Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô 2019: Đa sắc màu, đa thể loại

Việt Quỳnh (thực hiện) 30/12/2019 18:37

Vào các ngày 13, 14 và 15/12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô 2019 (HOZO - HoChiMinh City International Music Festival) quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức. Lễ hội có sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ các quốc gia như Việt Nam, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Colombia, Mông Cổ, Trung Quốc, Australia, Mỹ... Trong đó, có sự tham gia hai nghệ sĩ đoạt giải Grammy là Ricky Kej của Ấn Độ (biểu diễn ngày 14/12) và Cường Vũ - nghệ sĩ Mỹ gốc Việt (trình diễn ngày 15/12).

Ngoài ra còn có hai buổi tọa đàm về âm nhạc và các hoạt động triển lãm, vui chơi khác. Đây là ý tưởng đã được chuẩn bị từ lâu và đang trở thành hiện thực của nhạc sĩ Huy Tuấn (Giám đốc Âm nhạc) và đồng nghiệp.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô 2019: Đa sắc màu, đa thể loại

PV:Từ ý tưởng nào mà lễ hội âm nhạc “Hò Dô 2019” ra đời thưa anh?

Nhạc sĩ Huy Tuấn: Thực ra ý tưởng về một lễ hội âm nhạc là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM từ nhiều năm qua và đây chỉ là thời điểm chín muồi để thực hiện, khi mà cả điều kiện cần và đủ cho một lễ hội văn hoá cộng đồng cùng gặp nhau thì việc ra đời của nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Với tư cách công dân của thành phố đã hơn chục năm nay, tôi chắc cũng giống các đồng nghiệp của tôi, những người đều có một khắc khoải về một lễ hội âm nhạc quốc tế, ở đó sẽ có những phần trình diễn đỉnh cao không chỉ từ những khách mời nước ngoài mà còn là nơi thể hiện tài năng và những trau dồi, tìm tòi khám phá của chính các nhạc công, nhạc sĩ Việt Nam. Và khi được sự tin tưởng của giới lãnh đạo thành phố, Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã cùng tôi lên ý tưởng chi tiết cho một lễ hội, một địa chỉ âm nhạc mới, một thương hiệu văn hoá của thành phố. Rất may mắn là cuối cùng thì ý tưởng này cũng đã đến lúc được đưa vào thực hiện.

Đây là lễ hội âm nhạc được UBND TPHCM tổ chức và thực hiện, anh chia sẻ sao về điều này?

- Một thành phố lớn nhất của cả nước thì việc có một thương hiệu văn hoá là vô cùng cần thiết, nó chính là bộ mặt của một thành phố lớn, và việc TPHCM đứng ra tổ chức lễ hội này cho thấy tầm quan trọng của nó và một sự quyết tâm của các lãnh đạo để tạo ra một nét văn hoá đặc sắc, một địa chỉ nghệ thuật mới dành cho đời sống tinh thần của người dân, cũng như góp phần vào sự hoà nhập với đời sống tinh thần rất đương đại toàn cầu.

Trên thế giới, các lễ hội âm nhạc đã mang lại hiệu quả cụ thể ra sao, thưa anh?

- Tôi chưa nói về hiệu quả kinh tế nhưng những hiệu quả mang tính chất tinh thần là vô giá, bởi những không khí và nguồn năng lượng cực kỳ tích cực mà các lễ hội mang đến cho người dân ở những nơi có lễ hội âm nhạc. Về mặt quảng bá hình ảnh ra ngoài biên giới cũng là một phần không thể thiếu khi mà hàng ngàn khách quốc tế sẽ đổ bộ về, trước là để thưởng thức, sau rồi thì tiện đi du lịch và khám phá các vùng đất mới. Hàng năm tôi biết có rất nhiều người đang bỏ tiền ra để kết hợp du lịch, thưởng thức các lễ hội nghệ thuật khắp nơi trên thế giới và nhiều nước chung quanh ta, thậm chí còn hình thành một thị trường kinh doanh các lễ hội như ở Thái Lan, Indonesia, thậm chí là Lào hay Campuchia cũng đã có tổ chức các festival nhạc Jazz.

Anh có những kỳ vọng gì khi đưa mô hình lễ hội âm nhạc quốc tế quy mô lớn như thế này tổ chức tại TPHCM?

- Trước hết Ban Tổ chức chúng tôi kỳ vọng rằng đây sẽ là một thương hiệu văn hoá dành riêng cho người dân thành phố, làm phong phú thêm về các mô hình giải trí, và quan trọng nhất là một nguồn năng lượng tích cực được lan toả từ chính những người tham gia vào lễ hội là nghệ sĩ và khán giả.

Khi bắt đầu triển khai ý tưởng tổ chức lễ hội âm nhạc Hò Dô, các anh đã chuẩn bị những gì và những vấn đề cần giải quyết?

- Đây là lần đầu tổ chức nên chúng tôi không tránh khỏi những sơ suất, vì rõ ràng về quy mô và cách thức là chưa có tiền lệ. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cả một năm nay và cũng đi khắp nơi để tham quan và học hỏi từ những nhà tổ chức và các festival âm nhạc trên thế giới. Tuy nhiên, tôi nghĩ, chúng tôi vẫn còn nhiều thứ phải hoàn thiện để đáp ứng được mong mỏi của người dân và chính quyền TPHCM.

Là một Giám đốc âm nhạc, anh có thể chia sẻ về nội dung chương trình mà anh thực hiện?

- Chúng tôi lựa chọn một lễ hội âm nhạc đa màu sắc, đa thể loại chứ không tập trung vào một thể loại âm nhạc riêng biệt. Bởi là những người đi đầu nên chúng tôi cần có một lễ hội trước hết là dành cho các thành phần xã hội, các thế hệ già trẻ trong gia đình đều có thể tham gia và thưởng thức, những lễ hội âm nhạc riêng biệt sẽ được tách từ đây ra theo thời gian và theo thói quen và nhu cầu thưởng thức của khán giả. Nhưng lần đầu là phải dành chỗ cho tất cả mọi người đều có thể cùng lúc tham gia.

Quá trình tổ chức đã được tiến hành ra sao thưa anh?

- Mặc dù chúng tôi nhận được quyết định chính thức cách đây không lâu nhưng chúng tôi đã bắt đầu từ rất lâu trước đó rồi. Sở Văn hoá và Thể thao chỉ đạo và giao cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố phối hợp với tôi để thực hiện nội dung. Đây là lễ hội với phần lớn kinh phí là xã hội hóa nên việc kêu gọi các nhà tài trợ cũng phải được tiến hành từ trước, sau đó chúng tôi dựa vào các mối quan hệ quốc tế để tìm hiểu và chọn lọc các nghệ sĩ đặc sắc để mời tham gia. Các yếu tố kỹ thuật như âm thanh ánh sáng cũng được các đối tác chủ động nâng cấp để xứng tầm một lễ hội âm nhạc quốc tế mang tầm cỡ khu vực. Các sở ban ngành cũng vào cuộc rất tích cực cho một thương hiệu văn hoá chung của thành phố.

Với ba đêm nhạc, có quốc tế, có trong nước, có thể nghiệm, có Pop, anh làm thế nào để điều phối cho tổng thể chương trình được hài hòa?

- Đây là một lễ hội đa thể loại nên việc điều phối sao cho đồng đều chất lượng các đêm và đảm bảo được yếu tố giải trí cho khán giả cũng như chọn lọc những tinh túy của chủ nhà sao cho xứng tầm với các nghệ sĩ quốc tế mà chúng tôi mời. Việc lựa chọn ai, đến từ đâu, chơi thể loại nhạc gì trong một thế giới bao la toàn những nghệ sĩ hàng đầu thế giới quả là một thách thức không hề nhỏ mà chúng tôi phải vượt qua một cách... khá vui sướng (cười).

Để mời được những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới về TPHCM tham dự, các anh đã kết nối như thế nào?

- Trước hết thì phải dựa vào các mối quan hệ các nhân, những tổ chức âm nhạc lớn trên thế giới. Nhiều năm qua, khi đi dự các lễ hội ở nhiều nước, tôi đã có dần những sự chuẩn bị và các mối liên hệ này vẫn được thường xuyên chăm sóc, và giờ là lúc tôi dùng đến. Một phần nữa cũng rất quan trọng - đấy là những tổ chức nước ngoài và những thành phố có mối bang giao với TPHCM mà qua đó chúng tôi cũng được họ giới thiệu và hỗ trợ rất nhiều. Điều đáng mừng là với các nghệ sĩ khi nghe tới TPHCM thì họ đều tỏ ra rất hứng thú và háo hức được đến giao lưu với người dân, với nghệ sĩ của thành phố. Từ những thiện chí như thế, chúng tôi cũng có được khá nhiều ưu đãi từ chi phí catse. (Cười)

Còn với các ca sĩ nhạc sĩ trong nước thì sao?

- Với người trong nước, chúng tôi chọn những nghệ sĩ trình diễn hàng đầu, đại diện cho bộ mặt của nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Họ đều có những phần trình diễn được thiết kế dành riêng cho lễ hội lần này. Song song đó, chúng tôi cũng chọn một số tài năng rất trẻ để ủng hộ họ, tạo điều kiện để họ được đứng chung với các nghệ sĩ quốc tế, qua đó sẽ dần hình thành những tính cách âm nhạc cá tính hơn, tự tin hơn. Chúng tôi còn tổ chức một số hội thảo chuyên đề về công nghiệp âm nhạc, những work shop mang tính chuyên môn cao do các nghệ sĩ quốc tế trực tiếp tham gia và giao lưu - đây mới thực sự là sự trọn vẹn của một lễ hội khi mà nó không chỉ mang lại một không khí hồ hởi, gây cảm hứng từ những người tham gia mà còn góp phần định hướng, nâng cao và có tác động tích cự vào chính thị trường âm nhạc trong nước

Sau Hò Dô tại TPHCM, anh có dự định tổ chức tại Hà Nội hay các thành phố lớn khác trên toàn quốc không?

- Đây là một lễ hội được dành riêng cho người dân TPHCM.

Xin cảm ơn anh và chúc Hò Dô thành công như mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô 2019: Đa sắc màu, đa thể loại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO