Lịch sử hào hùng qua những kỷ vật kháng chiến

Bùi Thị Hoàn (Giám đốc Bảo tàng MTTQ Việt Nam) 20/12/2021 06:30

Chiến tranh đã lùi xa nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi. Trân trọng sự cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, tự hào về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ cùng nhau gìn giữ, phát huy và tô thắm thêm những trang sử vàng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 1/1959) đã vạch ra đường lối, phương pháp cách mạng miền Nam, thổi bùng lên một cao trào cách mạng rộng khắp ở miền Nam Việt Nam. Phong trào Đồng Khởi (1960) đã đánh dấu một bước ngoặt chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là cơ sở cho sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và mọi người dân yêu nước trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và bè lũ tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam làm Chủ tịch. Với lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ”, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã thực sự tập hợp và xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, khắp các huyện, tỉnh đều tổ chức thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng các cấp. Ủy ban Mặt trận địa phương được tổ chức ở bốn cấp: Cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Cùng với việc thành lập Ủy ban Mặt trận ở nhiều địa phương là sự ra đời của các tổ chức thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Đặc biệt, sau khi Mặt trận ra đời, với Tuyên ngôn và Chương trình hành động của mình, trong năm 1961, các tổ chức quân sự, tổ chức giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc và các giới đồng bào ở miền Nam lần lượt thành lập các hội đoàn và trở thành thành viên chính thức của Mặt trận.

Chiếc đèn dầu của ông Nguyễn Văn Xòe.

Kể từ đây, Mặt trận trở thành người đại diện chân chính, duy nhất, là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, lãnh đạo nhân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Với ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân dân ta đã “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện đang lưu giữ và trưng bày nhiều kỷ vật của những người tham gia kháng chiến dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mỗi kỷ vật mang theo những câu chuyện về một thời khói lửa, khắc họa chân thực và sinh động về cuộc chiến đấu gian khổ mà hào hùng, về những con người bình dị mà anh dũng, sáng tạo. Những hiện vật đó giúp người xem chạm vào quá khứ bằng xúc cảm mạnh mẽ.

Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, thiếu thốn, cán bộ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã rất sáng tạo trong việc tự chế dụng cụ, công cụ phục vụ cho cuộc sống chiến đấu và sinh hoạt.

Tấm bản đồ vẽ tay trên giấy can rất chi tiết, tỉ mỉ những địa danh của căn cứ Tây Ninh và những vùng quân ta đã kiểm soát, được cán bộ sử dụng trong việc đi lại, chuyển giao thư tín và dẫn đường thuận lợi, an toàn. Chiếc đèn dầu được ông Nguyễn Văn Xòe (Năm Xòe) tự chế rất công phu từ chiến lợi phẩm thu được là vỏ đạn của Mỹ. Chiếc đèn dầu đã đồng hành cùng ông và đồng đội khi thực hiện nhiệm vụ giao liên đường dài, đưa đón cán bộ từ địa phương về chiến khu, đặc biệt là các nhân sĩ, trí thức. Cũng có những lần đụng phải biệt kích, ông và đồng đội đã quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ an toàn cho cán bộ. Nhiều lần đối mặt với nguy hiểm và bị thương nhưng ông luôn tâm niệm: Thà hy sinh chứ không được để công văn, tài liệu của Mặt trận lọt vào tay địch. Ánh sáng của ngọn đèn dầu trong đêm tối, trong bom đạn chiến tranh khốc liệt không chỉ soi đường, dẫn lối mà còn là ánh sáng của niềm tin giúp ông thêm vững vàng, kiên định trên mỗi chuyến hành trình.

Chiếc radio là kỷ vật của ông Nguyễn Văn Thanh.

Chiếc radio là kỷ vật của ông Nguyễn Văn Thanh, một cán bộ kỳ cựu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bản thân từng bị thương nhiều lần và tận mắt chứng kiến sự ra đi của đồng đội khi đang thực hiện nhiệm vụ, ông vô cùng đau xót và càng trân quý cuộc sống, nghĩa tình đồng đội. Năm 1970, khi được gia đình mua cho chiếc radio, với tinh thần đồng đội là anh em một nhà, ông đã biến nó thành chiếc “radio tập thể”, ai cần thì lấy dùng hoặc mở cho anh em cùng đơn vị nghe tin tức thời sự, ca cổ...Ông tâm sự: Mỗi lần nghe tin quân ta đánh thắng ở đâu là anh em vui lắm, nhảy múa, reo hò, có anh cao hứng còn ôm luôn radio đi ngủ.

Trong niềm xúc động khi trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hồng, một cán bộ quân bưu đồng thời là một y tá tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi chia sẻ: Cuộc sống ở chiến khu ngày đó đầy khó khăn, cây cối rậm rạp. Công việc quân bưu phải di chuyển nhiều, trên đường dễ gặp biệt kích, mật thám nên rất cần có một chiếc rựa. Bởi vậy năm 1965, ông đã mua một chiếc nhíp xe ô tô thuê người rèn thành chiếc rựa để trong ba lô cá nhân. Không lâu sau đó, ông được chỉ huy giao cùng với anh em trong đơn vị chuẩn bị chỗ ở đón cán bộ lãnh đạo nhưng không được biết trước người đó là ai.

Với tinh thần háo hức, ông đã cùng đồng đội hăng say, khẩn trương chuẩn bị. Chiếc rựa được đem ra để chặt cây rừng làm lán, làm hầm. Sau này, biết được biết hai cán bộ đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, ông rất đỗi vui mừng và cảm thấy vinh dự, tự hào. Nhiều lần thấy nhà bếp thiếu dụng cụ, ông còn chủ động cho mượn chiếc rựa để phục vụ công việc hậu cần trong căn cứ.

Máy bộ đàm, Huân chương, Huy hiệu, tiền của Mặt trận Dân tộc giải phóng... là những hiện vật do ông Nguyễn Ngọc Khôi, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời là một cựu quân nhân sâu nặng nghĩa tình với đồng đội đã sưu tầm và hiến tặng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết có khi chỉ là gang tấc, việc kịp thời trao tặng Huân chương, Huy hiệu cho các chiến sĩ lập thành tích xuất sắc chính là sự ghi nhận, nguồn động viên, khích lệ tinh thần to lớn, thể hiện sự sáng tạo của Mặt trận trong công tác khen thưởng. Đồng tiền với những mệnh giá khác nhau được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát hành, sử dụng rộng rãi ở những vùng được kiểm soát đã giúp từng bước tổ chức và ổn định cuộc sống của nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi. Trân trọng sự cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, tự hào về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ cùng nhau gìn giữ, phát huy và tô thắm thêm những trang sử vàng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Thấm nhuần, phát huy hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một hình thức tập hợp lực lượng sáng tạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài cùng đứng vào trong hàng ngũ để cùng thực hiện mục tiêu cao nhất là hoà bình, thống nhất nước nhà.

Sau 61 năm, những bài học kinh nghiệm về việc tập hợp lực lượng một cách sáng tạo, độc đáo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Và hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấm thía rằng, không có sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết, không có sức mạnh của mọi tầng lớp, mọi lực lượng yêu nước được tổ chức lại và đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ không có thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và phát triển như ngày hôm nay.

Kế thừa bài học kinh nghiệm quý giá đó, với những cán bộ Mặt trận phải thấm nhuần, phát huy hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, thực hiện cho được phương châm “Đâu dân cần Mặt trận có, đâu dân khó có Mặt trận”. Chỉ có như vậy, Mặt trận mới là nơi tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Anh Vũ (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lịch sử hào hùng qua những kỷ vật kháng chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO