Liên kết đưa sản phẩm ra nước ngoài

M.Loan (thực hiện) 11/01/2016 10:20

Thúc đẩy sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường nước ngoài là mục tiêu phải hướng đến khi nền kinh tế hội nhập sâu. Hơn 4 triệu kiều bào sinh sống tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ chính là thế mạnh đẩy đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Trao đổi với ĐĐK, ông Hoàng Mạnh Huê- Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu  cho rằng, nên phát triển hình thức liên kết theo dạng đại lý bán hàng giữa trong và ngoài nước. 

Liên kết đưa sản phẩm ra nước ngoài

Ông Hoàng Mạnh Huê.

PV: Thưa ông, người Việt Nam ta có mặt tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vậy làm sao để doanh nghiệp trong nước có thể kết nối được với doanh nhân Việt ở nước ngoài để cung cấp hàng. Theo ông, nên làm thế nào để có hiệu quả nhất?

Ông Hoàng Mạnh Huê: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở châu Âu nói riêng có một thị trường rất lớn, từ đó có thể tiếp xúc đem hàng Việt Nam ra nước ngoài. Đến giờ phút này nền kinh tế của bà con chúng ta vẫn có xu hướng là nền kinh tế chợ; nên việc các doanh nghiệp của ta đem hàng Việt Nam ra nước ngoài bị hạn chế ở nhiều mức độ, trong đó có việc chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm một cách vững chắc.

Hiện sự biến động thị trường ở các nước châu Âu rất lớn, tuy nhiên điều đó cũng mở ra cơ hội để chúng ta có thể đưa hàng Việt Nam có chất lượng tốt, ổn định vào thị trường này. Vấn đề là các nhà sản xuất trong nước cần kết hợp với cộng đồng người Việt ở nước ngoài để xây dựng những thương hiệu sản phẩm phù hợp với thị hiếu, thị trường, thuần phong mỹ tục, văn hóa và yêu cầu của họ.

Các doanh nghiệp trong nước dù có năng động đến mấy cũng không thể hiểu biết thị trường bằng người Việt của chúng ta ở đó; hay những đơn vị trực tiếp tham gia trong quá trình phân phối hàng. Để kết nối doanh nghiệp trong nước và hệ thống bán hàng của bà con ở nước ngoài, tôi nghĩ có nhiều hình thức. Nhưng một hình thức theo tôi có thể trong thời gian tới chúng ta nên phát triển đó là liên kết theo dạng đại lý bán hàng.

Nhà sản xuất trong nước, ví dụ dệt may như Việt Tiến, Nhà Bè sản phẩm có chất lượng tương đối tốt có thể đi vào siêu thị, trung tâm thương mại ở nước ngoài. Trong trường hợp này nên kết hợp với các doanh nghiệp cộng đồng của người Việt ở nước ngoài để cùng nhau xây dựng mẫu mã, chuẩn mực phù hợp với thị trường cũng như giá cả. Và các doanh nghiệp ở nước ngoài làm hình thức đại lý để bán hàng trên cơ sở pháp lý lâu dài. Tôi nghĩ đó chính là hình thức rất nên áp dụng.

Ngoài việc đưa hàng Việt ra nước ngoài thì đất nước cũng cần sự đầu tư của kiều bào về trong nước. Hiện nay quá trình đầu tư còn khó khăn gì không, thưa ông?

-Hiện nay các doanh nghiệp cộng đồng bà con ở nước ngoài đầu tư về trong nước có nhiều thuận lợi khi Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách thông thoáng. Tuy vậy từ chính sách đến thực hiện cũng còn nhiều vấn đề. Vì vậy doanh nghiệp kiều bào ngoài thuận lợi thì vẫn còn gặp khó khăn, rào cản. Như thế sẽ khó để chúng ta tận dụng tiềm năng cộng đồng người Việt ở nước ngoài về đầu tư xây dựng quê hương đất nước.

Tôi chỉ ví dụ xin cấp phép thực hiện dự án, hay thực hiện dự án. Việc xin phép một dự án để về đầu tư gặp khó khăn do thông tin của chúng ta tương đối kém, kiều bào phải tìm hiểu đầu tư thông qua người quen, hay qua giới thiệu. Do vậy tôi nghĩ cần tăng cường những thông tin, những cơ hội đầu tư trực tiếp từ địa phương đến với bà con Việt kiều thì hiệu quả hơn nhiều.

Ngoài ra, quá trình xác định dự án đầu tư đến quá trình xin giấy phép dù được cải tiến nhiều năm nhưng thời gian cấp phép vẫn quá dài. Ví dụ thời gian xin cấp phép đầu tư một dự án bất động sản ở ta mất từ 3-4 năm nhưng ở nước ngoài chỉ mất 2-3 tháng. Họ chỉ có một đầu mối để tiếp nhận giải quyết vấn đề cấp phép đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng chúng ta lại có quá nhiều sở, ban, ngành, đơn vị cùng tham gia xác định, thẩm định để ra một dự án. Chính quá trình ấy gây phiền phức cho doanh nghiệp. Hay như quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, ví dụ sự can thiệp của một số cơ quan hành chính đến quá trình thực hiện dự án còn tương đối nặng nề khi thanh tra, kiểm tra nhưng cùng một việc, cùng một nghĩa vụ tài chính. Chẳng hạn, xem xây dựng có đúng quy hoạch hay không thì thanh tra của các cấp, các ngành cùng thanh tra. Do đó, tôi kiến nghị, chúng ta nên sử dụng kết quả của một đơn vị thanh tra. Rồi môi trường đầu tư khiến doanh nghiệp cũng phải vật lộn nhiều. Ví dụ trong bất động sản có quá trình giải phóng mặt bằng, vì vậy cần tạo môi trường pháp lý ổn định để tạo thuận lợi cho bà con yên tâm phấn khởi khi đầu tư.

Vậy, ông có kiến nghị gì với các ban ngành về cơ chế đầu tư?

-Kiều bào ta ở nước ngoài muốn về đầu tư trong nước thì Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) là cơ quan đầu tiên mà chúng tôi liên hệ để tìm kiếm mối thực hiện đầu tư.

Nhưng để thuận lợi, chúng tôi nghĩ cần tạo điều kiện cho bà con, doanh nghiệp Việt kiều về đầu tư trên quê hương đất nước tốt hơn thì cần cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư, hay giúp đỡ trong quá trình thực hiện xin giấy phép thực hiện dự án đầu tư, đồng thời làm việc với các cấp, các ngành để giải quyết những khó khăn mà kiều bào phản ánh.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết đưa sản phẩm ra nước ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO