Lễ hội cầu mưa

Miên Thảo (tổng hợp) 10/06/2016 08:45

Tự hào về nền văn minh lúa nước, cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, rất nhiều nơi trên đất nước ta có tập tục cầu mưa. Cầu mưa để trời cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cũng tùy theo từng hoàn cảnh mà người ta gọi lễ này một cách khác nhau: Trời hạn thì gọi là lễ cầu mưa, còn có mưa mà hành lễ thì gọi là lễ mừng mưa.

Lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm (Ninh Thuận).

1. Với đồng bào Chăm ở Vân Canh, Bình Định, lễ cầu mưa được tổ chức rất trang trọng. Vào cữ đầu tháng hai âm lịch hàng năm, dù trời hạn hay trời mưa, bà con đều tổ chức lễ hội. Người ta có thể làm lễ riêng, trên rẫy của mình nhưng gặp năm hạn hán quá lâu, trời làm nóng bức, cây cối khô héo thì cả làng tiến hành làm chung một lễ. Lễ vật được đặt ở nơi cao ráo, tại sân của già làng hoặc ở gần bến nước bao gồm một con gà trống, một bình rượu, một vòng sáp ong để đốt và một bát gạo.

Còn với lễ riêng của từng nhà thì không nhất thiết phải chung nhau một ngày, mà trong thời gian khoảng 1 tháng sau Tết Nguyên đán là được. Lúc này, hạt giống đã trỉa xuống, chủ nhà làm lễ cầu mưa cho hạt giống nảy mầm. Lễ vật cũng bao gồm một con gà trống (biểu hiện cho sự bền bỉ, dẻo dai trước cuộc sống), một bình rượu nhỏ, một vòng sáp ong để đốt và một đấu thóc (có nơi dùng gạo).

Tới nay, bà con trong vùng vẫn lưu lại lời khấn trong lễ cầu mưa như sau:

“Ơ Giàng!
Cầu Giàng cho hạt mưa xuống
Hạt mưa nhỏ nhỏ như hạt lúa
Hạt mưa lớn lớn như hạt bắp
Đổ nước xuống, đổ mưa xuống
Để cái suối không còn khô
Để người và mọi loài sống lại
Cầu nước để người có nước trồng trỉa
Chỉ có Giàng là lớn nhất trần gian
Chỉ có Giàng cho nước
Người mới có nước trồng cây lúa.
Ơ Giàng!”

Đặc biệt, trong quá trình làm lễ cầu mưa không được vui chơi, ca hát để biểu lộ lòng thành kính thần linh. Sau khi làm lễ xong, tất cả rượu thịt được phân chia cho người và cho thần, tất cả chè chén tại rẫy. Đồ chia cho thần để lại rồi mọi người ra về chờ mưa.

Múa hát trong lễ cầu mưa của đồng bào Thái Mộc Châu (Sơn La).

Trong lễ chung cho cả làng thì bao giờ lễ cũng do già làng đứng ra điều hành. Đáng lưu ý là trong lời khấn, người ta chỉ cầu Trời cho đủ, chứ không tham nhiều, sợ lấy nhiều, lần sau xin Trời không cho. Trong lễ chung của cả làng, bao giờ cũng có một dàn chiêng, tấu giai điệu Chào trời – Chào khách. Trai gái trong làng theo hàng đi ngược chiều kim đồng hồ nhảy múa, hú gọi. Sau khi già làng chia lễ vật cho thần linh thì mọi người cùng nhau ăn uống, nhảy múa. Kết thúc, bao giờ người ta cũng vẩy nước vào nhau và rải những hạt lúa đầu tiên.

2. Với đồng bào Thái miền núi phía Bắc, lễ hội cầu mưa được bà con gọi là lễ “Xến Xo-phốn”. Cho tới nay, lễ hội này vẫn được bà con người Thái ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình gìn giữ. Lễ hội mang theo niềm tin tín ngưỡng, đồng thời cũng là một tập tục, một hoạt động văn hóa mang tính gắn kết cộng đồng.

Tới nay, không ít người vẫn nghĩ rằng, hạn hán là do các vị thần linh cai quản mưa gió thương những đứa trẻ sinh ra không có cha để làm nhà cho nên đã không làm mưa xuống. Điều đó cũng có nghĩa là lỗi do những người phụ nữ không chồng mà có con. Vì vậy, muốn Trời mưa xuống, người ta phải làm lễ cầu mưa, xin các vị chủ nước, chủ sông suối. Khi lễ, người ta mời các vị thần về chứng giám, đồng thời cũng là để răn đe những người phụ nữ trót sinh con mà không có chồng. Vì thế, bên cạnh niềm tin tín ngưỡng thì đây cũng là dịp để đưa ra cho cộng đồng một bài học về cách sống.

Trong lễ, bao giờ cũng có một đoàn hát, có khi lên tới 50, 60 người, chủ yếu là nam nữ trẻ trong bản. Người trung niên và cao tuổi thì ở nhà để đợi đón đoàn hát cầu mưa. Những người tham gia đoàn hát bao giờ cũng có mũ, nón đội đầu và mặc áo tơi lá cọ, cũng trong ý nghĩa đi dưới trời mưa. Đoàn hát tới nhà nào cũng được người cao tuổi té nước vào người, với quan niệm cầu may mắn, gọi là “ban nước”. Sau khi đi vòng quanh bản làng, đoàn hát trở lại nơi xuất phát để châm đuốc.

Mỗi người thắp một bó đuốc trên tay, họ lại đi quanh bản một lần nữa. Vui nhất là khi đoàn hát chia thành hai bên nam nữ, té nước vào nhau cho tới ướt sũng trước sự chứng kiến của nhiều người. Do tính đặc sắc của lễ cầu mưa, kể từ năm 2011 đến nay bà con người Thái họ Lường ở bản Nà Bó 1, Mộc Châu, Sơn La đã phục dựng và duy trì lễ hàng năm, với tâm niệm cầu mưa thuận gió hòa cho bản làng. Đồ cúng trong lễ bao gồm măng đắng, chuối xanh, cơm lam, cá xông khói, bánh trưng, gạo nếp, gà luộc...

Nghi thức tạ ơn thần linh trong lễ cầu mưa của đồng bào Gia Rai (Kon Tum).

Với bà con ở đây, nguồn gốc của lễ cầu mưa được cho rằng ngày xưa, một năm nọ, nơi này xảy ra hạn hán rất lâu, không có nước, hoa màu, vạn vật đều bị chết khô. Bàn mãi nhưng không dòng họ nào dám xin Trời, vì sợ bị bắt phạt. Rồi một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hy sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa. Bà nói rằng nếu bị bắt phạt phải chết thì cũng chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm. Trước tấm lòng của người đàn bà góa dám hy sinh vì dân bản, từ đó hàng năm vào ngày 15/2 âm lịch, bà con lại làm lễ cầu mưa…

3. Ở Kon Tum, tới nay bà con Gia Rai cũng vẫn còn lưu giữ tục cầu mưa. Bao giờ lễ cũng được tổ chức tại bến nước ở con suối gần làng, nơi đây có cắm một cây nêu, lễ vật được bày dưới nêu và đây cũng là nơi để khấn vái tạ ơn và cầu xin thần linh. Tháng 4 và 5 là thời điểm được chọn để tổ chức lễ hội này.

Trong lời khấn, không chỉ xin Trời mưa xuống, người ta còn cầu xin Trời cho mình sức khỏe, cho cộng đồng sức khỏe và buon làng yên ấm. Lễ cầu mưa của người Gia Rai bao giờ cũng rộn rã tiếng chiêng và lời ca tiếng hát của thanh niên nam nữ. Mọi người cùng nhau múa hát, uống rượu cần cho đến khi mặt trời xuống núi lễ mới tan…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội cầu mưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO