Lấp lỗ hổng kiến thức mùa dịch

Nguyên Hương 08/03/2020 08:00

Kỳ nghỉ kéo dài bởi dịch Covid-19 có thể khiến kiến thức của học sinh rơi rụng nhiều nếu không có phương án bổ sung kịp thời. Trong khi người thành phố với đầy đủ những công cụ hỗ trợ nhờ công nghệ 4.0 thì ở những vùng sâu, vùng xa, việc củng cố kiến thức cho các em vẫn chỉ trông vào bàn tay, đôi chân và sự hết lòng của các thầy cô giáo.

Lấp lỗ hổng kiến thức mùa dịch

Các thầy cô giáo Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chuẩn bị bài giảng trực tuyến cho học sinh.

Công nghệ 4.0 học sinh vẫn thờ ơ

Trong thời gian học sinh nghỉ học, hầu hết hệ thống các trường học trên cả nước đã và đang tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh bằng những công cụ hỗ trợ từ Internet. Theo đó, ngay từ tháng 2, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn tiến hành giao và chữa bài trực tuyến đối với các môn Toán, Văn, Tiếng Anh theo từng khối. Việc này nhằm giúp học sinh không quên kiến thức, sẵn sàng trở lại với nhiệm vụ học tập khi có thông báo trở lại trường.

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho biết: “Việc ghi hình giải đáp bài tập trước đây một số giáo viên đã tự làm rải rác với nhóm kín của lớp. Nhưng trong mùa Covid-19 này, phụ huynh và học sinh tải phiếu bài tập các môn Toán, Văn, Anh các khối lớp 6,7,8,9 tại website của trường để làm. Sau đó nhà trường tổ chức ghi hình phần chữa và thông báo chi tiết thời gian chữa bài để học sinh theo dõi”. Học sinh được giao 3 ngày hoàn thành 1 phiếu. Nhà trường thống nhất phiếu bài tập các môn Toán, Văn, Anh được phát theo khối lớp. Cứ 3 ngày trường lại tổ chức ghi hình 12 video hướng dẫn, chữa bài cho các khối 6,7,8,9. “Như vậy, học sinh có thời gian làm bài mà giáo viên cũng đủ thời gian để chuẩn bị ghi hình”- ông Cường nói.

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội), cho hay khi học sinh nghỉ học, nhà trường cũng đã chỉ đạo giáo viên giao bài tập về nhà các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh cho học sinh qua phần mềm VioEdu. Qua đây, giáo viên cũng có thể kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh.

“Trong thời gian này, nhà trường cũng triển khai hình thức học tập trực tuyến VNPT E-learning tới toàn bộ cán bộ giáo viên. Hình thức này cũng rất thuận lợi khi giáo viên có thể tổ chức được các lớp học online. Học sinh có thể sử dụng nhiều loại thiết bị học tập như Ipad hay máy vi tính để có thể truy cập vào bài giảng của giáo viên. Giáo viên cũng có thể đưa những bài giảng giải đáp những thắc mắc”- bà Hạnh nói.

Dù có đầy đủ công cụ hỗ trợ cho việc dạy và học nhưng không hẳn học sinh nào cũng hào hứng với hình thức học tập mới mẻ này. Chị Huyền - một phụ huynh có con học tại trường THCS Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, khi nào chị nhắc thì con vào mạng gọi là đánh trống điểm danh cho xong, bởi các con chưa ý thức việc học là để hệ thống lại kiến thức cho chính mình, các con đã quen với việc học tập trung ở trên lớp, có cô giao bài, cô kiểm tra cho nên để đòi hỏi sự tự giác của con trẻ là rất khó. Trong khi đó, học trực tuyến vẫn kiểu dạy giống các con học tập trên lớp truyền thống hiện nay mà thiếu đi những bài giảng lôi cuốn rất khó thu hút được học sinh. Nhìn chung, việc tổ chức dạy và học trên mạng chỉ mang tính minh họa, chứ chưa giúp được gì nhiều trong việc bổ sung, hệ thống kiến thức cho học sinh.

Vùng cao, vẫn “cõng” chữ lên non

Trong khi ở những nơi có điều kiện triển khai học trực tuyến, học sinh không mấy mặn mà với học qua mạng thì ngược lại ở những vùng không có Internet, ngày ngày các cô giáo vẫn “cõng” chữ lên non cho học sinh trong mùa dịch Covid-19 này. Cụ thể, để các em không quên bài, duy trì việc học tập liên tục, các thầy cô giáo các trường mầm non, tiểu học, THCS ở Yên Bái tại các khu vực vùng cao, miền núi đã đến tận nhà giao bài tập và hướng dẫn học sinh học tập.

Do phụ huynh và học sinh vùng cao sử dụng mạng Internet và các loại điện thoại thông minh còn hạn chế nên thầy cô giáo ở Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu không thể chuyển bài tập cho các em học sinh thông qua email, facebook, zalo như những đơn vị trường học ở vùng thấp. Do đó, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, cán bộ giáo viên biên soạn nội dung bài tập để chuyển tận nhà các em học sinh. Các bài tập này đảm bảo đúng chương trình giảng dạy, dễ hiểu, phù hợp với năng lực của từng học sinh.

“Nhà trường tiến hành cho các thầy cô giáo đến tận nhà để hướng dẫn các em học, giao bài cho các em và cũng lên kế hoạch để kiểm tra, giám sát quá trình học tập của các em. Bên cạnh đó, nhà trường làm việc với xã để nhờ các cán bộ thôn bản, đoàn thanh niên mang các bài tập về tại thôn bản để các em làm”- thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết.

Thầy cô giáo các nhà trường trên địa bàn huyện Trạm Tấu cũng tích cực cùng với các đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng chống dịch tại gia đình, đồng thời giành thời gian chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập tại nhà trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh.

“Các con nghỉ học ở nhà mãi, gia đình cũng lo lắng nhưng thấy các thầy cô giáo đến tận nhà hướng dẫn các cháu, hướng dẫn cha mẹ học sinh cách phòng chống dịch bệnh nên chúng tôi cũng rất yên tâm. Mong sớm hết dịch bệnh để con em được đến trường”, một số phụ huynh được thầy cô đến tận nhà hướng dẫn các con ôn luyện kiến thức chia sẻ.

Tương tự, tại một tỉnh miền núi như Kon Tum, do không đủ điều kiện để dạy và học trực tuyến tỉnh này cũng đã tìm ra các giải pháp để tránh rơi rụng kiến thức của học sinh. Ông Nguyễn Phúc Phận- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cho biết, tỉnh có tới 50% là học sinh các dân tộc thiểu số, sở giao các trường vùng sâu tự biên soạn tài liệu ôn bài rồi in, photocoppy, phân công giáo viên đem tới từng thôn, gọi học sinh tới nhận về nhà làm.

Ngành GDĐT tỉnh Lâm Đồng không chủ trương triển khai việc học online trong thời gian học sinh nghỉ phòng dịch. Ông Huỳnh Quang Long- Phó giám đốc Sở GDĐT giải thích do “không đủ sức”. Do vậy, cũng chỉ bằng hình thức soạn một số bài vở, kiến thức trọng tâm, photo và gửi đến tận nhà cho học sinh để con trẻ có thể tự ôn luyện tại nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấp lỗ hổng kiến thức mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO