Liên kết hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu

Bùi Hà – Quốc Khánh 31/05/2017 10:00

Vùng Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) và vùng bán đảo Cà Mau bao gồm các tỉnh, thành vùng ĐBSCL những năm gần đây đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn đến hậu quả thiên tai ngày càng nghiêm trọng bất kể mùa nắng hay mùa mưa. Hiện nay, vấn đề liên kết vùng và tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững kinh tế xã hội đang được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đặt thành nhiệm vụ hàng đầu.

Theo Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, khu vực sông MeKong với trên 60 triệu người sinh sống hiện đang hứng chịu nhiều tổn thương do BĐKH, nhất là các tỉnh, thành trong khu vực tiểu vùng TGLX là An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Những năm gần đây, nhiệt độ trung bình ở ĐBSCL tăng 0,5 độ C.

Tại TP Cần Thơ, nhiệt độ trung bình tăng ở mức từ 0,3 độ C đến 0,7 độ C, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân đặc biệt là người già và trẻ em.

Giai đoạn 2000 – 2016, TP Cần Thơ và tiểu vùng TGLX có nhiều tác động bất thường từ BĐKH. So sánh 2 đợt lũ lớn năm 2000 và 2011, nếu đợt lũ năm 2000, hầu hết vùng TGLX bị ngập sâu, thì đợt lũ năm 2011, diện tích và thời gian ngập lũ giảm mạnh ngay cả ở các tỉnh đầu nguồn. Do vậy, các tỉnh cuối nguồn như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh… đã bị thiếu nước ngọt sản xuất và nước mặn dâng cao làm đảo lộn sản xuất, cuộc sống hàng triệu người dân ...

Đợt lũ năm 2011, TP Cần Thơ bị thiệt hại trên 230,8 tỉ đồng, cao gấp hàng chục lần so với thiệt hại thiên tai những năm gần đây. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tổng chiều dài sông Hậu đi qua TP Cần Thơ khoảng 65km, có trên 350 km chiều dài kênh rạch cấp 1, khoảng 800km kênh, rạch cấp 2. Thời gian qua, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều, năm 2016, TP Cần Thơ xuất hiện 72 điểm sạt lở bờ sông, rạch, tăng 45 điểm so với năm 2015, làm hàng trăm mét đường giao thông và nhiều nhà dân sụp đổ xuống sông.

Các tháng đầu năm 2017, TP Cần Thơ xuất hiện trên 10 điểm sạt lở ở các quận: Ninh Kiều, Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy và huyện Phong Điền... Mới đây, tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, xảy ra vụ sạt lở đoạn đường giao thông ấp Nhơn Khánh, làm sạt lở căn nhà sàn của ông Trần Văn Tám, thiệt hại tài sản khoảng 200 triệu đồng…

Theo Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ, thành phố đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Xã hội và Môi trường (ISET), Thách thức với Thay đổi (CtC), Tổ chức CSIRO và AusAID của Úc, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG)... triển khai thực hiện các mô hình dự báo, đánh giá tác động các kịch bản BĐKH đến TP Cần Thơ và thực hiện các giải pháp thích ứng.

Nhiều năm nay, TP Cần Thơ triển khai thực hiện Đồ án “Quy hoạch phòng, chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ”. Đồ án gồm 29 công trình phấn đấu đến năm 2030, khoảng 80% hộ dân sống ven sông ổn định chỗ ở và đến năm 2050, toàn thành phố không còn nhà cọc ven sông, trả lại hiện trạng xanh, an toàn, ứng phó BĐKH tại các sông, kênh, rạch.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Đối với các dự án có kế hoạch đầu tư thực hiện, các sở, ngành chức năng sớm hoàn thành thủ tục để kịp triển khai. Đối với các điểm sạt lở mới, ngoài kế hoạch đầu tư xây dựng công trình kiên cố, trước mắt, chính quyền địa phương khắc phục và báo cáo thành phố để có kế hoạch đầu tư khắc phục lâu dài.

UBND thành phố đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ các Bộ, ngành Trung ương đầu tư kinh phí, đẩy nhanh việc thực hiện Đồ án quy hoạch phòng, chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ đồng thời, phối hợp cùng các địa phương tiểu vùng TGLX tìm giải pháp liên kết ứng phó BĐKH, phát huy thế mạnh vùng... bảo đảm sản xuất bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO