng bảo hiểm: Người lao động vẫn chưa rõ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO