Lễ phép trở thành... sự lạ

Tinh Anh 18/04/2021 08:00

MTTQ phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vừa có giấy biểu dương cậu bé Lê Thanh Huy (học sinh lớp 4.5 Trường Tiểu học Cái Khế 2) vì đã có cách hành xử đẹp trong tham gia giao thông. Huy đã có thái độ rất lễ phép, khoanh tay, cúi đầu để cảm ơn tài xế lái ô tô đã dừng lại nhường đường cho cậu.

Sau khi clip có nội dung trên được bác tài đăng lên mạng xã hội, đã nhận được hàng trăm lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt like và yêu thích của cộng đồng mạng. Cư dân mạng không ngớt dành những lời khen ngợi cho cậu học trò nhỏ mà có thái độ hành xử vô cùng lễ phép, văn minh. Với nhiều người, thái độ ngoan ngoãn của Huy có vẻ là... sự lạ.

Cũng phải thôi, khi mà xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống mỗi gia đình trở nên hối hả, bận rộn, người ta chú tâm nhiều hơn vào việc kiếm tiền, lo miếng cơm manh áo hàng ngày. Bởi thế, nhiều bậc phụ huynh không còn thời gian, thậm chí không quan tâm dạy dỗ con cái cách hành xử, thái độ ngoan ngoãn, lễ phép với những người xung quanh.

Nhiều bậc làm cha làm mẹ chỉ cốt sao đáp ứng những thứ con cái yêu cầu, mà không cần biết sự nuông chiều thái quá sẽ dần làm hư hỏng những đứa trẻ. Làm sao đứa trẻ có thể lễ phép, nghĩ đến người khác, khi mà hàng ngày chúng luôn được cưng nựng, đòi gì được nấy, nếu không sẽ lăn ra ăn vạ cho kỳ được mới thôi?

Những đứa trẻ cũng không thể ngoan khi mà bố mẹ chúng sẵn sàng lao vào trường học, bất kể đó là mầm non, tiểu học, THCS hay THPT hành hung những đứa trẻ khác nhằm bênh vực con mình, dù chúng là người có lỗi. Khi gặp người lớn, những đứa trẻ giương mắt lên nhìn, bố mẹ chúng cũng không hề nhắc nhở phải chào hỏi lễ độ.

Vì thế, ngoài xã hội, trong gia đình, thậm chí trong một số trường học, người ta dần quen với thái độ hỗn hào của những đứa trẻ ngỗ ngược, ích kỷ, cảm thấy cái sự “giương mắt ếch”, văng tục, chửi thề... là “chuyện thường ngày ở huyện”. Và cũng bởi chuyện bất thường trở thành chuyện bình thường nên việc tốt, người lễ phép trở thành của “độc” và “lạ”.

Tôi còn nhớ thời thế hệ chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Gặp người lớn mà không chào hỏi lễ phép, nhẹ thì ăn mắng, nặng hơn ăn roi, bị cấm túc nên đứa nào cũng sợ. Không chỉ với bố mẹ, thày cô, mà với tất cả những ai lớn tuổi hơn mình, chúng tôi đều phải khoanh tay, cúi đầu chào hỏi, một dạ hai thưa chứ không phải là nói trống không.

Vào những năm của thập kỳ 70-80 ấy, việc trẻ nhỏ khoanh tay, cúi đầu để cảm ơn người lớn là chuyện hết sức bình thường, không phải là của quý hiếm như hiện thời. Chính vì đứa trẻ nào cũng có cách hành xử lễ phép như vậy nên nó không trở thành một “hiện tượng” để cả xã hội phải xôn xao, bàn tán, không ngớt buông ra những lời có cánh.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không nên biểu dương, khen ngợi thái độ ngoan ngoãn của cậu học trò lớp 4 Lê Thanh Huy. Trong cuộc sống xô bồ hiện nay, một đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không có nhiều thời gian chăm lo thì cách hành xử đó của Huy quá xứng đáng được khen ngợi, động viên, khuyến khích.

Song, điều mà tôi muốn nói ở đây chính là các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường và toàn xã hội phải làm sao để không chỉ có một Lê Thanh Huy có thái độ lễ phép, cư xử đúng mực, mà tất cả những đứa trẻ đều phải được giáo dục chu đáo để trở thành những đứa con ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Đừng để sự lễ phép của trẻ nhỏ thành... sự lạ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ phép trở thành... sự lạ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO