Lấy lại niềm tin người tiêu dùng

DUY KHANG 11/12/2022 07:11

Thực phẩm "bẩn” đang trở thành nỗi ám ảnh với người tiêu dùng khi mà gần đây số vụ ngộ độc thực phẩm gia tăng. Mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc, nhưng vấn nạn này vẫn tiếp diễn, gây bất an cho người tiêu dùng. Vì vậy việc xây dựng niềm tin đang là vấn đề cấp thiết đặt ra với ngành chức năng và các doanh nghiệp.

Xây dựng niềm tin người tiêu dùng bằng việc đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Lo ngại thực phẩm bẩn

Siêu thị là nơi được người tiêu dùng hết sức tin tưởng vì thường ở đó, các sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm có đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, nói một cách khác, độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao. Thế nhưng, sự việc rau bẩn tuồn vào siêu thị hồi tháng 9 vừa qua đã khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin vào kênh phân phối được coi là “chất lượng cao” này. Vụ ngộ độc tập thể tại trường iSCHOOL Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 17/11 mới đây tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo về thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hà (phố Trần Duy Hưng, Q. Cầu Giấy, Hà Nội), lo ngại tình trạng rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ cũng như các loại hoá chất kích thích tăng trưởng khác, nên từ nhiều năm nay bà hạn chế mua tại chợ cóc, chợ dân sinh mà thường vào mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm cho gia đình. “Thời gian qua, tôi rất yên tâm khi sử dụng hàng hóa trong hệ thống siêu thị bởi vẫn tin là, hàng thực phẩm tại đây đã qua nhiều khâu kiểm duyệt chất lượng, độ an toàn cũng như nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng vụ rau bẩn tuồn vào siêu thị vừa qua thực sự gây bất an” – bà Hà nói. Không chỉ bất an vì giá sản phẩm rau bẩn vào siêu thị bán với giá cao mà điều quan trọng là vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cũng chung tâm trạng lo lắng như bà Hà, chị Trần Thùy Dung (phố Lê Văn Lương, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tâm tư: “Siêu thị là kênh mua sắm tin tưởng của nhiều người, hàng hóa thường được kiểm duyệt rất kỹ trước khi đến tay người tiêu dùng. Vậy nên, việc đưa hàng hóa nhập nhèm, không rõ nguồn gốc vào siêu thị khiến cho người dân chúng tôi rất hoang mang. Mong là, tình trạng này khi đã được phanh phui thì rất cần xử lý thật nghiêm”.

Tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập, đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, cho thấy một số mẫu rau, củ, thủy sản, thịt... có chứa chất cấm, kháng sinh, kim loại nặng... Theo đó, Ban quản lý an toàn thực phẩm và cơ sở sản xuất - kinh doanh đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra và đã ghi nhận vẫn còn một số mẫu sản phẩm chứa tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng. Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản.

Qua kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối ở TPHCM, cơ quan này phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng (hoạt chất carbendazim) với tỷ lệ khá cao.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nhiều hoạt chất, có nhiều mẫu vượt mức giới hạn cho phép... Những dữ liệu nói trên cho thấy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa hết nhức nhối, đã và đang gây bất an, hoang mang cho người tiêu dùng.

Đẩy mạnh hệ thống phân phối thực phẩm an toàn

Nêu lên vấn đề thực phẩm bẩn gây nhức nhối xã hội hiện nay, Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho biết, hầu như hàng năm đều có các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng bị phát hiện, gây hoang mang dư luận, chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Theo bà Trinh, những loại thực phẩm này có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng nhưng sau thời gian dài sử dụng, thực phẩm kém chất lượng chính là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN)thực phẩm cũng đã nỗ lực phát triển các chuỗi sản xuất an toàn, thúc đẩy thị trường thực phẩm sạch. Tuy nhiên, trên thực tế, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc nhân rộng các mô hình này vẫn đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư còn thiếu và yếu.

Mặt khác, các mối liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị về nông sản thực phẩm an toàn hiện nay còn đang rất lỏng lẻo và khó khăn. Để hình thành và kết nối được chuỗi sản xuất - phân phối cùng những dịch vụ hỗ trợ tài chính, logistics, chứng nhận chất lượng, kiểm tra kiểm soát thị trường tại nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn nhất định.

“Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn hạn chế nên chưa đủ đáp ứng cho việc xây dựng chuỗi phân phối thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, những yếu tố chủ quan khác như trình độ quản lý nhà nước hay kiến thức của khối cộng đồng DN, cộng đồng hộ sản xuất kinh doanh nơi này nơi kia vẫn còn hạn chế sẽ rất khó tạo dựng chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn đồng bộ” - bà Nga cho biết.

Chia sẻ của những DN đã bước đầu thành công trong cung ứng và phân phối thực phẩm an toàn cho thấy, khó khăn vướng mắc nhất vẫn là ở việc làm cách nào để các chuỗi cung ứng phát triển, gắn liền với vùng, khu vực người tiêu dùng sinh sống, từ đó mới tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng có cơ hội được lựa chọn sản phẩm an toàn, ưng ý. Nói như ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Masan MaetLife, với những DN đã sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn, mong mỏi của họ là làm sao để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm đó.

Ông Trung cho rằng, việc phát triển hệ thống phân phối là vô cùng quan trọng, chuỗi phát triển ngoài việc đầu tư của DN vẫn cần nhất là nhận thức của người tiêu dùng. “Để tạo sự thuận lợi hơn cho người tiêu dùng có cơ hội được lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn, chiến lược của DN sẽ mở rộng độ bao phủ khắp các tỉnh, thành với mục tiêu đến năm 2026 sẽ có hơn 10.000 điểm bán. Với mục tiêu và sự tiếp cận rộng khắp đến từng xã, thị trấn, DN tin tưởng sản phẩm an toàn trong chuỗi phân phối sẽ có tốc độ tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng” - ông Trung nói.

Để có thể phát triển mạnh hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, DN cần chủ động hơn nữa trong việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, hiến kế những điều kiện kinh doanh phù hợp, cơ sở để xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn để đóng góp vào phát triển kinh tế. Thực tế này cũng là dịp để các bộ, ngành ban hành những cơ chế chính sách phù hợp, cập nhật cho phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đối với từng giai đoạn phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấy lại niềm tin người tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO