Lệch chuẩn trong môi trường giáo dục 4.0: Báo động xuống cấp văn hóa học đường

Quang Thành 29/09/2021 09:04

Một số sự việc vừa xảy ra trong các lớp học trực tuyến, phần nào cho thấy sự xuống cấp, lệch chuẩn về đạo đức của một số bộ phận thầy cô và học sinh trong môi trường giáo dục 4.0.

Lệch chuẩn trong môi trường giáo dục 4.0 gây bức xúc cho học sinh, nhà trường và dư luận xã hội. Ảnh minh họa: Dân trí.

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp ứng xử chưa phù hợp trong môi trường giáo dục. Giáo viên xúc phạm chửi bới học sinh "quái thai về tâm hồn và thể xác", học sinh văng tục, đòi “solo” với thầy giáo.... Những sự việc trên xảy ra ngay trong các lớp học trực tuyến, phần nào cho thấy sự xuống cấp, lệch chuẩn về đạo đức của một số bộ phận thầy cô và học sinh trong môi trường giáo dục 4.0.

Cô mắng trò “quái thai về tâm hồn”, trò “thách” thầy “solo”

Trung tuần tháng 9, mạng xã hội xôn xao trước clip có nội dung cô giáo miệt thị học sinh trong lớp học trực tuyến với những lời lẽ vô cùng nặng nề.

Theo đoạn clip hơn 6 phút nói trên, người giáo viên liên tục buông lời mắng chửi học sinh như: "quái thai về thể xác", "quái thai về tâm hồn", "rác rưởi của xã hội", "chết rấp dưới bùn đen của xã hội", "đồ mạt hạng", "đồ tiểu nhân"....

Ngay sau khi được chia sẻ, đoạn clip đã nhận được vô số ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Hầu hết đều cho rằng, dù chưa biết rõ nguyên nhân gì mà cô giáo lại xúc phạm học sinh nhưng trong hoàn cảnh như thế nào, cô giáo cũng không nên sử dụng những từ ngữ miệt thị như vậy để dạy dỗ học sinh.

Được biết, sự việc trên xảy ra tại một lớp học online của trường THPT Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Người giáo viên trong đoạn clip là cô Trần Thị Hải Y., giáo viên môn Văn, Trường THPT Cam Lộ.

Theo tường trình của cô giáo Y., khi đang giảng bài, cô Y. hỏi học sinh có hiểu bài hay không thì em G. ở vị trí số 11 trên lớp học trực tuyến (lúc đó đang tắt màn hình) nói: "Em không hiểu". Không những vậy, tại ví trí số 11 của em học sinh này còn phát ra những lời lẽ tục tĩu khiến cô bức xúc, không giữ được bình tĩnh nên đã phát ngôn thiếu chuẩn mực như clip phát tán trên mạng.

Sự việc tại trường THPT Cam Lộ không phải là trường hợp duy nhất. Chỉ cách đây vài ngày, vụ việc giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã có những lời lẽ không chuẩn mực, đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online chỉ vì xin giảng lại do tiếng mưa ồn, gây xôn xao dư luận.

Theo nội dung bản tường trình của giảng viên này, tại buổi học online diễn ra ngày 16/9, do đặc thù môn học khó nên giảng viên đã thống nhất từ đầu yêu cầu sinh viên tập trung nghe giảng, không hiểu phải phản hồi ngay.

Vì vậy, khi sinh viên xin giảng lại, giảng viên cho là sinh viên không tập trung nghe giảng và chưa thực hiện đúng các thống nhất ban đầu của lớp học và yêu cầu sinh viên ra khỏi lớp học online thời điểm đó.

Tuy nhiên, theo giảng viên, việc làm này chỉ để gây sự chú ý và để định hướng các sinh viên tập trung vào bài học, sau đó giảng viên đã để sinh viên quay lại lớp học để không mất bài.

Giảng viên nhận lỗi về việc sử dụng ngôn từ và phương pháp chưa phù hợp trong lớp học, vô tình gây xúc phạm đến sinh viên và người xem, đồng thời cam kết sẽ khắc phục.

Trong một diễn biến ngược lại, cũng có không ít các vụ học sinh vi phạm đạo đức như văng tục, chửi bậy, xúc phạm giáo viên tại các buổi học online.

Video: Học sinh văng tục, đòi "solo" với thầy giáo. Nguồn: Facebook

Trung tuần tháng 9/2021, chỉ vì bị giáo viên hỏi bài vở, tiến trình học tập mà một sinh viên của Trường cao đẳng FPT Polytechnic đã có những lời lẽ hỗn hào, vi phạm đạo đức, chuẩn mực.

Không những vậy, em này còn liên tục thách thức giảng viên của mình: "Em thích em nghỉ luôn. Bố m... sợ à? Lên phòng đào tạo solo luôn. Thích thì học, đ.. thích thì thôi nhé".

Trong đoạn clip dài hơn 3 phút lan truyền trên mạng xã hội về cuộc đối thoại nói trên, nhiều thành viên trong lớp học online ngỡ ngàng, bức xúc với thái độ và hành động của nam sinh viên này: "Bạn sai rồi", "Thầy quá hiền rồi"…

Lệch chuẩn về đạo đức trong môi trường giáo dục 4.0

Mặc dù một số sự việc cá biệt xảy ra trong môi trường học đường đã được nhà trường, ngành giáo dục địa phương xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính giáo dục, tính nhân văn nhưng những trường hợp như thế này vẫn tạo ra luồng bình luận không tốt, ảnh hưởng tới tâm lý và tình cảm của học sinh, đồng thời cũng gây tổn thương tới danh dự, tâm huyết nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.

Những sự việc trên xảy ra ngay trong các lớp học trực tuyến, phần nào cho thấy sự xuống cấp, lệch chuẩn về đạo đức của một số bộ phận thầy cô và học sinh trong môi trường giáo dục 4.0.

Trên thực tế, từ trước đến nay, việc đào tạo về đạo đức cho giáo sinh không được chú ý nhiều trong các chương trình đào tạo. Thậm chí, ngay cả đối với giáo viên đã ra trường, ngành giáo dục cũng chỉ chú ý đến việc đào tạo kiến thức, mà không có sự rèn luyện về đạo đức phẩm chất và hành vi ứng xử của giáo viên.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần tăng thời gian hội nhập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo giáo viên ở các trường, để các sinh viên ngành sư phạm có thể thực tập ngay khi ở kì 1 của năm thứ 2 nhằm làm quen với môi trường giáo dục và xử lý các tình huống thực. Vấn đề đào tạo về mặt đạo đức giáo dục không thể chỉ dạy trên lý thuyết, gói gọn trong những bài giảng giới hạn ở một vài tín chỉ mà việc này cần cả quá trình rèn luyện lâu dài.

Trong cả 4 năm đại học, sinh viên sư phạm cần những dự án dài hạn mang tính chất rèn luyện đạo đức phẩm chất mà giáo sinh cần vượt qua dựa trên các chỉ báo được xây dựng chi tiết. Theo đó, để có thể hoàn thành dự án này, nguồn đánh giá không chỉ dựa vào các giảng viên đại học mà còn từ đánh giá, nhận xét phía học sinh, giáo viên tại trường mà giáo sinh thực tập.

Về phía học sinh, áp lực học tập, sức ép từ phía gia đình, tâm lý còn chưa ổn định, chưa quen với cách thực học online,…dễ khiến các em bị căng thẳng, mệt mõi, dẫn đến những hành vi bột phát, xúc phạm danh dự giáo viên.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cha mẹ học sinh cần ý thức rằng, nếu muốn con trẻ học tập vui vẻ và hiệu quả thì phải tạo ra không khí vui vẻ cho giáo viên và học sinh. Việc học cùng con là để hỗ trợ con chứ không đặt áp lực lên cả thầy và trò.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tăng cường chỉ đạo, quán triệt tới Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lệch chuẩn trong môi trường giáo dục 4.0: Báo động xuống cấp văn hóa học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO