Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Hoài Vũ 20/04/2017 08:05

Chiều 18/4, khi trả lời chất vấn trước các ĐBQH trong phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông điệp được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đưa ra là phát huy vai trò của báo chí chính thống bằng việc lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, chủ động nhanh chóng kịp thời cung cấp thông tin một cách chính xác để đẩy lùi những thông tin sai trái, độc hại.

Trong bộn bề thông tin, sự thận trọng là rất cần thiết (Ảnh minh họa).

Sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin là một minh chứng vượt bậc đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Điều đó cũng khẳng định cho thế giới thấy về sự dân chủ văn minh mà Việt Nam đã xác định trong con đường phát triển của mình đi lên CNXH.

Hiện nước ta, có 45 triệu người có tài khoản facebook, còn youtube thì nước ta là 1 trong 10 nước có lượng người xem lớn nhất. Không những không hạn chế mà nước ta còn khuyến khích để phục vụ hoạt động cho người dân và sự phát triển của đất nước.

Nhưng mặt trái của nó đem lại cũng không hề nhỏ. Như đã thành quy luật, cứ vào dịp đất nước tổ chức đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là những thông tin xấu độc lại được các thế lực thù địch tung ra nhằm đả kích chế độ, nói không đúng sự thật về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gây chia rẽ nội bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khi chưa có internet, những thông tin xấu độc thường được in ấn từ nước ngoài, chuyển vào Việt Nam. Còn hiện nay trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin những tài liệu xấu, độc hại được tán phát trên internet một cách công khai. Những thông tin xấu độc nói trên thường xuyên xuất hiện trên các mạng xã hội, trên blog cá nhân...

Nguy hiểm hơn là từ những thông tin này, người dân lại rỉ tai nhau, rồi lan truyền dẫn đến nghi ngờ, làm mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ. Hàng loạt trang web, blog sử dụng tên miền trùng với tên của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam xuất hiện trên mạng internet.

Bên cạnh đó, trang web trên còn liên kết đến các trang thông tin dạng blog trên các mạng xã hội nổi tiếng. Trên facebook cũng có rất nhiều fanpage mang tên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tư lệnh ngành trong đó trang fanpage có nhiều lượt theo dõi nhất lên đến hơn 760.000 người. Hệ thống trang fanpage này có link đến một website cùng tên, domain của website có địa chỉ đăng ký từ Mỹ.

Trong năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cương quyết xử lý ông Nguyễn Liên từng là phóng viên Tạp chí Nâm Nung - Đăk Lăk do đưa thông tin sai sự thật về việc giáo viên tỉnh Hà Tĩnh được điều đi tiếp khách; hay xử phạt vi phạm hành chính việc đối tượng Nguyễn Duy Khương tung tin bịa đặt về việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn xe về thăm quê.

Nhưng để dẹp thông tin xấu, bôi nhọ, độc hại không hề đơn giản khi các thông tin được đẩy lên mạng bằng máy chủ đặt tại nước ngoài, xuyên quốc gia. Do đó việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ mạng nước ngoài là vấn đề đã được đặt ra nhiều năm, thậm chí nhiều khóa qua các kỳ đại hội. Thông thường là chỉ gỡ bỏ được 1 video clip trong một lần yêu cầu. Và làm như thế không thể nào xử lý được “gốc rễ”. Điều đó đòi hỏi một sự đột phá mạnh mẽ.

Trả lời chất vấn trước các ĐBQH trong phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã chỉ ra một điểm đột phá về các giải pháp về pháp lý, truyền thông và kỹ thuật để giải quyết vấn nạn thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội.

Đó là Bộ đã ban hành Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và bước đầu có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin theo quy định pháp luật Việt Nam.

“Riêng trong thời gian vừa qua chúng tôi đã phát hiện hơn 2.200 clip và đến nay Bộ đã gửi yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 1.200 clip có nội dung độc mà chủ yếu nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát trên kênh youtube. Và đến ngày 12/4/2017, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.299 video clip có nội dung xấu, độc theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, và trong đó có việc phối hợp xử lý hẳn kênh hoạt động có 517 clip như vậy.

Không chỉ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên youtube, gần đây nhất, trong buổi làm việc ngày 4/4/2017, Bộ đã tiếp tục làm việc và yêu cầu Google để đồng ý thiết lập cơ chế ngăn chặn, gỡ bỏ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của Google như các blog hay các trang web sử dụng hạ tầng của Google”-Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhắc đến sự đột phá trong sự cương quyết đấu tranh với các thông tin sai trái độc hại.

Nhưng đó cũng chỉ là những biện pháp về mặt kỹ thuật, cũng là vì vậy người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông đã nhắc đến để đối phó có hiệu quả với tin xấu trên mạng xã hội thì cần thiết phải có tính chính xác của các phương tiện thông tin đại chúng chính thống trên mạng.

Khi thông tin báo chí chính thống không đầy đủ hoặc là chậm thì người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội. Và phải thừa nhận là số đông vẫn tin vào báo chí chính thống, bằng chứng là lượng người đọc trên báo điện tử vẫn nổi trội, vẫn áp đảo.

Chính vì vậy việc quy hoạch báo chí, làm trong sạch đội ngũ những người làm báo, chấn chỉnh những tiêu cực, đảm bảo sự minh bạch trong tiếp cận thông tin, để “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” là giải pháp căn bản nhất để chúng ta áp đảo những thông tin xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội. Còn đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.

Minh bạch thông tin, công khai công tin, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí chính thống được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề cập đến chính là cách để đẩy lùi thông tin xấu khi mọi thông tin được công khai tới toàn bộ người dân.

Gần đây, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã mở website tiếp nhận mọi phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, kể cả tình trạng vòi vĩnh phong bì.

Website với tên miền Doanhnghiep.Chinhphu.vn. Hay như Chính phủ tiếp nhận kiến nghị của người dân thông qua Website: Nguoidan.Chinhphu.vn để mọi kiến nghị, bức xúc của người dân đều có thể chuyển trực tiếp đến Chính phủ chỉ bằng cú click chuột.

Hay như định kỳ 1 tháng/1 lần Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí, rồi theo quy chế, định kỳ các Bộ đều phải tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí.

Thế nhưng để ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin xấu độc trên internet, cũng cần trang bị cho người dân các kiến thức cần thiết để có thể tự “sàng lọc”, nắm bắt thông tin đúng, chính thống, chính xác, đáng tin cậy, loại bỏ những thông tin lệch lạc gây nhiễu loạn, tác động xấu cho xã hội.

Như vậy mới có sức đề kháng, miễn dịch tốt, ngăn chặn, đẩy lùi sự tiến công của các “vi-rút độc hại” trên mạng, khi hiện nay trên 70% dân số Việt Nam truy cập, sử dung internet thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO