Lễ cúng vía trâu của người Thái Sơn La

T.Linh 27/03/2021 09:00

Ở Sơn La, người Thái có dân số đông nhất, chiếm hơn 50% dân số của tỉnh. Đây cũng là dân tộc mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, còn lưu giữ và phát triển đến ngày nay. Trong đó, có Lễ cúng vía trâu.

Trâu là vật nuôi rất quan trọng trong đời sống người dân tộc Thái.

Ngày xưa, đồng bào Thái ở miền núi Tây Bắc thả trâu vào nơi quy định gọi “púng quai”, tức bãi chuyên thả trâu, để không phá hoại mùa màng của con người, đến vụ mới tìm trâu về để cày bừa ruộng nương. Họ quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là vật nuôi rất quan trọng trong đời sống và là cả một tài sản có giá trị lớn của gia đình. Trâu thay sức người trong công việc ruộng nương, kéo gỗ dựng nhà, giúp sức cho người nông dân cày ruộng làm ra thóc lúa... Nhưng có những lúc do sức ép của mùa vụ, của cuộc sống, người đối xử với trâu không được tốt như đánh, mắng trâu. Vì sợ hồn vía của trâu giận, bỏ đi mất nên khi xong mùa cấy, họ sắm mâm lễ để cúng vía, cầu cho trâu khỏe mạnh.

Trước đây, do phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên người Thái chỉ làm một vụ mùa, họ thường cấy vào tháng 5, thu hoạch vào tháng 10 để tránh giá rét và một số chân ruộng phải chờ nước mưa. Vì vậy, lễ cúng vía trâu thường được tổ chức vào tháng 5, sau khi cấy xong. Hiện nay, ở Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) vẫn tổ chức lễ cúng vào tháng 5, còn lại các vùng cấy lúa 2 vụ thì tổ chức sau khi cấy xong vụ mùa, vào tháng 7 âm lịch.

Khi kết thúc việc cấy lúa, cả bản họp mặt bàn bạc thống nhất việc tổ chức lễ. Thầy cúng có nhiệm vụ xem ngày lành tháng tốt để chuẩn bị làm lễ. Lễ cúng thường diễn ra trong 1 ngày rưỡi và thường được làm tại nơi thả trâu của gia đình.

Tục cúng vía trâu không cầu kỳ. Mâm lễ chuẩn bị cúng vía trâu thường là 1 con gà luộc, 2 bát nước luộc gà, 1 đĩa trầu và vỏ chay, 8 chén rượu, 8 đôi đũa, 2 ép xôi, 1 chai rượu. Đặt mâm lễ trước bàn thờ tổ tiên của gia đình, thầy cúng thứ nhất khấn mời ông bà tổ tiên về thụ lễ của gia đình và xin phép được làm lễ cúng vía cho trâu, phù hộ cho trâu không bị bệnh tật, không bị hổ, sói ăn thịt...

Cúng xong mâm lễ thứ nhất, gia đình chuẩn bị 1 mâm lễ thứ hai đặt tại chỗ nhốt trâu của gia đình, lễ vật gồm có 1 con gà luộc, 2 bát nước luộc gà, 1 đĩa trầu và vỏ chay, 8 chén rượu, 8 đôi đũa, 2 ép xôi, 1 chai rượu, cây lau, rọ đựng lông gà. Thầy cúng thứ hai khấn xin thổ địa về thụ lễ; báo cáo mùa vụ đã làm xong, lúa cấy đã bắt đầu bén rễ, lên xanh, xin phép được cúng vía cho trâu, để trâu được khỏe mạnh, không bị hổ ăn thịt, thấy vực đừng đi, thấy hang đừng vào, không bị con vắt chui vào mũi, lúc đi lành lặn, lúc về lành lặn…

Sau đó, thầy cúng cúng vía cho trâu. Thầy treo lên sừng mỗi con trâu một cái giỏ đựng lông gà và khấn cúng vía cho trâu. Thầy nói rằng, trong mùa vụ đã chót đánh mắng trâu, giờ cúng vía mong trâu khỏe mạnh, cày cấy tốt, không bị ốm đau, không bị hổ, báo bắt đi. Cúng xong, thầy cúng mời trâu ăn cỏ lau, mời trâu miếng cơm nếp, uống một chén rượu để tỏ lòng biết ơn con trâu đã cùng với nhà nông làm mùa vụ vất vả.

Lễ cúng vía trâu của người Thái tỉnh Sơn La mang đậm dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi thế, dù xã hội ngày một phát triển, nhiều nơi đã cơ giới hóa trong sản xuất thay sức người, sức trâu; nhưng con trâu vẫn là con vật góp phần mang lại giá trị kinh tế lớn cho nhiều gia đình. Vì thế, tục cúng vía trâu vẫn được duy trì ở nhiều nơi đồng bào Thái sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ cúng vía trâu của người Thái Sơn La

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO