Lấp lỗ hổng để chống tham nhũng

Nam Việt 27/11/2017 08:05

Một lần nữa sự quyết liệt chống tham nhũng lại được Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh tại cuộc họp diễn ra vào ngày 25-11 vừa qua. Cuộc họp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì. Cùng với việc điểm lại những gì đã làm được, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã nêu rõ phương hướng, kế hoạch cụ thể trong thời gian tới.

Về phương hướng sắp tới, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I/2018. Đó là tập trung, khẩn trương để đưa ra xét xử đúng quy định của pháp luật các vụ án: Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “tham ô tài sản”, “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác; vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank)- vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm); vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)- vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm); vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm- phần Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại và các kiến nghị của Hội đồng xét xử).

Như vậy, tiến độ xét xử các vụ án đang được đẩy nhanh. Nhìn vào những vụ án sắp được xét xử thấy rõ hầu hết thuộc về hai lĩnh vực dầu khí và ngân hàng. Đây cũng được cho là khu vực dễ xảy ra tham nhũng và trên thực tế cũng đã xảy ra những vụ tham nhũng lớn.

Công cuộc đấu tranh PCTN do Đảng ta chủ trương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho tới nay đã có bước tiến dài, thu được những thành công đáng khích lệ. Tuy nhiên, với những vụ án tham nhũng lớn thường có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều mối quan hệ chằng chịt thì cũng không dễ xử lý. Cũng chính vì thế, cho dù đã rất nỗ lực nhưng các cơ quan hữu quan cũng không thể đẩy nhanh tiến độ xét xử những vụ án này. Đó là một thực tế khách quan. Nhưng, có thể nói, trong cuộc đấu tranh này, quan trọng hơn chính là thái độ kiên quyết xử lý, xử lý đến cùng, không đánh trống bỏ dùi, không để lọt tội phạm. Thông báo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã cho thấy rõ điều đó. Những vụ án sắp tới đưa ra xét xử cho thấy cuộc đấu tranh PCTN ngày càng đi vào chiều sâu.

Tham nhũng là một quốc nạn, là giặc nội xâm. Đã có thời chúng làm mưa làm gió, gây bè kéo cánh, móc nối với nhau vì lợi ích nhóm, ra sức đục khoét công quỹ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào chế độ. Nhưng, kể từ khi cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh, nhiều vụ việc lớn được đưa ra trước vành móng ngựa, nhiều kẻ tham nhũng vốn oai vệ trong bộ máy đã phải cúi đầu nhận tội... thì niềm tin đã trở lại. Làn gió mát lành khơi dậy niềm tin, tiếp thêm dũng khí cho những người chân chính trong cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và không kém hiểm nguy này. Từ chỗ tác oai tác phúc, nay những kẻ tham nhũng đã hoảng sợ. Từ chỗ ngại ngần trong đấu tranh, tố cáo tham những thì nay cũng chính những con người ấy đã lấy lại niềm tin, tin vào Đảng trong cuộc đấu tranh này, tin vào lẽ phải và công lý.

Tuy nhiên, để cuộc chiến PCTN thành công một cách trọn vẹn, đủ đầy thì người dân rất muốn tài sản của dân, của nước bị tước đoạt phải được thu hồi. Cùng với những bản án đanh thép dành cho tội phạm tham nhũng thì việc thu hồi tài sản do chúng chiếm đoạt là hết sức cần thiết. Vì nếu không, bản án tù dù có nặng đến mấy cũng không triệt được đã tâm tham nhũng, vì khối tài sản khổng lồ của chúng vẫn thuộc về chúng một cách bất minh. Cũng cần nhắc lại câu nói khá phổ biến rằng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”- trong trường hợp này là kẻ tham nhũng chịu tù tội để người thân hưởng lợi. Và như vậy, tài sản của dân, của nước vẫn không quay về với dân, với nước.

Tới đây, câu hỏi đặt ra là: Vì sao thu hồi tài sản tham những khó đến vậy? Trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, về vấn đề này, thiếu tướng Sùng Thìn Cò- phó tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, chủ yếu là do ta chưa cương quyết. “Đã tham nhũng thì rõ ràng phải có tài sản chứ không lẽ của cải có cánh mà bay? Nó chỉ chạy vào những chỗ người thân, người quen nào đó thôi chứ chẳng đi đâu cả”- ông Cò nói. Ông cũng cho rằng việc kê khai tài sản rất cần thiết trong cuộc đấu tranh PCTN. Theo đó, kê khai là một việc nhưng quan trọng là kê khai xong thì cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm thẩm định, xác minh. Bản kê khai tài sản của cán bộ phải được xác minh ở địa phương mà cán bộ đó cư trú hay cơ quan mà cán bộ đó làm việc xem đã đúng hay chưa đúng thì mới có ý nghĩa.

Tại một hội thảo do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, ngày 21/9, với chủ đề tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật PCTN- nhiều ý kiến đã chỉ ra những “lỗ hổng” về mặt luật pháp, khiến cho công việc khó khăn. Nói như ông Võ Văn Dũng- phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương thì thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khắc phục hậu quả, trả lại những thiệt hại mà tham nhũng gây ra. Phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả sẽ tác động mạnh vào tâm lý tội phạm, ngăn chặn động cơ của tham nhũng, là một trong những thước đo hiệu quả PCTN. Nhưng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp.

Theo PGS.TS Trần Văn Độ- nguyên phó Chánh án TANDTC thì Bộ luật Hình sự của ta hiện đang “thiếu vắng” một số tội liên quan đến tham nhũng. Ông Độ cho rằng, để thu hồi tài được sản tham nhũng thì cần bổ sung một số tội: Làm giàu bất chính, nhận quà biếu có giá trị lớn, kê khai tài sản thiếu trung thực. Tương tự, ông Nguyễn Đình Quyền- viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, thu hồi tài sản tham nhũng là điểm yếu nhất trong PCTN. Ông Quyền cho rằng với tội phạm tham nhũng thì hình phạt đầu tiên với người đó phải là tịch thu tài sản.

Hy vọng tới đây, khi những vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thì người dân không chỉ còn được biết tội lỗi của chúng, mà còn phấn khởi hơn khi những số tiền ngàn tỉ từng bị chiếm đoạt sẽ trở về với nước, với dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấp lỗ hổng để chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO