Lập lại trật tự điện mặt trời áp mái

Quang Ngọc 17/03/2021 08:00

Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là xu thế. Trong đó nguồn điện năng từ gió và mặt trời đang rất được chú ý. Với riêng điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái (còn gọi là điện mặt trời mái nhà) bùng nổ hơn 3 năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì thế Bộ Công thương đã xây dựng dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái, theo hướng giảm sâu 30%.

Trang trại cũng làm điện áp mái.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), điện mặt trời (ĐMT) mái nhà (người dân quen gọi là điện áp mái) là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải.

Giảm 30% giá, nhà đầu tư vẫn có lợi

Nói dễ hiểu thì ĐMT áp mái là tận dụng diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối, cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trước đó, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam.

Giá bán ĐMT áp mái cho EVN tương đương 8,38 UScent/kWh (theo cách tính chung 1 USD bằng 100cent, từ đó quy đổi ra tiền Việt Nam). Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31/12/2020, vì thế cần xây dựng lại quy chế giá ĐMT cho phù hợp. Nói như Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thì giá mới hạn chế tối đa các trường hợp lách quy định, trục lợi chính sách, gây quá tải, mất ổn định hệ thống điện. Cũng là để “phanh” tình trạng nhà nhà “ào ào” lắp ĐMT áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.

Đây chính là mấu chốt của vấn đề ĐMT áp mái: giá cao (8,38 cent/kWh) khiến loại hình năng lượng này “phát triển quá cỡ”. Theo đề xuất mới thì sẽ giảm 30% giá mua ĐMT áp mái, có thể sẽ áp dụng từ tháng 4 tới. Giá dự kiến sẽ xuống mức 5,2-5,8 cent/kWh. Theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thì với mức giá đã giảm 30% đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện.

“Với mức giá này, nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế rồi. Còn Nhà nước cũng có lợi vì có được giá điện hấp dẫn, là điện sạch, môi trường sạch, góp phần cung cấp điện năng cho đất nước, giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối điện” - ông Dũng nói.

Trách nhiệm của ngành điện hay chính quyền địa phương?

3 năm qua, đầu tư vào ĐMT áp mái như một làn sóng. Đặc biệt là vào các năm 2018 và 2019. Cùng với ĐMT nói chung thì ĐMT áp mái bùng nổ ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2019, với mức giá bán điện lên tới 1.900 đồng/kWh, đã xuất hiện dư luận về hình thức “núp bóng” làm ĐMT áp mái. Cũng từ cơn sốt lợi nhuận nhờ bán điện, nhiều nhà đầu tư đã thuê mái nhà/trang trại của nhiều hộ dân để đầu tư vội vàng các dự án ĐMT. Thậm chí có người làm trang trại nông nghiệp lại đi lắp ĐMT để bán điện cho EVN nhằm kiếm lời nhanh.

Và rồi, điều đó đã khiến ngành điện bối rối. Theo thống kê, trong 7 tháng năm 2020, trên toàn quốc đã lắp đặt 19.810 dự án ĐMT áp mái với tổng công suất 541,66 MWp. Lũy kế đến nay, đã có 42.187 dự án ĐMT áp mái đã đưa vào vận hành với tổng công suất là 925,8 MWp. So với con số 377,9 MWp được lắp đặt trước ngày 31/12/2019, dễ nhận thấy trong 7 tháng qua đã có sự gia tăng chóng mặt ở lĩnh vực ĐMT áp mái.

Đáng chú ý, nhiều khách hàng của EVN dùng tấm pin thay cho mái nhà nên không xác định được đó là ĐMT áp mái hay ĐMT nối lưới. Bởi nếu là ĐMT áp mái, giá bán là hơn 1.900 đồng/kWh; còn nếu là ĐMT nối lưới, giá bán chỉ hơn 1.600 đồng/kWh. Đã thế, có nhà đầu tư chỉ dựng mái bằng nhựa trên các trang trại để đủ tiêu chí “áp mái”; thậm chí lắp đặt ngay tấm pin lên các trụ cọc; có nghĩa là đầu tư sơ sài nhưng lại bán được điện giá cao.

Thực tế cho thấy, việc lắp đặt ĐMT áp mái đã không còn dừng lại ở việc “tự sản tự tiêu”, thừa mới bán cho EVN. Thay vào đó, ĐMT áp mái đã trở thành một hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trong nhiều trường hợp nảy sinh bất cập, cũng khó phân định được “ai làm thật, ai làm gian”.

Lấy ví dụ, tại tỉnh Đắk Lắk, nơi được coi là “thủ phủ” của ĐMT, cuối năm ngoái, sau một đợt kiểm tra đã phát hiện nhiều dự án ĐMT áp mái tại các trang trại trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn đều chỉ để bán điện, còn thì chưa nuôi con gì, trồng cây nào. Kể cả có không ít dự án trang trại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng đã bán điện hoặc được thỏa thuận đấu nối. Thậm chí có dự án đang xây dựng, chưa hoàn thiện vẫn được đấu nối.

Cụ thể, trong 20 trang trại (16 trồng trọt, 3 chăn nuôi và 1 hỗn hợp) gắn với dự án ĐMT áp mái tại huyện Cư Kuin, ở thời điểm kiểm tra mới có 4 dự án được xác nhận là trang trại, 1 trang trại không đủ tiêu chí, 15 trang trại còn lại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lập trang trại. Nhưng, có 14 trang trại đã được đấu nối với Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk), 6 trang trại còn lại đã thỏa thuận đấu nối.

Tương tự, tại huyện Buôn Đôn, 21/29 trang trại chưa có xác nhận trang trại, chỉ mới có chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nhưng đã có 15 dự án đấu nối với lưới điện, còn 14 trang trại đã có thỏa thuận đấu nối với PC Đắk Lắk.

Về việc này, lãnh đạo PC Đắk Lắk cho rằng, các trang trại chưa đảm bảo về thủ tục, làm trái quy định... là trách nhiệm của các địa phương. Như vậy, ngành điện ở tỉnh này đã “đặt quả bóng” vào chân lãnh đạo địa phương, còn mình thì “vô tư” hợp đồng mua điện giá cao.

Điện lực cũng là doanh nghiệp kinh doanh, vậy thì vì sao lại dễ dàng chấp nhận giá “vượt ngưỡng” như vậy, nhất là việc cho phép đấu nối vào hệ thống khi không đủ điều kiện? Đó cũng là câu hỏi cần phải được đặt ra.

Ngày 8/3/2021, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp về ĐMT. Trong đó, đáng chú ý là các Tổng Công ty điện lực, đơn vị điện lực tỉnh phải lập danh sách đối với các hệ thống ĐMT mái nhà; Xác nhận các hệ thống ĐMT mái nhà đảm bảo tuân thủ quy định về phát triển, đấu nối… Đây là động thái nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc giảm 30% giá bán ĐMT mái nhà thì nhà đầu tư vẫn có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lập lại trật tự điện mặt trời áp mái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO