Liên kết và chia sẻ để kích cầu du lịch

H.Vũ (thực hiện) 09/03/2020 08:00

Do tác động của dịch Covid-19, du lịch- ngành được xác định như “công nghiệp mũi nhọn” bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 7 tỷ USD. Trong tình thế ấy, cần có sự phối kết hợp giữa các ngành với nhau, không chỉ giúp cho du lịch mà còn góp phần gỡ khó các ngành khác. Trao đổi với PV báo ĐĐK, bà Mai Thị Ánh Tuyết- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phải nâng cao vai trò của từng doanh nghiệp, có sự liên kết chặt chẽ với nhau giữa các ngành để thu hút khách du lịch.

Liên kết và chia sẻ để kích cầu du lịch

Bà Mai Thị Ánh Tuyết.

PV:Thưa bà, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với một số ngành khác, ngành du lịch đang gặp khó khăn. Có ý kiến cho rằng để gỡ khó cho du lịch thì cần phải liên kết. Ý kiến của bà?

Bà Mai Thị Ánh Tuyết: Trong bối cảnh kinh tế chịu tác động bởi dịch Covid-19, chúng ta phải có chính sách, chiến lược giao thời trong mỗi giai đoạn. Vì dịch bệnh này phức tạp, cho nên phải có ngay những giải pháp tình thế trong từng giai đoạn. Hiện nay bên cạnh việc thận trọng, tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh, thì trong kinh doanh những vấn đề liên quan đến du lịch phải có sự liên kết giữa các ngành với nhau như hàng không, vận tải, lữ hành, khách sạn để bù trừ cho nhau. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp liên quan đến du lịch cũng cần có sự liên kết và chia sẻ. Có như vậy lượng khách đến mới đông, tạo nguồn thu giữa các doanh nghiệp một cách hài hòa, tạo nên sức ảnh hưởng lớn. Đơn cử như hiện vấn đề kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vận tải đang ảnh hưởng đến nguồn thu do lượng khách ít. Thế nhưng bây giờ ngoài khâu phòng chống dịch, cần tuyên truyền để dân biết mà phòng ngừa; từ đó yên tâm đi du lịch thông qua các dịch vụ liên kết hạ giá và chia sẻ giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu khách sạn, lữ hành hay giao thông vận tải không có sự chia sẻ với nhau sẽ rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Sau đợt này chắc chắn Quốc hội và Chính phủ sẽ xem xét để có chính sách vực dậy ngành du lịch. Nhưng hiện nay phải nâng cao vai trò của từng doanh nghiệp, có sự nỗ lực liên kết chặt chẽ với nhau, ngồi lại với nhau để bàn bạc xem liên kết như thế nào? chia sẻ ra sao? và tạo điều kiện ra sao để thu hút khách du lịch.

Vậy nghĩa là, nếu chúng ta có các cơ chế giảm giá hợp lý thì sẽ có thể hút được khách đến với Việt Nam như cách hiện nay Quảng Ninh đang áp dụng, thưa bà?

- Tôi cho rằng bây giờ chúng ta nên hướng tới thu hút khách du lịch nội địa. Bởi tuyên truyền, kêu gọi khách nước ngoài đến với nước ta cũng là “con dao hai lưỡi”. Vì Nhà nước cũng rất vất vả trong vấn đề ứng phó, kiểm soát, ngăn chặn dịch từ nước ngoài vào. Trong khi hiện nay đã có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới bị dịch Covid-19 và dịch đang lan tỏa ra khắp các nước chứ không phải riêng lẻ của quốc gia nào. Thu hút khách nội địa cũng là giải pháp tạm thời trong tình thế hiện nay, còn dĩ nhiên ngành du lịch về mặt lâu dài phải có hướng xa hơn. Marketing cho ngành du lịch để thu hút khách quốc tế là việc phải làm, nhưng lúc này chúng ta nên khai thác khách du lịch nội địa. Bởi thực ra khách du lịch nội địa còn tiềm năng rất lớn. Chúng ta không đóng cửa với khách nước ngoài nhưng nên quan tâm tới đối tượng khách du lịch trong nước.

Bà có cho rằng nếu kết hợp du lịch gắn với quảng bá sản phẩm của các địa phương thì chính nó lại trở thành “cầu nối” thương mại, vì có nhiều khách có thể là nhà đầu tư lớn trong vấn đề nông nghiệp?

- Đã nói đến du lịch có nghĩa nơi đến phải thỏa mãn những nhu cầu của khách. Do đó làm sinh thái, miệt vườn, hay bất kỳ cái gì thì khách du lịch họ cũng phải thỏa mãn các nhu cầu như: Ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, mua sắm hàng lưu niệm, sản phẩm địa phương phải đầy đủ dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu khách đến. Cho nên điều quan trọng là cần xác định đối tượng, nhu cầu của khách đến từ đó có dịch vụ cung ứng để thỏa mãn nhu cầu của họ, như vậy mới thu hút được khách du lịch.

Liên kết nhưng phải có “nhạc trưởng”, thưa bà?

- Chắc chắn phải có “nhạc trưởng”vì, trong liên kết thì sự chia sẻ sẽ ra sao? Tuy nhiên, điều tôi cho rằng quan trọng vào lúc này các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa, cần phải chủ động hơn, năng động hơn để vươn lên. Doanh nghiệp phải năng động và phải tính toán để duy trì ở giai đoạn hiện nay và phát triển sau khi bệnh dịch đi qua.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết và chia sẻ để kích cầu du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO