Liên kết thúc đẩy tiềm năng du lịch vùng Việt Bắc

Phạm Sỹ 09/09/2022 08:53

Việt Bắc, nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Cùng với lợi thế được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan đẹp hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, Việt Bắc được đánh giá là điểm đến thú vị đối với du khách. Đây là những thế mạnh để các tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Việt Bắc là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu.

Miền di sản

Vùng Việt Bắc gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang; nơi lưu giữ những giá trị lịch sử cách mạng quý báu, như: Di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), Di tích khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn)...

Cùng với đó là những địa danh nổi tiếng như: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang)...

Đến với Việt Bắc, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu… được thể hiện qua các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, chợ phiên vùng cao. Điều đặc biệt, các dân tộc vùng Việt Bắc đều giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng có của mình, tạo nên bản sắc độc đáo có sức thu hút đối với du khách.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy du lịch tại đây cần phải xác định, phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và tạo được dấu ấn riêng, khác biệt so với các địa phương khác, đặc biệt khai thác, giới thiệu văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc các tỉnh Việt Bắc.

Ông Đinh Cao Trí - Phó giám đốc An Thái Travel cho rằng du lịch vùng Việt Bắc có sức hút rất lớn đối với du khách. “Mặc dù còn nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông, cơ sở lưu trú nhưng du lịch vùng Việt Bắc có sức hút rất lớn đối với du khách. với những vùng biên cương xa xôi, nơi khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc như: Thác Bản Giốc, cột cờ Lũng Cú… càng có ý nghĩa thiêng liêng, thậm chí là yếu tố quan trọng khiến khách đưa ra quyết định cho chuyến đi. Khách cũng rất thích những trải nghiệm khác biệt, khám phá văn hóa dân tộc, tìm hiểu vùng đất mới ở Việt Bắc”.

Tuy nhiên, phát triển du lịch trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế nên lượng du khách đến vẫn còn ít. Nguyên nhân là do các sản phẩm du lịch của các tỉnh chưa thật sự hấp dẫn, khác biệt. Chất lượng dịch vụ chưa cao, đặc biệt là còn thiếu các dịch vụ cao cấp. Sự liên kết phát triển du lịch vùng chưa nhiều do những khó khăn về hạ tầng giao thông.

Bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo ở các tỉnh vùng Việt Bắc cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch

Tài nguyên du lịch vùng Việt Bắc được đánh giá có nhiều đặc thù, khác biệt vì thế công tác xây dựng sản phẩm cần tập trung kết nối để hình thành tuyến điểm đặc trưng. Trong đó, xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch xanh, bền vững gắn với bảo tồn di tích, di sản… là hướng đi cần chú trọng.

Với việc 6 tỉnh Việt Bắc ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022-2027 và công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc, đây sẽ là những sản phẩm được hình thành dựa trên tuyến thuận lợi về hạ tầng giao thông, kết nối những điểm di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, địa chỉ đỏ, tạo thành các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo các chuyên gia, để việc liên kết phát triển du lịch vùng Việt Bắc thiết thực, hiệu quả hơn, các doanh nghiệp 6 tỉnh Việt Bắc cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch cụ thể. Cùng với đó, liên kết phát triển du lịch vùng cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở từng địa phương; bảo đảm theo nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn chiến khu.

Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội đề nghị hình thành các nhóm liên minh bán sản phẩm vùng Việt Bắc. Mời các doanh nghiệp tham gia các đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm, các chương trình giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm, hình thành thương hiệu du lịch của vùng. Đồng thời liên kết với các tổ chức để tổ chức các lớp đào tạo chung cho nhân lực du lịch các địa phương trong vùng để tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả, đạt chất lượng đồng đều. Đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, cung cấp dữ liệu, thông tin cho khách hàng; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm; tăng cường quản lý nhà nước qua công nghệ số.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, các địa phương cần tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vì hiện nay trong vùng còn thiếu nhiều nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân, điểm mua sắm. Sản phẩm hiện nay sơ sài, ít dịch vụ phụ trợ, giá đắt vì dịch vụ thiếu nên khó cạnh tranh với các trung tâm du lịch lớn.

Tại Hội thảo “Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị mỗi tỉnh cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương; chú trọng cách tạo ra sản phẩm, quản lý sản phẩm và đánh giá hiệu quả mà sản phẩm mang lại dưới góc độ kinh tế - xã hội. Để liên kết thực sự bền vững và phát huy hiệu quả, các địa phương cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp, liên kết du lịch phải bắt đầu từ doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết thúc đẩy tiềm năng du lịch vùng Việt Bắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO