Lê Đại Cang và cây đòn khiêng võng gia bảo

Từ Khôi 08/01/2018 09:45

Dù không xuất thân khoa bảng, nhưng bằng tài trí của mình, Lê Đại Cang (1771 - 1847) đã trở thành một vị đại quan triều Nguyễn. Văn võ toàn tài, Lê Đại Cang làm quan nhiều nơi, nhiều vùng và ở đâu cũng lập nhiều đại công. Tuy vậy, cuộc đời làm quan của ông hết sức gập ghềnh. Khi làm quan to, lúc lại bị cách tuột làm lính khiêng võng, thậm chí còn bị án trảm giam hậu.

Lê Đại Cang và cây đòn khiêng võng gia bảo

Lăng mộ quan Lê Đại Cang.

Được tiến cử làm quan

Lê Đại Cang (có sách chép âm đọc là Cương) được chính sử triều Nguyễn - Đại Nam thực lục ghi chép nhiều trong 6 tập. Tổ tiên ông gốc ở Nghệ An. Thủy tổ là Lê Công Triều, một người từng làm quan hiển hách ở triều Lê. Chú ruột ông là Lê Công Miễn (1739-1800) là thầy học của hai vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) và Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) nhà Tây Sơn, làm quan đến Thượng thư Bộ Hình triều Cảnh Thịnh.

Lê Đại Cang tự là Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong. Ông quê làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông làm quan triều Nguyễn trải qua ba triều vua đầu: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Trong 40 năm làm quan, từ năm 1802 tới năm 1842, từ chức tri huyện tới chức quyền Tổng trấn, Tổng đốc, Thượng thư, Tham tán đại thần…

Khi lên 5 tuổi, Lê Đại Cang được cha mẹ đưa ra kinh đô Phú Xuân gặp người thân. Giữa khi đó xảy ra cuộc chiến Đàng Trong (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (chúa Trịnh) khiến gia đình phải ở lại Huế. Hơn 10 năm ở lại Huế trước khi trở lại quê hương, ông được cha rèn cặp kinh sách Nho giáo. Khi trở về Luật Chánh, ông theo học thầy Nguyễn Tử Nghiễm, thời Tây Sơn làm quan Thị giảng, cha của Nguyễn Tử Diệu, Thượng thư bộ Hình của triều Nguyễn. Sau đó theo học thầy Đặng Đức Siêu, sau làm Thượng thư bộ Lễ của triều Nguyễn.

Trong năm 1792, cha mẹ ông bị bệnh rồi nối nhau qua đời. Lê Đại Cang bèn vừa tự học vừa dạy học để mưu sinh. Bấy giờ người dân xung quanh đã khen ông là văn võ song toàn.

Khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi và đặt niên hiệu Gia Long (1802), Lê Đại Cang (khi đó 31 tuổi) được Hữu quân Bình Tây tướng quân Quận công Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Thượng thư Tham tri Nguyễn Hoài Quỳnh tiến cử. Ông được bổ chức Tri huyện Tuy Viễn. Trong “Lê thị gia phả” ông viết: “8 năm làm tri huyện Tuy Viễn, tôi vẫn áo vải quần thô”. Đã làm quan thanh liêm, ông lại bị vu là tham tang, bị cách chức. May nhờ hậu quân Lê Chất minh oan ông mới được phục chức.

Vị quan đê điều, trị thủy

Năm 1811, Lê Đại Cang được điều ra Bắc Thành làm Binh bộ thiêm sự, lo việc từ chương. Đến thời Minh Mệnh được sung chức Biện lý bang giao sứ sự ở công quán Gia Quất lo việc đón tiếp sứ nhà Thanh. Việc bang giao tốt đẹp, ông được thăng chức Hiệp trấn Sơn Tây. Đang từ Bắc, ông lại được điều ngay vào làm Cai bạ Quảng Nam để phụ trách huy động hơn 3000 người khơi đào sông Vĩnh Điện dài 1630 trượng. Đây là công trình thủy lợi quan trọng ở Quảng Nam. Công trình thành công, ông được vua ban thưởng.

Chưa đầy năm sau, Lê Đại Cang lại được điều vào tận cực Nam đất nước là Cai Bạ Vĩnh Thanh. Lúc đó, sông đào Vĩnh Điện ở Quảng Nam bị sụt lở. Vua truy tội, ông liền bị cách chức nhưng cho cách lưu. Đây là lần cách lưu đầu tiên trong lịch sử. Lúc này, ông phải làm lính khiêng võng.

Nhưng liền sau đó, ông được triệu về kinh và thăng chức Thị lang bộ Hình (tương đương Thứ trưởng). Sau đó ông được vua Minh Mạng cử làm khâm sai ra Bắc thành xem xét xử các vụ án hình tồn đọng. Chỉ một thời gian ngắn, ông hoàn thành nhiệm vụ, trở về kinh, được vua ban khen.

Cũng chỉ hai năm sau, năm 1828, Lê Đại Cang được điều sang phụ trách quản lý Nha đê chính Bắc thành. Trước khi Lê Đại Cang lên đường ra Bắc, vua Minh Mạng dụ rằng: “Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc Thành, ngươi đến nơi là làm xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì công ấy chẳng nhỏ đâu”.

Vừa ra Bắc được hai tháng, ông đã có ngay kế sách. Ông trực tiếp chỉ đạo khởi công đắp hệ thống đê công mới ở Bắc thành với công trình lớn có 18 sở, công trình nhỏ hơn 1000 sở. Tuy nhiên, vì việc sơ xảy để đê ở Đa Hòa, Kim Quan vỡ nên ông bị giáng chức xuống 3 cấp. Nhưng ông nhanh chóng khắc phục nên được phục chức. Cũng chính trong thời gian này, ông biên soạn cuốn sách thống kê hết sức công phu, cụ thể về hệ thống đê công tư ở Bắc thành. Đại Nam thực lục viết: “Đê chính thần Lê Đại Cương dâng sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành: Đê điều các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức thuộc hạt thành, đoạn nào đắp tự năm nào, đời nào, đoạn nào ở địa phận xã thôn nào, cùng dạng thức cao rộng bao nhiêu, sổ sách không rõ, từ trước đến nay người lãnh chức Đê chính phàm có sửa đắp, chỉ cứ theo sở tại khai báo mà giao làm, đến khi làm xong, cũng chỉ tới chỗ đê mới mà khám biện thôi.

Từ khi Lê Đại Cương chuyên coi việc đê mới đi khắp xem xét. Những chỗ đê gần sát bờ sông, thân đê sụt nứt, chiếu lệ đại công trình mà đắp đê mới, tất cả 18 sở, ngoài ra các đê mới cũ đắp từ đời trước và từ năm Gia Long thứ 2 trở lại, nhiều lần sửa đắp, phàm chỗ thế nước chảy xói nên quý làm đê công, thì theo lệ tiểu công trình mà sửa đắp, chỗ nào thế nước tầm thường nên làm đê tư thì cho dân coi giữ, chỗ nào nên bỏ thì san đi. Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để phòng xem đến”.

Nhân cách quốc sĩ

Giỏi tính toán, lại giỏi cả từ chương nên tháng 9 năm 1831, Lê Đại Cang được cử làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Hà Nội. Trong số hơn 20 người đỗ cử nhân ở trường thi này có Cao Bá Quát. Tháng 10, ông được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc thành và thăng làm thự Binh bộ Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử. Được vua giao lo phụ trách việc chia lại các hạt Bắc thành, sau khi hoàn thành nhiệm vụ lãnh chức Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên (ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) kiêm Tuần phủ Sơn Tây, nổi tiếng là chính sự giỏi. Giữa khi đó, ông bị dân hạt Sơn Tây vu tội tham nhũng. Vua cho tra xét thấy không phải nên tiếp tục cho ông kiêm lĩnh Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình.

Từ Bắc, ông lại được điều vào làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên, kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. Lúc này, An Giang là tỉnh mới đặt. Vua muốn Lê Đại Cang phủ dụ nước Chân Lạp (Campuchia) và khống chế nước Xiêm (Thái Lan). Nhiệm vụ nặng nề nhưng ông đã hoàn thành. Ông còn chủ trì xây thành mới An Giang, chấn chỉnh quân đội, huấn luyện binh sĩ. Đồng thời chủ trì khai mở đường thủy từ sông Tiền Giang ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc dài hơn 3000 trượng. Chiêu mộ được 10 đội quân Phiên (Chân Lạp) xin đặt tên được vua đặt tên là cơ An Biên.

Tuy nhiên, khi Lê Văn Khôi làm phản, ông lại để mất thành Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Ông tự làm sớ xin chịu tội. Vua cách chức nhưng cho ông làm “đới lãnh binh dũng quân tiền hiệu lực”. Ông bèn tập hợp tàn quân, tuyển thêm binh lính người Việt, người Miên trên 2000 người phối hợp với viện binh triều đình phản công Lê Văn Khôi và quân Xiêm giành lại đất đai đã mất. Và ông lại được thăng chức vùn vụt: Binh bộ Viên ngoại lang, kiêm Phó lãnh binh, rồi Án sát sứ, Bố chính sứ kiêm Lãnh binh và thự lý Tuần phủ An Giang. Rồi ông lại đánh dẹp được quân Xiêm khi tấn công Chân Lạp, nên được thăng Tham tri bộ Binh, Tuần phủ An Giang, được lưu lại Nam Vang lo việc bảo hộ Cao Miên cùng Trương Minh Giảng. Lúc này, ông đã 65 tuổi nhưng xin về hưu mà vua không cho.

Tháng hai 1838, loạn người Cao Miên nổi lên. Lê Đại Cang bị cách chức Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần, phải theo quân thứ Hải Đông hiệu lực. Ông phải làm lính đi khiêng võng lần thứ hai. Lúc này, tại đạo Trà Gi, quân thứ Hải Đông, rất yếu. Lê Đại Cang không quản mình là lính khiêng võng đã huấn luyện quân sĩ thành đội quân mạnh. Rồi đem quân kéo tới hợp với binh triều của Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong đánh tan giặc. Những tưởng đó là công lớn nhưng không ngờ vua lại phạt tội nặng thêm thành trảm giam hậu (án giam chờ chém). Một thời gian sau, ông được phát vãng đi ở đồn điền Nguyên Thượng.

Sang đời vua Thiệu Trị, ông lại được phục chức làm Viên ngoại lang, khâm sai Bắc kỳ biện lý bang giao sứ vụ lo việc bang giao với nhà Thanh. Rồi lại được thăng thự Bố chánh sứ Hà Nội.

Năm 1842, khi đã 72 tuổi, Lê Đại Cang cáo quan về quê. Ông khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am để tu tâm dưỡng tính và lấy hiệu là Giác Am cư sĩ và lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân Tuy Phước, Quy Nhơn chăm lo khuyến tài khuyến học ở quê hương.

Ông có truyền lại hai vật làm gia bảo cho con cháu. Đó là thanh đại đao. Theo nhà báo Tổng biên tập tạp chí Văn Hiến Nguyễn Thế Khoa – chắt ngoại 4 đời của ông thì thanh đại đao nghe nói vì quá thiêng gây nhiều hoảng sợ đã bị khiêng nếm xuống vực ông Đô đầu làng. Vật thứ hai còn truyền lại chính là chiếc đòn khiêng võng đã gắn bó với ông hai lần bị cách chức, chịu tội. Nay chiếc đòn khiêng được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lê Đại Cang và cây đòn khiêng võng gia bảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO